Trạng Bùng (1528- 1613) và Đạo giáo dân gian Việt Nam trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI- XVII - Phần 2
Bài trước << >> Bài tiếp theo
(Đăng ngày 26/8/2013)
Xem lại phần 1
Trạng Bùng (1528- 1613) và Đạo giáo dân gian Việt Nam trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI- XVII- Phần 2
Cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, khi Lê Thánh Tông rồi Lê Hiến Tông nằm xuống thì từ triều đình đến thôn dã “loạn” ngay.
“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”…
(Họa phúc mối mầm đâu một chốc)
(Ức Trai)
Thế kỷ XVI - XVIII là một thời loạn lạc, đảo lộn về xã hội và nội chiến liên miên giữa các thế lực chính trị.
Nguyên nhân sâu xa phải tìm ở cuối thế kỷ XV, ngay trong cái thời gọi là “thịnh trị của nhà Lê - đời Lê Thánh Tông - như các vị sử gia chính thống từ Lê Trịnh đến ngày nay chép; ai cũng ca ngợi thời Hồng - Đức là thời có vua giỏi, tôi hiền”. Riêng tôi, từ lâu đã không nghĩ thế. Chỉ xin kể vài chuyện:
1. Ngay năm đầu lên ngôi (Quang Thuận 1, 1460), Lê Thánh Tông lấy cớ vợ vua Lê Lợi tên là Trần (Phạm Thị Ngọc Trần) đã ra lệnh bắt họ Trần dòng họ thân Dân làm nên đại chiến công bình Mông - Nguyên vang lừng thiên hạ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được giới lịch sử quân sự toàn thế giới (do Hội khoa học hoàng gia Anh - Viện Hàn lâm khoa học triệu tập họp Hội nghị ở Lon - đon 1984) đã suy tôn Ngài là đứng đầu trong 10 danh tướng thế giới cổ kim – đổi họ sang họ Trịnh(7).
Loạn đầu tiên thế kỷ XVI là loạn TRẦN TUÂN (1511) ở Sơn Tây quê cụ Trạng Bùng. Loạn lớn nhất đầu thế kỷ XVI là loạn TRẦN CẢO (hay CAO, 1516) ở Đông Triều, Yên Tử xứ Đông quê hương tổ tiên (theo sách này) hay quê hương thứ hai (theo sách khác) của nhà Trần và “tự xưng” là cháu chắt nhà Trần. Loạn Trần Cảo (cùng sau đó con là Trần Thăng (hay Cung) phát triển lên xứ Lạng nơi Mẫu cũng “xuất hiện”) trên thực tế đã làm sụp triều Lê (Mạc Đăng Dung chỉ là người khéo sử dụng THỜI CƠ mà vươn dậy rồi cướp ngôi Lê 1527).
2. Vua Lê Thánh Tông là người hiếu sát, ngay đầu tiên đã giết Cung vương Khắc Xương (1476) là anh ruột, người đã “cố ý từ chối ngôi vua” để cho em (Thánh Tông) làm vua(8). Sử thần nhà Lê mà còn “dám” bình luận Lê Thánh Tông “tình nghĩa anh em thiếu lòng thân ái, đó là chỗ kém”(9).
3. Cũng ông vua này là người hiếu sắc, sử thần Vũ Quỳnh “dám” bình: “Vua nhiều phi tần quá nên mắc phải bệnh nặng (bệnh giang mai? TQV). Trường – lạc hoàng hậu (mẹ Lê Hiến Tông, họ Nguyễn Gia - Miêu, con Nguyễn Đức Trung) thì bị giam lâu ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm đem thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở loét, bệnh vua càng thêm nặng (rồi chết)(10).
Việc này sinh ra hai chuyện:
1) Vua chết sớm, 56 tuổi.
2) Cả dòng họ Nguyễn Gia Miêu thù hận, nên khi Hiến Tông, con bà Trường Lạc họ Nguyễn lên ngôi, họ Nguyễn lộng quyền. Vua Uy Mục (Giáp Tý 1504) giết bà Trường Lạc “ruồng đuổi người họ tông thất và công thần về địa phương Thanh Hóa”(11) khiến Nguyễn Văn Lang (con Nguyễn Đức Trung (ông nội (hay bố), tùy sách chép) Nguyễn Kim) ôm hận, nổi loạn (có Lương Đức Bằng (thầy học Trạng Trình, bố Lương Hữu Khánh – bạn thân Phùng Khắc Khoan) viết hịch kể tội Uy Mục) giết Uy Mục, lập Tương Dực (1509). Người Minh gọi Uy Mục là vua Quỷ, Tương Dực là vua Lợn.
Sau khi Thánh Tông, rồi Hiến Tông mất (1506) là cả một thời kỳ các dòng họ ngoại thích (họ các vợ vua Lê) hoành hành và dòng họ các công thần (cũng đồng thời là ngoại thích) tranh nhau quyền lực.
4. Nổi bật lên trong triều đình Lê suy đốn đầu thế kỷ XVI là sự tranh giành quyền lực của hai dòng họ công thần mà Lê Quý Đôn đã nhận ra(12):
“Họ Thủy Chú (Trịnh) và họ Tống Sơn (Nguyễn) đều là họ công thần hạng nhất, danh vọng trên đời, mà bỗng dưng sinh hiềm khích. Nhà vua (Chiêu Tông) hòa giải cũng không yên. (Nguyễn) Hoàng Dụ (theo Lê Quý Đôn là anh Nguyễn Kim, còn theo các sử sách khác thì là cha Nguyễn Kim. TQV chú) cử binh đánh Trịnh Tuy, Tuy chạy về Lôi Dương. Trần Chân là con nuôi (Trịnh) Duy Sản, nên bênh Trịnh Tuy, bèn cử binh đánh Hoằng Dụ, Hoằng Dụ chạy về Tống Sơn. Thế là chỉ còn một mình Trần Chân lưu lại triều đình làm phụ chính.
Vua thấy hai họ đánh nhau, chưa phân đằng nào phải trái, lại nghe lời Trần Chân, sai (Mạc) Đăng Dung dẫn thủy quân đuổi đánh Hoằng Dụ ở Thanh Hóa. Hoằng Dụ đưa tờ thư và bài thơ cho Đặng Dung, Đặng Dung bèn án binh bất động, nên Hoằng Dụ được chạy thoát”.
Mạc Đăng Dung rất khéo lợi dụng mâu thuẫn giữa các dòng họ công thần ngoại thích này mà leo dần lên ngôi vị cao ở triều đình Lê cuối:
- Xin cho con Mạc Đăng Doanh cưới con gái Trần Chân làm vợ.
- Chiêu Tông nghe lời dèm giết Trần Châu.
- Mượn thế các “giặc làm loạn” để giết bớt các đại thần cũ của vua Lê.
- Năm 1518 Nguyễn Hằng Dụ chết. Nguyễn Kim cũng bỏ vào xứ Nghệ. “Mạc Đăng Dung lại càng tung hoành(13), “triều đình ai cũng phục(14)”.
- Năm 1524 Trịnh Tuy chết. (Trước đó Trịnh Duy Sản đi đánh “giặc Trần Cảo” đã bị Trần Cảo bắt sống đem vè hành dinh Vạn Kiếp giết chết(15) (1516). Cũng năm đó (1516) chú Nguyễn Hoằng Dụ là Văn Lự ngầm hẹn với Trịnh Duy Đại cùng vào trước mặt vua, tâu xin hòa giải giữa hai dòng họ rồi bắt Trịnh Duy Đại đem chém, bêu đầu ngoài cửa thành…(16)).
Thế là dòng họ Trịnh Thủy Chú Lôi Dương hết thời vận. Vậy cố nhiên trong triều Lê cuối chỉ còn Bình chương quân quốc trọng sự, thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung (1524) cùng vây cánh họ Mạc.
Mạc Đăng Dung lên ngôi vua (1527) là một tất yếu lịch sử sau cả một chuỗi dài sự biến “trong triều ngoại nội” như vậy. Đây là một ông vua bình dân, chính sự tốt, ngoại giao khéo léo, cởi mở về tôn giáo – tín ngưỡng, tư tưởng, “mở cửa” để buôn bán trong ngoài nước phát triển.
5. Ai cũng biết và cũng ca ngợi chiến công Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, lập thêm đạo Quảng Nam (từ Quảng Nam đến Phú Yên nay) là đạo thứ 13 của nước Đại Việt. Song các sử gia “chính thống” lại “quên” hậu quả lịch sử “tiêu cực” của “chiến công” đó:
- Với “chiến dịch” này, Lê Thánh Tông chém giết hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 3 vạn người Chăm, kể cả vua Chăm “Trà Toàn” cùng vợ con(17).
Hiếu sát đến thế là cùng!
Ba vạn tù binh Chăm bắt về, để ở triều đình một số, một số chia cho các đại thần, các đền chùa làm gia nô, một số đi làm “điền binh” ở các Sở đồn điền sau trở thành các làng Chăm Việt hóa với nhiều tín ngưỡng Chăm, như thờ NỮ THẦN SỨ SỞ, thờ Đế Thích (Indra).
Cái giá phải trả:
Trà Toại và vợ con bị an trí 30 năm ở ngoài cửa Bảo Khánh (khu Giảng Võ nay).
Đầu thế kỷ XVI (Cảnh Thống), Trà Phúc lấy trộm hài cốt của cha là Trà Toạn trốn về nước, “đến đây các nô người Chiêm của các nhà thế gia công thần (và) ở các điền trang cũng đều trốn về nước”(18). Ai còn ở lại, thì họ xui các bạn bè, quan lại người Việt của họ “làm loạn”.
Đứng ngay sau TRẦN CẢO là PHAN ẤT – nguyên là gia nô người Chiêm của Trịnh Duy Đại.
Bạn bè Trịnh Kiểm, như đã nói, là ba cha con người Việt gốc Chiêm ở Yên Định.(+)
“Loạn người Chiêm” và tín ngưỡng Chăm ở miền Bắc Đại Việt là một sự kiện lớn làm nghiêng ngửa triều Lê - Nho cuối. Ta khó lòng chỉ “đổ tội” cho mấy ông vua Uy Mục, Tương Dực…
(Tất nhiên mấy ông vua này cũng chẳng ra gì, song xin nhớ chính Tương Dực trung phong cho Nguyễn Trãi là Tế văn hầu chứ không phải là Lê Thánh Tông. Ông này tuy có “phục hồi” cho Nguyễn Trãi nhưng lại hạ Ức Trai xuống tước “bá”. Cũng không phải Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ cứu mẹ con Tư Thành (Thánh Tông) mà là Trịnh Khả(19). Lê Thánh Tông nhớ ơn đó, rất ưu đãi con cháu họ Trịnh, vì vậy mà họ Trịnh rất lộng quyền ở đầu thế kỷ XVII ).
6. Điều quan trọng hơn nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng ở thế kỷ XVI là việc nhà Lê mô phỏng triều Minh xây dựng một nền quân chủ - nho giáo độc tôn, chuyên chế. Chẳng phải bỗng dưng mà tác giả Việt Nam Phật Giáo sử luận hạ lời bình: Nhà Lê thắng Minh về quân sự nhưng lại thất bại với Minh về văn hóa(20).
Khi viết về gốc tích và hành xử Lê Lợi(3), tôi xã trích dẫn cuốn sách rất đáng tin cậy Lam Sơn thực lục(21) do chính Lê Lợi sai các văn thần – trong đó có Nguyễn Trãi ghi lại và nhà vua đề tựa, nói về những sự việc Lam Sơn phán tích, trích những đoạn liên quan đến tâm thức Lê Lợi mà các sử giả “chính thống” cố tình “lờ” đi (nhưng Lê Quý Đôn lại nhấn mạnh): Đó là việc Lê Lợi rất tin thuật phong thủy, tin cả tín ngưỡng Hà Bá (thần Phổ Hộ) mà quẳng vợ mình (mẹ Thái Tông) xuống sông làm vợ Thần Sông.
Nhưng thắng lợi xong, ra Thăng Long – Đông Kinh làm vua, là ông ra lệnh cấm ngay “vu tràng tả đạo”. (Song các đại công thần như Lê Sát vẫn làm lễ hiến tế “ngựa trắng”, một tín ngưỡng Aryan cổ thờ Thần Mặt trời được hội nhập từ Ấn Độ sang ta đã lâu(22) và Lê Ngân vẫn “thờ Phật bà Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái được vua yêu”, nuôi cả mụ đồng và thầy phù thủy họ Nguyễn, họ Trần trong nhà. Bị cáo giác, Lê Thái Tông đã giết ông, tịch thu gia sản, giáng con gái ông từ Huệ phi xuống làm tu dung, mụ đồng họ Nguyễn thì bị đày ra nơi xa, thầy phù thủy là Trần Văn Phương thì phân làm lính ở chuồng voi(23)).
(7) Đại Việt sử ký toán thư (sau đây sẽ gọi tắt là Toàn thư) của Ngô Sĩ Liêm (người được Nguyễn Trãi lấy đố tiến sĩ 1442 sau viết sách chửi ông, bênh vực việc nhà Lê giết Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là người chửi nhà Hồ hăng nhất) và các sử thần khác triều Lê. Bản dịch của Viện Sử học, 4 tập. Nxb KHXH, Hà Nội, Tập III (in 1968), trang 176.
(8) Toàn thư. Đã dẫn, tập III, trang 175.
(9) Như trên, trang 173.
(10) Như trên, trang 320.
(11) Như trên, tập IV (in 1968), trang 51.
(12) Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử trong Lê Quý Đôn Toàn tập tập III, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, trang 147:
Viết về việc Thánh tông giết Cung vương Khắc Xương:
“Các đại thần là bọn Lê sau khi đã truất Nghi Dân rồi, muốn rước ông (Cung vương) là người phong nhã, đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè sẻn, chất phác như một nho sinh”) lên ngôi vua, sai người tới bái, ông cố từ chối, họ bèn rước vua Thánh Tông;
Thánh Tông nghe thấy chuyện này, giận lắm, về sau vua nghe lời dèm, bèn giết Lê Lăng và trong lòng ghét vương.
Năm Hồng đức 7 (1476… vua (lại nghe lời dèm), hạ chiếu tới bắt Cung vương. Ngày 6 tháng 8, vương lo mà chết”.
Sách này (trang 257) viết về mâu thuẫn giữa hai dòng họ công thần kiêm ngoại thích: Trịnh (Thủy Chú, Lôi Dương) Nguyễn (Gia Miêu, Tống Sơn).
Cũng sách này (trang 116) sau khi “chê” nhà Lý, nhà Trần lấy phi, lập hậu lung tung, đã viết:
“Triều (Lê) ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng: kén chọn phi tần tất lấy con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế”.
Mặc dầu vô cùng kính trọng sự uyên bác của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, tôi cũng buộc phải thưa thốt rằng:
- Chính Cụ cũng lại công nhận rằng công thần lại kiêm ngoại thích rất lộng quyền, sau này họ Trịnh của dòng họ Trịnh Khả chẳng hạn giết cả vua (Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, Lập Chiêu Tông (1516).
Trịnh Duy Đại cũng là cháu nội thái úy Trịnh Khả giết vua Quang Trị - con Mục Ý vương, cháu Kiến vương Tân, chắt Lê Thánh Tông – và hai người em 1515 – 16 v.v…
- Các vua Đinh – Lê – Lý lập nhiều hoàng hậu là để nhân nhượng và chia quyền giữa các thế lực địa phương bấy giờ còn mạnh. Họ Trần, “anh em chú bác ruột lấy nhau” không phải là “loạn luân” mà là theo một hệ thống thân tộc khác với chế độ “cửu tộc” của Trung Hoa mà nhà Hậu Lê sau này bắt chước. Trong dân gian YÊU ĐƯƠNG và HÔN NHÂN cũng vẫn còn giữ được nhiều tự do phóng khoáng “Phi Lễ phi Nho”.
- Các vua Lê về sau lấy phi – tần cũng rất lộn xộn. Chắc chắn cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã đọc bài “hịch” của cụ Lương Đắc Bằng – thày dạy Trạng Trình:
“Đoan Khánh (niên hiệu của vua Uy Mục 1505 - 1509) làm vua, ngoại thích chuyên chính. Tử Mô là phường ngu hèn nơi phố chợ, rối loạn triều cương; Thăng khoa là hạng trẻ con (chăn trâu) chốn hương thôn, cần làm uy phúc.
Thậm chí đánh thuốc độc giết bà nội (Trường lạc Thái hoàng Thái hậu), giết hại thân vương…” (Xem Toàn thư, tập IV, đã dẫn trang 52).
(13) Lê Quý Đôn, Sách đã dẫn, trang 258.
(14) Như trên, trang 259.
(15) Như trên, trang 237.
(16) Như trên, trang 238.
(17) Toàn thư, tập III, đã dẫn, trang 236
(18) Toàn thư, tập IV, đã dẫn, trang 49
(+) Tôi sẽ có bài nghiên cứu riêng về Di sản văn hóa Chăm để lại ở miền Bắc, như nghề dệt LỤA LÀ LĨNH với các bà chúa La, bà chúa Lĩnh, việc trồng Dừa ở Sấu Giá, ở Phùng và quê Trạng Bùng, việc thờ nữ thần.
(19) Lê Quý Đôn, sách đã dẫn, trang 213.
“Khi Quang Thục (mẹ Lê Thánh Tông - TQV) còn là tiệp dư, đã từng vì trái ý, bị vua Thái Tông bỏ tù ở vườn hoa Trịnh Khả cứu bà, thoát nạn. Cho nên vua Thánh Tông nhớ lại ơn trước, cất nhắc dùng con cháu ông, ưu đãi hươn các bầy tôi khác”.
(20) Nguyễn Lang – Việt Nam Phật giáo sử luận, 2 tập, Lá Bối Sài Gòn, 1974, Paris 1977.
(21) Xem Trùng San Lam Sơn thực lục (Lê Lợi kể, Nguyễn Trãi ghi, Hồ Sĩ Dương san định). Ban chữ Hán và bản dịch của GS Trần Nghĩa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1992.
Lê Quý Đôn - Đại Việt thông sử - Sách đã dẫn, mục Thái Tổ thượng, hạ.
(22) Xem Lý Tế Xuyên (1329) – Việt điện u linh tập. Sự tích thần Bạch Mã (Đến nay còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội). Bản dịch của Trịnh Đình Rư, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1960; năm 1972 GS Đinh Gia Khánh có dịch lại và dịch thêm, Nxb Văn học, Hà Nội 1972, trang 85 – 87.
(23) Lê Quý Đôn – Sách đã dẫn, trang 202 – 203. Cũng xem Toàn thư vào niên hiệu Thiệu Bình thứ tư (1437 - 1438)
Xem tiếp phần 3
Giáo sư Trần Quốc Vượng
(Bài viết được lấy từ cuốn sách “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét