Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Danh nhân- thi sĩ- văn chương- nhân cách để đời- Phần 1

2013-08-30_124546tit.jpg
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Danh nhân- thi sĩ- văn chương- nhân cách để đời- Phần 1

 trung_bung_210913.jpg
(Đăng ngày 16/8/2013)
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Danh nhân- thi sĩ- văn chương- nhân cách để đời- Phần 1
Trong bài Viễn ký hữu nhân, Phùng Khắc Khoan viết rằng:
- Tư cổ đại tài ưng đại dụng,
Trương phu khẳng dữ thế phù trầm.
Cụ Trần Lê Nhân, nhà Hán học nổi tiếng một thời, dịch là: “Xưa nay đại tài nên được đại dụng. Tài trai sao chịu cùng đám thế tục ngửa mặt cúi đầu để xu thời”(1).
nhasuhocduogntrungquoc.jpg

Trong 86 năm đời mình, Phùng Khắc Khoan, Hoàng Phu – Nghị Trai Mai Nham Tử - ông Trạng trẻ Bùng, đã sống, làm việc và sáng tạo văn chương; để lại cho đời một tư cách danh nhân, một di sản tinh thần lớn lao, quý giá. Nói đến văn chương Trạng Bùng là nói đến thứ văn chương kinh bang tế thế, văn chương nhân cách để đời, văn chương gắn với sự nghiệp, văn chương làm con người thánh thiện, danh thanh, sự nghiệp thăng hoa. 
Cho tới nay, đã ba lần hành hương, sáu lần viết về văn chương của Trạng  (1 – Báo cáo khoa học 1962, 2 -  Văn học thế kỷ X – XVII xuất bản 1964, 3 – Giáo trình văn học xuất bản 1979, 4 -  Chuyên luận Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xuất bản, Hà Tây 1979, 5 – Từ điển văn học xuất bản 1982. 6 -  Từ điển bách khoa đang in), tôi cảm thấy vẫn còn nhiều điều đáng nói. Lần thứ bảy này, xin được coi như những dòng “cố sự tân biên”, thể hiện tấm lòng thành kính của lớp hậu trò trước đi miếu, cố trạch Phùng gia, đã ngoài 40 thập kỷ.
1- Một khối lượng tác phẩm khiêm nhường, khả kính.

Di sản tinh thần của Trạng Bùng khiêm tốn trước sự nghiệp Văn chương của đại văn hào Nguyễn Trãi, của đại thu, phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng khả kính trong số danh gia còn lại, với riêng xứ Đoài thuở ấy, chắc chả nhường ai.
Điểm lại sự nghiệp trước tác của Phùng Khắc Khoan, phải thừa nhận, về mặt văn hóa di văn bản của Phùng Công phức tạp không kém di văn của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đó, và Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát về sau này. Thế nhưng qua khảo cứu của nhiều học giả: Bùi Duy Tân, Ngọc Liễn, Bùi Văn Nguyên, Trần Lê Sáng, di văn của Trạng Bùng về cơ bản đã dược phân giải minh bạch.(2) Theo sự tìm tòi của các ông, thì vế số lượng, Phùng Khắc Khoan còn khoảng non 500 đơn vị bài thơ. Tác phẩm được viết bằng cả chữ Hán, chữ Nôm, với nhiều thể tài: Văn tế, văn bia, văn tựa, thơ từ văn lục bát và diễn ca kinh truyện. Rải rác ở một số tư liệu, có nói đến Phùng Khắc Khoan từng tham gia viết sử, phủ chính Truyền kỳ mạn lục của đồng môn Nguyễn Dữ, viết sấm ký, sách dịch lý, bói toán và sách bàn về việc dùng binh v.v…, nhưng có lẽ, đó chỉ là nghi truyền, ngụy tác. Chắc chắn, tác phẩm còn lại của ông là 4 tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập (hoặc Sứ hoa tập); Mấy bài tựa, văn bia, văn tế và một vài tác phẩm nôm Lâm tuyền vãn.
2 - Chí khí nam nhi - Nhập thế - An nguy - Trị loạn
Ngày nay, nói đến Phùng Khắc Khoan, trước hết là nói đến một nhân cách lớn, một hoài bão cao đẹp. Là một nhà nho, sống vào thời chế độ phong kiến lâm vào tình trạng mâu thuẫn, phân liệt hỗn chiến; hơn rất nhiều người khác, Phùng Khắc Khoan bao giờ cũng ý thức một cách sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xã hội. Trong non 500 bài thơ, bài văn còn lại, Phùng Khắc Khoan luôn thể hiện chí khí nam nhi, tinh thần hăng hái bền bỉ, thái độ sống lạc quan, tin tưởng. Điều đáng quý là, Phùng Khắc Khoan không những có hoài bão và nhân cách lớn mà còn cố gắng phấn đấu để thực hiện, chứng tỏ tầm cỡ một sĩ đại phu. Có thể xem, thơ văn Phùng Khắc Khoan là sự phản ánhh tâm trạng chung của trí thức dân tộc, muốn nhập cuộc để an nguy, trị loạn, vực lại kỷ cương, đạo đức đã một thời suy sút, vãn phục xã hội lý tưởng “vua thánh, tôi hiền”, “thái bình, thịnh trị”.

Dõi theo thơ Phùng Khắc Khoan, một thế kỷ hành niên tự thuật đời ông, ngay từ những bài thơ đầu tay, nhà thơ đã nói đến tài năng và ý chí.
Nam nhi tự hữu hiển tượng sự
Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu
                            (Tự thuật)
(Tài trai tự có bổn phận làm nổi tiếng thơm, vẻ vang cho cha mẹ. Chả chịu làm một đấng trượng phu ngang tàng không sự nghiệp). Về sau, thơ làm trong thời vãn niên, vẫn giữ trọn niềm say lý tưởng tầm cao nhân cách ở đời:
- Bình sinh chính trực trung thành,
Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh.
                         (Bệnh trung thư hoài)
(Đời ta chính trực lại trung thành.
Tráng chí treo cao rỡ ràng như mặt trăng mặt trời tỏa sáng)
Ông ví mình như “Côn bằng cất cánh siêu thăng(3) như” giao long liệng tít trời cao”, như tùng bách” không khi nào hàng phục lúc tuyết thành đồng”, như kình nghê “sao chịu lưu luyến vụng nước vừa móng chân trâu”, như hoa mai “nở đầu ba xuân, có chí khôi nguyên”, như quả mai “điều hòa năm đỉnhh có quyền tể tướng”. Thơ Phùng Khắc Khoan lúc nào cũng tràn đầy niềm tin và hy vọng định hướng cuộc đời đã rõ. “Xưa nay chí nam nhi cốt ở tứ phương”, “đối với nước làm trung thần”. Dù là tự thuật hàng năm, dù là nhắn gửi bạn bè, chúc thọ cha mẹ, dù là mừng một nhà học làm xong, một khoa thi vừa đậu, dù là đề vịnh thắng cảnh, phẩm bình nhân vật, nghiền mài đạo lý v.v… thơ ông bao giờ cũng hào sảng hùng tâm như thế.

Phùng Khắc Khoan trong bối cảnh “anh hùng tranh cướp nhau tán loạn” ở thế kỷ XVII, cũng có niềm băn khoăn khi chọn chúa:

Tế thời tố hữu hiền nhân chí,
Trách chủ do tàm trí giả minh,
 (Khiển muộn)
(Ta sẵn có cái chí người hiền ra giúp đời,
Nhưng còn thẹn thiếu cái chí người không biết chọn chúa)

Thế rồi, ông không chịu ra làm quan với triều Mạc, mặc dầu đang sống ở đất nhà Mạc, vào lúc vương triều này đang có cái thế ổn định. Xuất xứ của Phùng Công còn có phần cẩn trọng hơn cả người thầy khả kính của mình, lúc này đang làm quan với “ngụy Mạc”. Phủ định họ Mạc, nhưng ông không bi quan trước thời thế. Ông tin rằng “tạo hóa cơ dam chung phục thủy, ngô nho sự nghiệp khuất hoàn thân”(4). Trong một bài thơ làm đêm ba mươi tết(5), ông viết rằng: “Vui vẻ hành được đạo thì ra giúp đời, ưu nguy không hành được đạo thì ẩn cư. Thanh nhân không việc gì không thuận theo thời. Bác sắp hết tự nhiên là ngày Phục trở lại. Bỉ đến cùng nên biết có lúc thái sinh ra. Mùa đông đến lá đang rụng từ biệt cây cũ nọ. Mùa xuân về hoa đã nở ở trên cành mới kia. Bằng rồi lệch, đi rồi lại, là lẽ thường tự nhiên. Nên nhớ, hai chữ “kiên trinh” là huấn tử của “Kinh Dịch”. Nói “Tùy thời”, “ẩn cư” để mà thể hiện niềm tin: thời thế sẽ đổi thay, tình hình sẽ ngày một sáng sủa hơn, lại tự khuyên miễn chịu gian khổ, giữ kiên trinh. Để rồi “nếu gặp cơ hội đáng có thể làm được, thì thành công chưa chắc kém người xưa”.
Xem tiếp phần 2
Giáo sư Bùi Duy Tân

(Bài viết được lấy từ cuốn sách  “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)


Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Danh nhân- thi sĩ- văn chương- nhân cách để đời- Phần 2
  
180913_ho_phung_20d_0210.jpg
Từ khi lặn lội vào Thanh Hóa, tham gia nghiệp trung hưng, thơ ông càng gân guốc, phấn chấn:

- Tá hành chí tại hiển dương tụy,
Nham hiểm khê thâm khởi đạn lao

(Lâm lộc Tảo hành)
 (Chuyến này: dương hiển danh nhân,
Đèo heo suối thẳm, gian truân xá nào)

Nhà thơ nhìn vào đâu cũng thấy đẹp. Niềm vui trong lòng tỏa ra cả thế giới xung quanh, cảnh vật bỗng trở nên sinh tươi đầy thi vị:

Trèo leo sớm sớm chân rừng,
Trĩ kêu trọng nội, ô bừng ngoài khơi
Đón ai hoa mỉm nụ cười.
Cờ lau thẳng hướng, mặt trời bày ra
Cỏ cây thuộc tiếng mừng ta
Gió mây gợi tứ, bút hoa nẩy vần.
Lâm Lộc tảo thành – bản dịch thơ; Tham Tuyền

Niềm hân hoan tràn ngập cả đất trời, qua khúc Thường xuân từ rất đẹp:
 “Khí dương trên trời trở về, mùa xuân nhân gian đã đến lại một phen mới hết. Thật là trời đất mở vận hanh thông, ngày xuân tươi tốt, hoa cỏ hướng mặt trời, sinh ý hơn hở. Má đào phô sắc đỏ, mặt liễu hé màu xanh. Oanh hót véo von, bướm bay chập chờn, tỏ vẻ vui mừng rối rít… Hãy hỏi liễu, hỏi hoa cho hương thơm đầy tay áo đỏ hồng. Uống chén rượu, làm câu thơ, ca lên cho át làn mây trắng”… (Bản dịch)

Phùng Khắc Khoan đặt hy vọng lớn ở công cuộc trung hưng. Gặp Trịnh Kiểm, rồi Lê Trung Công, Phùng được tin dùng, biết “thời cơ đã đến”, ông muốn mang tất cả “Sở tồn làm sở dụng”:

Chí dưỡng hiển một đời đã thỏa,
Được tin dùng vui tạ ơn vua.
Rắp lòng chuyển nắng thành mưa.
Tài trai thế ấy mới cho hào hùng.
Thanh Vân đắc lộ - Dịch thơ: Tham Tuyền.

Xem vậy, đủ thấy quan niệm hành đạo ở Phùng Khắc Khoan là nhất quán, trên những trang thơ. Từ những bài thơ đầu tay lúc đầu xanh tuổi trẻ, đến những bài viết khi tóc bạc, mắt hoa, bao giờ cũng tỏ bày chí khí, bộc lộ can trường, an nguy, trị loạn, dựng lại kỷ cương, vãn hồi đạo nghĩa. Phùng Khắc Khoan đã giữ trọn tiết tháo, hùng tâm, tráng chí, bất chấp khó khăn, trắc trở trên đường đời. Ông tìm ở sự phục khởi của nhà Lê, sự ổn định của xã hội, ở tình hình sán lạn của đất nước. Trên 50 năm là thần tử triều đình, là tài trai đất Việt, Phùng Khắc Khoan xứng đáng với vinh phong “nội lũy công thần”, toại nguyện với tô chí bình sinh từng ôm ấp.

Chí nam nhi ở đây, không hoành tráng như tầm vóc một Phạm Ngũ Lão, không ngang tàng, ngông ngạo như một Nguyễn Công Trứ. Nó là sự thể hiện của trách nhiệm kinh bang tế thế, là sức mạnh của tinh thần nhập thế tích cực của kẻ trượng phu, để trí quân trạch dân, an nguy trị loạn; là cơ sở của niềm tin nhân tâm thế đạo sẽ vãn hồi.

3 - Danh nho - thi sĩ - văn chương lo nước - thương đời.
Phùng Khắc Khoan là một danh nho. Từ phương diện ấy, ông thuộc loại hình nhà nho làm văn, làm thơ, nho gia - thi sĩ. Ông chấp nhận quan niệm văn chương nhà nho, cho rằng: Thơ để nói chí (Thi ngôn chí). Trong tựa tập thơ(6) Ngôn chí, ông viết: “Ta đối với thơ, vốn thường có chí… nếu chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng”… Ông đặt tên cho tập thơ của mình là Ngôn chí thi tập, và nói: “Hết thảy những điều có được trong ngâm vịnh, tuy chưa đủ theo đuổi các nhà thơ hay một phần trong muôn phần, nhưng cái chí bình sinh cũng thấy rõ ở đấy”. Thơ Phùng Khắc Khoan chính là nói “Chí bình sinh” của ông. Chí ấy để vào đạo (chí ở đạo), chí ấy là nguyện ước, là lý tưởng, là tư tưởng nhà thơ. Đạo mà chí ấy hướng vào là đạo lý nho gia, đạo lý dân tộc, đạo lo nước thương đời.

Kế thừa truyền thống Nguyễn Trãi về quan niệm văn chương, Phùng Khắc Khoan cũng cho rằng văn chương phải gắn với sự nghiệp muốn “nên khanh tướng, trong bụng phải có thi thư” và “niềm vinh dự của nhà văn, chẳng kém gì tướng văn tướng võ”. Ông có ý thức dùng văn chương làm đẹp cho nước, làm hay cho đời, giống như văn chương hoa quốc của Nguyễn Trãi khi xưa:
Dụng thi hoa cuốc chân đa bổ
               (Mao trung thư)

(Bút được dùng làm vẻ vang cho nước, thật nhiều bổ ích). Nhà thơ muốn bao nhiêu phong cảnh đẹp cũng thu cả vào ngòi bút muốn đem thiên nhiên đất nước lúc nào cũng tươi tắn như xuân làm giàu thi tứ:
- Sơn toàn văn bút thiên hình dị,
Thủy dẫn từ nguyên vạn phát đồng.
 (Đề Hoằng đạo thư đường).
 (Núi cao nhọn như bút văn chương, ngàn hình khác lạ,
Sóng đưa lại những nguồn từ tảo, vạn dòng giống nhau).
Rồi trả lại cho đời cái phong phú, mỹ lệ, qua đáy mắt nhà thơ.
- Đón ai hoa mỉm nụ cười.
Cờ lau thẳng hướng mặt trời bày ra
Cỏ cây thuộc tiếng mừng ta
Gió mây gợi tứ, bút hoa nảy mầm
                                      (Đã dẫn)

Văn chương phải làm đẹp cho đời, từ khả năng xua sóng bể vào nghiên mực, kéo văn tinh đến ngòi bút, thu vẻ xuân của trời đất, nhặt thắng cảnh của non sông, dồn cả vào dưới cái thói ngâm vịnh(7) của thi nhân. 
Với tất cả điển chế, quy phạm của quan niệm văn chương nhà nho, Phùng Khắc Khoan vì “đưa thơ nhập cuộc”, nên đã có những nhận thức đúng về thơ ca, góp phần xây dựng quan niệm văn học dân tộc. 
Quan niệm như thế, nên thơ là nơi để Phùng Khắc Khoan gửi gắm tính tình, bộc bạch tâm chí, biểu lộ hoài bão. Thơ luôn gắn với thời cuộc, với nhân tâm thế đạo, với mệnh nước lòng dân. Thơ Phùng Khắc Khoan tình sâu, nghĩa nặng, ưu ái chân thành, trong phong thái một nhà đạo học đĩnh đạc, mực thước, khoan thai “nhàn nhã, không một chút gì tỏ ra trạng thái vội vàng bối rối”. (Lê Quý Đôn).

Sống vào cái thời “bốn phương rối loạn”, các phe phái quân phiệt dùng bạo lực “tranh cướp nhau tán loạn”, xô đẩy đất nước vào cảnh “chiến tranh phân liệt”, “khói lửa liên tiếp hàng vạn dặm”, ông thở than ngao ngán:
- Tranh hùng cử thế man thao thao…
Văn chiến bất sùng đồ vũ chiến…
 (Loạn thế tự thán) 
(Người đời tranh nhau hùng trưởng, đâu đâu cũng chan chan như vậy chẳng chuộng đấu tranh bằng văn hóa, chỉ đấu nhau bằng vũ lực). 
Và bùi ngùi, đau xót:
- Phong vũ hối minh kinh tuế cửu.
Sơn hà phá toái kỷ tinh di.
 (Thương Loạn) 
(Mưa gió tối tăm, kể năm đã lâu lắm
Non sông tan nát, dời chuyển mấy vòng sao).

Trước tình hình đó, ông nghĩ đến mình, và cũng nghĩ đến dân: “Mộc giáo chống chọi nhau, dân khổ về lưu lạc, ly tán”. Câu hỏi “Quét sạch mây mù ai đó tá, ung dung định lại bốn phương trời” đặt ra một cách bức xúc, song chiến tranh cứ tiếp diễn, dân đen vẫn điêu đứng lầm than. Nặng lòng ưu ái, ông hành động như một tướng lĩnh “bắt chước người xưa mặc áo thô ngắn đi tòng quân, ra vào nơi ngự dinh”, vận dụng “giáp binh ở trong ngực”, “biết rõ sĩ tốt ngọt bùi cay đắng cùng nhau” v.v… Thiên nam minh giám, một tập diễn ca lịch sử thế kỷ XVI cho rằng: Phùng Công là tướng từ chương, đúng chưa, còn bàn! Có điều trước nỗi đau khổ ly tán của dân, Phùng Khắc Khoan không những “Kỳ vọng đời nay mở ra cuộc trị bình” mà còn nhập thế, lo đời, mong dựng lại một thời bình trị: 
- Sơ kỳ tư thế trị bình khai…
                           (Hành niên)
 (Kỳ vọng đời nay mở ra cuộc trị bình)

Lo nước thương đời, Phùng Khắc Khoan giành những tình cảm ưu ái, nhân hậu hướng về dân chúng. Xưa kia, Nguyễn Trãi khuyên Lê Thái Tông “Thương yêu và chăn nuôi muôn dân, khiến trong chốn khôn cùng, xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu”. Nguyễn Bỉnh Khiêm mong Mạc Đăng Doanh “nếu có ngọn đuốc soi sáng” thì nên “soi thấu đến dân đen ở xóm quanh nhà tranh”, thì nay, Phùng Khắc Khoan cũng: “Nguyện ban bố đức dương xuân cho đời, khắp tới cả những nơi xóm làng hẻo lánh, nhà nghèo tối tăm”(8). Trong ngày đoan ngọ, ông chân thành dâng cho dân cho nước mọt phương thuốc Nguyễn Trãi”
- Nhược ngôn y quốc, y dân thủ.
Nhân nghĩa vi đan thướng thánh hoàng.
                           (Đoan ngọ dược). 
(Như nói đến phương sách cứu nước khỏi nguy vong, cứu dân khỏi đói khổ. Xin dâng nhà vua thứ thuốc kim đan luyện bằng nhân nghĩa). 
- Tá vấn ngô dân hà di lạc?
Lạc ư vương chính bố ưu ưu.
               (Thu xã) 
 (Thử hỏi dân ta vui nỗi gì?
Vui vì chính sự nhân nghĩa ban ra khoan hòa, đầy đặn)

Thật rõ! Phùng Khắc Khoan không chỉ là hiện thân của một tinh thần tự nhiên, mặc dầu như thế cũng đáng là quý trọng, mà chủ yếu lại là tình nghĩa vì dân. Trong số sĩ đại phu của thời đại, Phùng Khắc Khoan là một gương mặt đẹp “Đội mũ cánh chuồn ông ngồi trong tranh”, mà “vẻ mặt ông nôm na đồng áng”.(9) Ông quan tâm đến nông nghiệp, công nghệ, thủy lợi ở quê hương, lo âu khi hạn hán, “vui mừng khi gặp mưa phải thời đồ để xuống”. Lễ tế mùa thu cơm mới, ông cầu trời phù hộ cho dân “mùa màng tươi tốt, các loại lúa bội thu”, để “cấp túc cho người già cả ở thôn làng thêm tuổi thọ”. Ông quý cái công lớn của dân trong từng hạt gạo, rồi yêu cầu chính sự phải nhân đức để tài bồi gốc nước. 
- Thánh chúa thần kim cần vụ bản,
Nhân an canh tạc thái bình dân.
                                   (Xã nhật) 
(Vương thượng biết chuyên lo gốc nước,
An cư lạc nghiệp thái bình dân.) 
Không có một trạng Bùng “vẻ mặt còn tạc con in. Vào cổ tích ca dao, cây da bóng mát(10)”, thì sao có được, cho dân sự săn sóc ân cần, bảo ban cặn kẽ, hóm hỉnh, dí dỏm, bình dị, dân dã… đến thế, qua những vần thơ nôm na quê kiểng trong Lâm tuyền vãn. 
- Trồng dưa chớ để mùa qua
Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê.
Quanh vườn thả dậu sừng dê
Mướp trâu dưa chuột bốn bề deo dong.
- Già răm cho húng phải lui.
Măng ếch lá lốt hợp mùi xương xông.

Thơ văn Phùng Khắc Khoan cho ta thấy ông là một thi sĩ, một nho - thi sĩ và cũng là một dân - thi sĩ. Cái hay cái đẹp trong thơ ông chủ yếu là hệ quy chiếu của tinh thần nhân bản, nhập thế truyền thống. Từ đó, niềm ưu ái trong thơ ông, cũng như nhiều thi nhân đất Việt mãi mãi là tấm lòng son, khả kính ngàn đời...
Xem tiếp Phần cuối 
Giáo sư Bùi Duy Tân

(Bài viết được lấy từ cuốn sách “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)

 180913_ho_phung_20d_0166.jpg
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Danh nhân- thi sĩ- văn chương- nhân cách để đời- Phần cuối
  
4 - Trong bài thơ Ông Trạng nhà thơ Trần Lê Văn viết hay lắm:
Thơ chữ nho, xướng họa mấy trăm bài
Cuộn cuộn chảy trước lầu son gác tía
Trạng vẫn nhớ vun bồi thơ tiếng mẹ
Sách “Trồng cây” xanh mướt trường ca.

Nhà thơ không phủ nhận cái chất vàng son cao quý của thơ bác học chữ Hán, nhưng chủ yếu muốn khẳng định sự đóng góp của ông Nghè “vẻ mặt nôm na đồng áng” vào sự phát triển của văn chương Nôm qua Lâm tuyền vãn, được gọi là “Sách trồng cây”. 
Kể cũng đúng, trong sự nghiệp văn chương của Phùng Khắc Khoan, chưa mấy ai đi sâu, đặt đúng vị trí của ông trong sáng tác thơ văn Nôm.

4.1 – Trước hết là về mặt văn bản: - Sử sách, truyện ký còn ghi Phùng Khắc Khoan có viết 2 tác phẩm Nôm.

Thứ nhất là: Lâm tuyền vãn, viết khi bị đi đày ở Thành Nam chưa rõ vào lúc nào(11). Tác phẩm còn có nhiều tên gọi. Ngư phủ nhập đào nguyên – ngư phủ nhập đào nguyên truyện – Đào nguyên hành – Lâm tuyền vãn – Lâm tuyền văn từ - Lâm tuyền giai thú. Dùng tên gọi Lâm tuyền vãn là căn cứ vào tư liệu ở quê Trạng. Lâm tuyền vãn có thể chính là Đạo nguyên hành, hoặc Ngư thủ nhập đào nguyên, cũng có thể chỉ là một phần trong đó(12). Tác phẩm hiện còn 185 câu thơ lục bát, miêu tả, giới thiệu cách vun trồng và công dụng của các loại rau hoa, cây quả thông dụng ở vùng núi Con Cuông xứ Nghệ thời xưa. Tác phẩm cũng qua những vần thơ dân dã, giản dị, mộc mạc, gửi ký thác tâm sự của một trung thần từng trải trong giới quan trường, đang sống ưu du, nhàn tản cuộc đời một dật dĩ cao đạo ở chốn lâm tuyền(13). 
- Thứ hai là diễn nghĩa Kinh Dịch. Ta biết Phùng Khắc Khoan còn có sách này là do Vũ Di Trai (tức Vũ Khâm Lân) nhắc tới, khi đề tựa sách Chu dịch quốc âm giải nghỉa (còn gọi là Chu Dịch ca quyết), của Đặng Thái Phương (còn gọi là Đặng Thái Bàng) ở thế kỷ XVIII: “Nước ta trước kia, Phùng Tiên sinh đã có sách diễn nghĩa về Kinh Dịch nổi tiếng ở đời, nay sách của họ Phùng mất mà sách của họ Đặng ra tiếp, đó chẳng phải là dịp may cho người học Dịch ru”. Trong lời Tựa viết cho sách Chu Dịch ca quyết năm 1813, Phạm Quý Thích cũng nói: “Việc diễn nghĩa Kinh Dịch không phải bắt đầu tư ông họ Đặng, trước kia Phùng Nghi Trai đã từng làm rồi, nhưng đến nay thất truyền, vì không gặp được người ham thích”.

Ngoài hai tác phẩm này, một số tên tác phẩm khác: Phùng Thượng thư sấm ký, Lục nhân quốc ngữ v.v… hoặc thất truyền, hoặc còn lại thì cũng chưa đáng tin cậy về mặt văn bản.

4.2 - Sau nữa là về những đóng góp của Phùng Khắc Khoan cho văn học chữ Nôm. 
2.a - Phùng Khắc Khoan dùng chuyển thể lục bát sớm nhất – Lục bát, một thể thơ dân gian, được các tác giả văn học viết tiếp nhận rồi nâng cao mới từ đầu thế kỷ XVI. Những câu lục bát chữ hán trong Truyện con chuột thành tinh sách ThánhToong di thảo, và chữ Nôm trong Bồ Đề thắng cảnhh thi sách Lê triều ngự chế quốc âm thi, nói là xuất hiện cuối thế kỷ XV, đều chưa được biện minh về mặt văn bản. Nghi hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức mao đầu thế kỷ XVI có một số câu lục bát trong một bài ca dài viết theo nhiều thể thơ. Chỉ đến Lâm tuyền vãn thì lục bát mới trở thành chuyển thể toàn bộ tác phẩm. Lâm tuyền vãn có một số câu vần lưng gieo ở chữ thứ tư câu tám (Trâu, bò, gà, lợn, dê, ngan. Đầy lũ, đầu đàn rong thả khắp nơi…) là chứng tích về lối gieo vần cổ xưa của thể lục bát. Về sau lục bát thường có vần ở chữ thứ sáu câu tám Phùng Khắc Khoan đã có ý thức sử dụng thể thơ dân gian để viết tác phẩm cho phù hợp với yêu cầu thể hiện nội dung dân dã, bình dị. 
2.b - Phùng Khắc Khoan cũng là nhà thơ đầu tiên sử dụng ngôn ngữ thường ngày, ngôn ngữ địa phương vào sáng tác văn học. Trước Lâm tuyền vãn, Hồng Đức Quốc âm thi tập của nhiều tác giả có phong cách ngôn ngữ văn chương bác học, khẩu ngữ và ngôn ngữ bình dân cực ít. Đến Lâm tuyền vãn, lời ăn tiếng nói hàng ngày từ địa phương miền núi Nghệ An cực nhiều, để miêu tả rau cây hoa lá. Nhật dụng của dân địa phương: 
- Bí đao nhếch nhác phấn vôi
Bầu lo ngảnh cổ còn ngồi trông dưa.
Rễ dứa củ để dái ra
Mít đến dần dà bắt chước học theo… 
Phùng Khắc Khoan đã nối tiếp truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng tiếng mẹ đẻ lúc này vẫn đang bị coi thường, khắc họa một cách cụ thể và sinh động các phong vị đậm đà của quê hương đất nước. 
Lâm tuyền vãn là tác phẩm Nôm có ý nghĩa cột mốc.

2.c - Phùng Khắc Khoan còn mở đầu việc diễn ca kinh truyện qua tác phẩm diễn ca Kinh Dịch. Từ thế kỷ XVI diễn ca, diễn nghĩa kinh truyện trở thành nhu cầu. Chẳng hạn, diễn ca Kinh Dịch của Phùng Khắc Khoan, của Đặng Thái Phương, diễn ca Kinh Thi của Nguyễn Bá Lân, diễn ca Kinh Thánh đạo thiên chúa của quận chúa Ka-tê-rin, em gái Trịnh Tráng v.v… Khuynh hướng diễn ca bằn thể thơ dân gian, ngôn ngữ Việt do Phùng Khắc Khoan mở đầu này, chắc là để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức phổ biến, tuyên truyền giáo phẩm, đạo lý, theo hướng cộng đồng dân dã. Khuynh hướng này mặc nhận vị trí cao của ngôn ngữ dân tộc, thể tài dân gian trong sinh hoạt văn hóa thời đại. Rất tiếc là tác phẩm mà người xưa cho là nổi tiếng này của Phùng Khắc Khoan đã mất, không thể nói gì được nhiều hơn về cột mốc nhỏ này.

2.d - Cần ghi nhận thêm một điều. Phùng Khắc Khoan đồng thời là một nhân vật huyền thoại. Vì ông nhiều công tích với dân, uy vọng với đời, vì ông tài cao, đức cả, ích nước lợi nhà… đã đành, song không thể quên: những hiện tượng văn hóa từ thế kỷ XVI trở đi thường nhẹ bớt chất quan phương, chính thống, gia tăng chất dân dã, bình dị. Lý Trần chủ yếu là văn hóa dân gian cộng đồng, thế kỷ XV chủ yếu là văn hóa Hán - Việt, từ thế kỷ XVI. Ở phương diện văn hóa: hài hòa dần bác học và bình dân. Xung quanh cụ Phùng một vườn hoa trái xum xuê những giai thoại: giai thoại đi sứ, giai thoại về trí thông minh, tài ứng đối, giai thoại về công tích, sự nghiệp với dân, với nước, với đời, giai thoại về mối quan hệ với người nước trong, nước ngoài, với vua quan, bạn bè, đặc biệt với Liễu Hạnh – điển nhã – thần dị - mà tít tận Đàng Trong, người ta cũng biết đến các giai thoại, cũng đưa vào truyện chương hồi. Song, đây là đề tài của một báo cáo khác. Chỉ xin ghi nhận trong sự nghiệp văn hóa của Phùng Khắc Khoan đã có một đột nhập và chiếm lĩnh của một tâm thức Folklore. Và chính điều đó, làm tăng giá trị văn chương của những tác phẩm do ông viết, trước hết là những tác phẩm Nôm.

5 - Văn chương bang giao vệ quốc
Một bài viết riêng về thơ đi sứ và sự nghiệp bang giao kiệt xuất của Phùng Khắc Khoan sẽ nói rõ hơn. Ở đây, chỉ xin dừng lại, ở một số nhận xét về thơ văn đi sứ của Phùng Khắc Khoan. Trước hết xin trích dẫn một đoạn nhận xét của người nước ngoài Chi Phong đạo nhân Lý Toái Quang, sử giả Triều Tiên: “Nay sứ thần là ông Phùng, đầu tóc bạc phơ, thân hình gầy cứng, tuổi bảy chục mà nét mặt tơ măng, đường đi tiếng nói ba lần phiên dịch mà chân chẳng thành chai kén…, thơ ông làm chúc mừng vạn thọ thánh tiết có bao nhiêu bài khen ngợi, phô bày, lời lẽ, ý tứ hồn hậu, đủ để nhả ngọc phun châu và tiếng kêu như tiếng vàng tiếng ngọc, thế chả phải là dị nhân ư”. Thứ đến, là trích lời Tựa của Đỗ Uông, một đồng liêu, viết về thơ đi sứ: “Ông vốn là người kiên trinh chất phác, nổi tiếng hay tiếng tốt đã lâu, cho nên ông đi sứ nói những lời trung hậu ôn hòa, làm toàn vẹn được mệnh vua, làm mạnh mẽ được uy nước… Làm nhân hậu dân sinh, trường thọ quốc mạch(14)… Tiên hiền hóa lãnh thành. Ông thật được như câu nói ấy”. Và cuối cùng là nhận xét của Lê Quý Đôn, nhà bác học và một sứ thần nổi tiếng thời sau: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”. Không bình luận thêm, chỉ xin rút lại: 
5.1 - Phùng Khắc Khoan là sứ giả vào hạng cao tuổi nhất trong số hàng trăm sứ giả nước ta đi sứ Tàu thời phong kiến. Chuyện đó không những là nguyên nhân để ông được đánh giá cao về nhân cách, công tích, mà còn chứng tỏ vị trí của ông ở cùng triều Lê Trịnh, tài năng chuyển đổi và tấm lòng yêu nước thương nhà của ông khi đi sứ. 
5.2 - Phùng Khắc Khoan là sứ giả hầu như duy nhất khi đi sứ có chú ý đến phương diện kinh tế, kỹ thuật: Mang về được một số hạt giống các loài cây trồng, một số nghề dệt và làm công cụ v.v… 
5.3 - Phùng Khắc Khoan là sứ giả đầu tiên của Đại Việt, tiếp xúc với sứ giả Triều Tiên là Lý Toái Quang và Kim Tiêu dật sĩ. Quan hệ hữu hảo Việt – Triều coi như được khai phóng từ đây, từ 1597. Hoàng tử Lý Long Tường thế kỷ XIII đã vượt biển sang cư trú chính trị ở Triều Tiên bấy giờ tên nước là Cao – Ly; và đã có công tích chống Nguyên Mông xâm lược. Ông được nhà vua Cao Ly phong thưởng trọng hậu. Nhưng chừng đó, chưa có sự liên hệ nào với cố quốc. 
5.4- Chuyến đi sứ của Cụ Phùng được người đời sau cho là vào loại thành công nhất, vẻ vang nhất; trên tất cả những nhiệm vụ được trao, trách nhiệm phải làm, đoàn sứ thần mà cụ Phùng là Chánh sứ, đã hoàn tất, chu đáo, trọn vẹn, không ai chê trách vào đâu được. 
5.5- Về mặt văn chương 
Phùng Khắc Khoan là một trong dăm ba sứ giả vào loại có nhiều giai thoại, nếu không nói là nhất trong thời gian đi sứ. Trong đó có những giai thoại lẫn lộn với các tên tuổi Mạc Đĩnh Chi –Giang Văn Minh – Nguyễn Tuấn v.v… 
- Phùng Khắc Khoan có một khối lượng thơ đi sứ vào loại nhiều và hay. Đặc biệt có một cụm thơ 31 bài chúc thọ khánh tiết vua Minh, được vua quan nhà Minh hết lời khen ngợi, nhưng cũng được sĩ đại phu nước ta coi là giá trị văn chương chứ không phải chỉ là loại văn chương giao tế. Cụm thơ giao tiếp với sứ Triều Tiên cũng hiếm quý. Nhìn chung thơ đi sứ của Cụ Phùng vào loại hay, nổi tiếng. Người xưa xếp thơ đi sứ thời Lê Trung Hưng và loại thơ thượng thặng, trong đó 5 tác giả được coi là hàng đầu. Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Huy Oanh, Hồ Xá Đống, Lê Quý Đôn, Ngô Thị Nhậm khi viết Tựa cho Tịnh Sà kỷ hành của Phan Huy Ích có nhận xét: “Từ Lê trung hưng về sau, các nhà thơ danh tiếng thấy trong các tập thơ đi sứ, hoặc thăm chốn thanh u, viếng nơi cổ tích, gặp cảnh mà sinh tình. Hoặc xa cố quốc, nhớ quê nhà nhân việc mà tỏ ý, Mỡ rướt hương thừa, có thể nhuầm thấm cho đời sau”.

Trong số hàng vạn bài thơ đi sứ, hàng trăm tập thơ họa trình của khoảng 60 tác giả từ Trần đến Nguyễn, thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan là tập thơ nổi trội. Nó có nội dung phong phú, có tính chiến đấu cao, có tinh thần nhân ái hòa nghị, tình điệu tiêu tao, điển nhã. Nó còn gồm không ít bài là “thơ bang giao”. “Thơ thù tạc” nhằm mục đích giao tế, nhưng cũng có nhiều bài hay, đẹp, đầy khí phách.
 thaphuong_180913.jpg
6. Kết luận
Thơ văn Phùng Khắc Khoan là di sản tinh thần quý hiểm. Ở đó, chúng ta có cả một con người, một sự nghiệp, một nhân cách lớn về một tâm hồn cao đẹp. Phùng Khắc Khoan xuất hiện trên tiến trình văn học như một tác giả cao hạng, với những đóng góp khó có thể thay thế, vì chúng lớn và độc đáo.

Cùng với sự nghiệp văn chương, sự nghiệp chính trị, bang giao, kinh tế đã đặt Phùng Khắc Khoan vào vị trí một nhân tài danh cao, vọng trọng. Phùng Khắc Khoan là một trong những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất trong số những danh nhân đất nước. Từ khi ông qua đời tới nay, các thế hệ bàn về ông, các thư tịch viết về ông, cực nhiều, mà chưa mấy ai kêu cứu. Chỉ giới hạn trong thời phong kiến, đã thấy trên mấy chục đơn vị sách và người viết về ông. Từ hoàng đế Minh Thần Tông Vạn Lịch đến vua Nam Nguyễn Dực Tông Tự Đức, từ Đại đại học sĩ Thiếu Bảo Trương Vị nhà Minh đến lý chi Phong Toái Quang, sứ Triều Tiên, từ đồng liêu, đồng khoa Thái bảo lễ bộ quận công Nguyễn Văn Giai, Đại học sĩ, Thiếu Báo Thông quận công Đỗ Uông đến các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, các ký giả Phạm Đình Hổ, Vũ Phương Đề, từ các kỳ lão, nhân sĩ kẻ Bùng đến những Thần Siêu, Thánh Quạt… Tất cả đều dùng những mỹ từ rất ít gặp để đánh giã, bình luận mà thực chất là đề cao Trạng Bùng. Coi ông “Vốn có tài hào kiệt, đĩnh đạc vào bậc tướng văn tướng võ”, “là nhân vật đệ nhất trong nước” (Đỗ Uông), văn chương “lừng đất Bắc, chính sự vững trời nam” (Cao Bá Quát) v.v… 
Riêng trên lĩnh vực văn chương, các học giả thời nay đã đặt bút ghi bia sự nghiệp trước tác của ông ở hầu hết các tập văn học sử, hợp tuyển… Từ các bộ lịch sử đất nước đến những trang lịch sử văn chương, từ các loại từ điển văn học đến từ điển bách khoa, từ những tập nhân vật lịch sử, đến các bộ từ điển danh nhân đất nước, quê hương, từ những tổng tập lớn đến các tuyển tập nhỏ, từ những bài nghiên cứu bình luận của các học giả đến tư duy cảm xúc của nhiều thi sĩ các đời v.v… Ở đâu Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng hiện diện với ít nhiều tầm vóc, phẩm chất của một vĩ nhân đất nước.

 (11)  Các nhà nghiên cứu cho rằng ông bị đi đày vì trái ý vua chúa vì dòm nom quý địa v.v… hoặc vào trước năm 150 dăm ba năm, hoặc sau năm 1580 dăm bảy năm (1580 là năm đỗ tiến sĩ); hoặc sau khi trí sĩ (1602). Đặc biệt sách Trịnh Nguyễn diễn Chí của Nguyễn Khoa Chiêm đầu thế kỷ XVIII (xem Trịnh Nguyễn Diễn Chí  - Bản dịch – Bình Trị Thiên xuất bản 1986) viết là ông bị đày ra núi Phượng Nhãn (có phải Phượng Hoàng – Hải Hưng?) năm  1618(?), làm một thiên tự thuật để là Lâm tuyền giải thú ngâm ngợi cho khuây buồn. 
(12) Xem thêm: Văn học Việt Nam – Bùi Duy Tân – đã dẫn, và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan – Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn đã dẫn. 
(13) Trịnh Nguyễn Diễn Chí viết về Lâm tuyền vãn: “Để giãi bày tâm chí, Khắc Khoan từng làm một thiên tự thuật đề là Lâm tuyền giai thú ngâm ngợi cho khuây buồn. Mà cũng là để nhạo cười nhân tình thế thái, vui dưỡng bản tính tự nhiên, đợi ngày mây mù bị xua tan, trên trời xanh lại thấy vừng hồng sáng rõ”, tập I, trang 133. 
(14) Nguyên văn câu này: “Toàn quân mệnh, tráng quốc uy…, nhân dân sinh, thọ quốc mạnh”.

Giáo sư Bùi Duy Tân 
(Bài viết được lấy từ cuốn sách “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)
anh_trangbung_t10.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét