Trạng Bùng 1528- 1613 Và Đạo Giáo Dân Gian Việt Nam Trong Bối Cảnh Lịch Sử Xã Hội Đại Việt Thế Kỷ XVI- XVII - Phần 1
Bài trước << >> Bài tiếp theo
(Đăng ngày 26/8/2013)
Trạng Bùng( 1528- 1613) và Đạo giáo dân gian trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI- thế kỷ XVII- Phần
Thế kỷ XVI của Đại - Việt đã nảy sinh ra những con người có “cuộc đời ngoại hạng”. Chỉ xin phép kể tóm tắt trước tiên 3 nhà văn hóa lớn:
- Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tân Mùi 1491 - Ất Dậu 1585) quê xứ Đông (Cổ Am - Vĩnh Bảo, Hải Phòng nay) “Mạc triều Trạng - nguyên Tề tướng” (Trạng nguyên Ất Mùi 1535), mà cuộc đời hoạt động chính trị - xã hội - văn hóa như đám Mây Trắng (Bạch Vân) bao trùm phần lớn thế kỷ XVI, nhà lý học lớn nhất đất Việt trời Nam, danh tiếng vang tới tận Trung Hoa… Và Sấm Trạng Trình mấy trăm năm sau, cho đến tận ngày nay, vẫn được dân gian nhắc nhở(1). Sau khi Mạc Đăng Dung mất, cụ dâng sớ xin chém 18 gian thần, không được nghe, đã xin về nghỉ ở quê, dạy học.
- Trạng Kế Giáp Hải, Trạng nguyên niên hiệu Đại - Chính thứ 9 nhà Mạc (1538), bạn vong niên của cụ Trạng Trình, Lại bộ thượng thư, Luân quận công, “có tài văn học, giỏi về ngoại giao” với bài thơ họa “vịnh BÈO” nổi tiếng (1540), “xem bài họa, họ Mao (Bá On), họ Cừu (Loan) không dám tiến 11 vạn quân vào cõi nước ta”(2). Cuối đời Mạc, sau mấy lần dâng sớ vạch các tệ hại chính trị - xã hội, không được nghe, cụ cũng xin nghỉ hưu.
- Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (Mậu Tý 1528 - Quý Sửu 1613). Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580) thời Lê - Trịnh, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Quốc tử giám tế tửu, tặng Thái tể Mai quận công, từng làm chánh sứ sang Bắc quốc 1597 - 1598, thơ văn được in tại kinh đô nhà Minh, giao thiệp với các sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản… được vô cùng kính nể.
Tương truyền trong dân gian, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình và chắc chắn là đã từng là học trò Trạng Trình và cũng giỏi lý số. Cuối đời, chúa Trịnh Tùng nghe lũ gian - nịnh thần dèm pha, bắt cụ đi đày.
Trong ba danh nhân ấy, Trạng Trình, Trạng Bùng xuất thân nghiệp Nho, nhà quan, còn Trạng Kế bố mẹ xuất thân nghèo hèn, được một người buôn thuyền “bắt cóc” làm con nuôi rồi cho ăn học, đỗ đạt.
Cả ba ông Trạng Nho này đều không hẳn là nho chính thống mà đều pha chất Đạo học, Lão Trang, Ký Số, Sấm vĩ…
Ba danh nhân văn hóa ấy sinh sống và hoạt động đồng thời với ba nhà chính trị đối ứng / đối lập nhau của Bắc Triều (Thăng Long - Mạc) - Nam triều (Thanh Hoa, Lê Trịnh) rồi sau đó của Đàng Ngoài (Lê - Trịnh) - Đàng Trong (Nguyễn):
- Mạc Đăng Dung (Quý Mão, Hồng Đức 14, 1483 - Tân Sửu 1541) xuất thân dân nghèo đánh cá ở Kẻ Chài (Cổ Trai) ven biển xứ Đông (Nghi Dương, Kiến An cũ, Hải Phòng nay), giỏi đánh vật mà trúng đô lực sĩ, được sung vào đội túc vệ, cầm dù theo xe vua Lê, đầy khôn ngoan và thủ đoạn, cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc (Đinh Hợi 1527); con cháu khi mất Thăng Long (1592) còn làm vua ở Cao Bằng đến tận năm 1677(3).
- Trạng Trình, Trạng Kế đều đậu Trạng nguyên và làm đại quan đời Mạc. Cũng chỉ ở đời Mạc mới có một vị nữ tiến sĩ Hán học duy nhất của nước ta, cũng đáng xếp vào “những cuộc đời ngoại hạng”, đó là bà Nguyễn Thị Duệ, cũng người xứ Đông (Kiệt Đặc, Chí Linh) đỗ đầu bảng tiến sĩ ở Cao Bằng đời vua Mạc Kính Cung (1593 - 1625) khoa Bính Thìn (1616)(4), làm “cung trung giáo tập” cho cả triều Mạc – Cao Bằng rồi sau cho triều Lê - Trịnh Thăng Long.
Ta sẽ còn trở lại với vấn đề nhà Mạc vì quê Mẫu Liên là đất Mạc và Mẫu sống ở trần gian đời Mạc, để xem cũng là để xét lại việc Phùng Khắc Khoan bỏ đất Mạc vào xứ Thanh (1553 - 1554) theo Lê – Trịnh; năm 1592 trở lại Thăng Long đất Bắc và “phát hiện” ra Mẫu Liễu Hạnh thời Mạc, trong khi đó Trạng Trình vẫn ở lại đất Mạc nhưng lui về ẩn dật ở Cổ Am, làm Bạch Vân cư sĩ “nhàn một ngày là tiên một ngày”. Và Trạng Kế cũng đầy bi kịch ở cuối đời Mạc.
- Trịnh Kiểm (Quý Hợi 1503 – Canh Ngọ 1570). Người rất tin dùng Phùng Khắc Khoan (tuy 10 năm sau khi Trịnh Kiểm mất, Phùng mới đỗ đại khoa (tiến sĩ) và đã coi Phùng là “Tương Tử Phòng” (Tương Lương, đại mưu sĩ của Hán Cao Tổ) của mình, biết “nhìn” nhân tài từ khi chưa hiển đạt. Nhưng sau con ông là Trịnh Tùng bắt cụ đi đày ở xứ Nghệ, nơi “Mẫu Liễu” gặp “Đào Lang” lần thứ hai).
Các sách Trung hưng thực lục của các vị đại thần - đại nho bề tôi chúa Trịnh hay / và Trịnh gia thế phả do chính con cháu nhà Trịnh “khai báo” cho vua Nguyễn Gia Long (1802)(5) đều không giấu giếm sự thực về tổ tiên của họ Trịnh và khai rõ như thật, khiến giáo sư lừng danh Hoàng Xuân Hãn phải thốt lên:
“Các sử gia, khi chép gốc tích vua chúa, thường tìm kiếm hoặc bịa đặt những kinh dị để xác chứng cái thuyết THIÊN ĐỊNH hoặc ĐỨC TIN VÀO ĐIỀM LÀNH.
Nhưng đối với họ Trịnh, họ không giấu cái gốc hàn vi ti tiện. Ngay như các sử thần dưới triều Lê – Trịnh cũng đã công nhiên chép sự ấy rõ ràng”(6).
Sự thực về Trịnh Kiểm được chép trong 2 sách ấy, tóm tắt như sau:
1. Tổ 4 đời của Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu, tổ quán ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) xứ Thanh, nhà nghèo, không dính dáng gì với dòng họ Trịnh “công thần” đầu đời Lê là dòng họ thấy Túy Trịnh Khả hay/ và Trịnh Khắc Phục ở Thủy Chú, huyện Lô Dương (Thọ Xuân). Sau ông dời nhà sang Biện Thượng gần đó, cũng ở tả ngạn sông Mã (cũng gọi là Bồng Thượng, gần Ngã ba Bồng), ngụ cư ở đó 3 đời, sinh ra Trịnh Kiểm. Kiểm là con thứ ba; lên 6 tuổi, bố mất, mẹ con lại kéo nhau về Sóc Sơn. Nhà nghèo, đi chăn trâu, cùng trẻ mục đồng kết thành đội ngũ, luyện tập ở núi như thể binh cơ”.
Ông là “thủ lĩnh” của đám mục đồng đó, hay đi ăn trộm gà vịt cho mục đồng ăn uống rồi sau đó ăn trộm cả trâu, giết thịt khao mục đồng (cùng “mô - típ” văn hóa dân giann với Đinh Bộ Lĩnh). Có người làng thấy, trẻ mục đồng chạy hết, một mình Trịnh Kiểm ở lại “chịu trận”, bị điệu về Đình làng(+). Làng bắt khoán, mẹ và họ Trịnh phải góp tiền đền. Trịnh Kiểm bây giờ 16 tuổi (1518), bị đuổi khỏi làng, phiêu lưu tới tận Bồ Xuyên (Yên Mô – Ninh Bình).
2. Nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê (1527), có bầy tôi là Nguyễn Kim ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn dòng dõi đại thần Nguyễn Đức Trung - bố vợ Lê Thánh Tông (Trung Lang - Dụ - Kim), nổi dậy chống Mạc, có căn cứ ở sách Cổ Lũng huyện Cẩm Thủy.
Trong dòng họ Trịnh Kiểm có người anh con nhà bác đã theo Nguyễn Kim. Lúc này Trịnh Kiểm 2 tuổi, có vợ con, ở Bồ Xuyên, vợ họ Trần.
3. Xã Biện Thượng có người họ Lê, tướng quân nhà Mạc, tước Ninh Bang hầu(++). Mẹ Trịnh Kiểm đem con đến xin làm gia thần Trịnh Kiểm ở trại của Ninh Bang hầu, cày ruộng và nuôi trâu ngựa. Hằng ngày Kiểm tập cưỡi ngựa và nhờ đánh bạn với con cái tù binh Chàm(++) vốn làm điền binh ở đó, nên rất tinh về ngựa hay.
Ông đã lấy trộm con ngựa hay của tướng Mạc và chạy trốn lên Cẩm Thủy.
4. Tướng Mạc đuổi bắt, Kiểm đi trốn ở xã Yên Định (Bên hữu ngạn sông Mã đối diện với Biện Thượng ở tả ngạn). Ninh Bang hầu sai bắt mẹ ông, dọa về bảo Trịnh Kiểm phải trả ngựa, nếu không sẽ không tha. Được tin báo, Kiểm về nhà cậu ở Hổ thôn (cạnh xã Yên Định) định đưa mẹ, vợ con đi trốn. Bị phát hiện, Ninh Bang hầu (của Mạc) sai xã trưởng Sóc Sơn, Biện Thượng đem đinh tráng đi bắt. Nhưng xã trưởng Biện Thượng là người cùng họ nên thấy hai mẹ con ông ở hiên sau đang bắt rận, đã ném đất làm hiệu. Trịnh Kiểm xé rào chạy trốn.
Mẹ ông bị bắt, bị Ninh Bang hầu bỏ rọ tre cùng tảng đá lớn trôi sông. Trịnh Kiểm nhờ các bạn Người gốc Chăm giúp ông tìm được thây mẹ đem chôn lén ban đêm.
5. Từ đó Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim cấp cho binh mã, quản đội ngựa. Ông luyện tập binh mã, đóng đồn ở Vạn – Lại, đánh Mạc một trận đã thắng to. Ông (tuy đã có vợ con họ Trần từ trước) được Nguyễn Kim gả con gái là Nguyễn Thị Bảo. Bà này sinh ra Trịnh Tùng.
“Thế là Trịnh Kiểm, trong khoảng chừng mười năm, từ địa vị cố cùng, can phạm, đã vượt lên hàng đại thần (được ban tước Dực quận công năm Kỷ Hợi (1539 - 37 tuổi). Rồi sáu năm sau, chiếm hết quyền văn vũ, sau khi kẻ đỡ đầu (và cũng là bố vợ mình) đã bị một viên hàng tướng nhà Mạc đầu độc (Ất Tỵ 1545). Biết đâu trong vụ này không có tay ngầm của Trịnh Kiểm (suy luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn hoàn toàn phù hợp với ghi chép tại chỗ của giáo sĩ Công giáo xứ Thanh - TQV). Tuy bấy giờ chỉ lấy danh Thái sư Lang quốc công, nhưng kỳ thật đã nắm hết quyền bính như một chúa tế(6). Vua Lê chỉ là bù nhìn và từ đó về sau những ông vua Lê khi được chúa Trịnh bế lên ngôi trên ngai vàng, “Ông” nào lớn nhất cũng chỉ độ 10 tuổi là cùng. Trịnh Kiểm đã có lúc, khi vua Lê mất, muốn lên làm vua. Con ông là Trịnh Tùng đã giết hại vua Lê này rồi lập 2 vua Lê khác; và cứ thế dòng họ Trịnh thấy vua Lê nào định “nhúc nhích” không chịu thân phận bù nhìn là giết luôn. Dựng vua Lê, chẳng qua chỉ cho tròn danh nghĩa “để có thể hội tụ được các nhóm văn thần võ tướng còn nặng óc cương thường đạo nghĩa theo thuyết tôn quân”. Mặt khác, đó cũng là khả năng duy nhất để yên lòng dân chúng”(4). Và sau này, khi thế lực Nguyễn nổi lên ở Đàng Trong và ra mặt chống đối chúa Trịnh (lúc Trạng Bùng còn đang sống và làm đại thần triều Lê Trịnh và Mẫu Liễu “giáng trần lần thứ 2, thứ 3, chúa Trịnh càng cần giữ vua Lê ở ngôi “hư vị” để giữ cho triều đình của họ Trịnh cái vẻ danh nghĩa, cái “chính thống”, với cả Bắc quốc - Minh - Thanh ở Bắc, với cả chúa Nguyễn ở Nam cùng cai quản “bách thần” trong đó có Mẫu Liễu Hạnh (chỉ có VUA - không phải CHÚA) mới có quyền “phong sắc” cho Mẫu Liễu Hạnh và bách thần. (Sắc phong của Mẫu vào các niên hiệu Dương Hòa đời Lê Thần Tông, Chính Hòa đời Lê Huy Tông (cuối thế kỷ XVII). Chúa Trịnh Kiểm rất tin phong thủy, rất cẩn thận việc mồ mả tổ tiên… Các bà phi của các chúa Trịnh rất chăm lễ bái và hưng công sửa sang, xây dựng ĐỀN CHÙA, MIẾU MẠO.
- NGUYỄN HOÀNG (Ất Dậu 1525 - Quý Sửu 1613). Trái với hai nhân vật chính trị kiệt xuất trên xuất thân nghèo hèn, Nguyễn Hoàng xuất thân từ một “vọng tộc” ở Gia - Miêu, Tống Sơn, Hà Trung, dòng dõi công thần từ đời Lê Lợi và con cháu đời đời làm công thần triều đầu Lê, đặc biệt từ đời Lê Thánh Tông (vợ vua là con gái Nguyễn Đức Trung, cụ của Nguyễn Kim, kỵ của Nguyễn Hoàng).
(1) Xin xem – Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học (Kỷ yếu Hội nghị khoa học nhân 400 năm mất), Hải Phòng, 1991, 434 trang, khổ 13 x 19.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin và thể thao, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1991 (kỷ niệm 500 năm năm sinh). 410 trang, khổ 13x19.
(2) Xin xem Địa chí Hà Bắc, Ty Văn hóa và Thông tin, Thư viện tỉnh, Hà Bắc, 1982, 740 trang, khổ 19x27. Đặc biệt xin xem các trang 369 – 370, 726…
(3) Xem Trần Quốc Vương – Lê Lợi – Mạc Đăng Dung – Trịnh Khiêm gốc tích – Tam linh – xứ hành (cả bản tiếng Việt và tiếng Anh) SKAP, Đại học Cornell, New York, 12.1990.
(4) Xem Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) – Những bà giáo thời xưa Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1988, trang 44 – 77.
Tài liệu xưa nhất chép về tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1697), người Mộ Trạch, xứ Đông (Bình Giang), đậu tiến sĩ năm Vĩnh Hựu 2 {o}- (1732). (Thư viện KHXH (nay là Viện Hán Nôm) số A.44.
(5) Xin xem - Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lực – (gọi tắt là Trung hưng thực lực (THTL). Sách này của các sử thần triều Lê soạn dưới sự giám sát của Duệ quận công HỒ SĨ LƯƠNG, chép công trạng các chúa trịnh “Phò vua Lê” từ 1533 đến 1675.
Nay thư viện Hán Nôm còn giữ được bản in có Tựa đề Vĩnh Trị nguyên niên (1676).
- Trịnh gia thế phả. Sách của Thư viện Khoa học xã hội (nay chuyển cho Viện Hán Nôm) ký hiệu A1821. Từ đầu ghi Gia Long nguyên niên (1802), do TRỊNH CƠ - là cháu của người bản tộc được quyền coi việc thờ tự họ Trịnh - vâng (chỉ truyền của vua Gia Long) soạn.
(6) Hoàng Xuân Hãn - Gốc tích các chúa Trịnh và một bức thư Nôm của Trịnh Kiểm. Tập san SỬ - ĐỊA, Sài Gòn, số 4, 1966, trang 3.
(+) Đây là lần đầu tiên sử sách chép cái Đình làng với chức năng “công sở ” của làng.
Có lẽ là Tây An hầu Lê Phi Thừa. Sử chép nhà Mạc cho cai trị 7 huyện xứ Thanh trong đó có huyện quê Trịnh Kiểm. Sau cùng bỏ Mạc, hành Lê - Trịnh.
(++) Ở sơ Đồn điền Yên Định thời Lê Thánh Tông.
Xem tiếp phần 2
Giáo sư Trần Quốc Vượng
(Bài viết được lấy từ cuốn sách “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét