Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

CÁC VỊ TIÊN HIỀN TIÊN NHO ĐƯỢC TÒNG TỰ Ở VĂN MIẾU VĂN CHỈ CỦA VIỆT NAM

CÁC VỊ TIÊN HIỀN TIÊN NHO ĐƯỢC TÒNG TỰ Ở VĂN MIẾU VĂN CHỈ CỦA VIỆT NAM
Nguyễn Tá Nhí [Toàn văn] TÌM HIỂU THÊM VỀ CÁC VỊ TIÊN HIỀN TIÊN NHO ĐƯỢC TÒNG TỰ Ở VĂN MIẾU VĂN CHỈ CỦA VIỆT NAM
Cập nhật lúc 10h34, ngày 25/10/2007

 image001567.jpg

TÌM HIỂU THÊM VỀ CÁC VỊ TIÊN HIỀN TIÊN NHO ĐƯỢC TÒNG TỰ Ở VĂN MIẾU VĂN CHỈ CỦA VIỆT NAM
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Văn miếu, văn chỉ là nơi thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương và các vị Tiên triết Tiên hiền của đạo nho. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông dựng văn miếu ở kinh đô Thăng Long. Sách viết:
“Mùa thu tháng Tám dựng Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”.
Đến năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) đời Trần Thái Tông, triều đình cho xây dựng Viện Quốc học ở kinh thành, cũng cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh, vẽ tranh Thất thập nhị hiền để thờ.
         Quy chế cho 72 vị Tiên hiền được tòng tự ở Văn miếu, văn chỉ được nhân dân cả nước triệt để tuân thủ. Hiện nay chúng ta có thể tìm thấy nhiều chứng cứ qua các tư liệu Hán Nôm hiện còn, đặc biệt trong các bản văn tế Khổng Tử vào kỳ tế Đinh mùa Xuân và mùa Thu hàng năm. Các vị Tiên hiền, Tiên nho được tòng tự ở văn miếu, văn chỉ của Việt Nam không chỉ có 72 vị Tiên hiền người Hán mà còn có cả người Việt, có cả các Tiên hiền, Tiên nho người địa phương. Về số người cụ thể, về nghi thức thờ cúng ở từng địa phương cũng có những khác biệt, do vậy trong bản Tham luận khoa học lần này chúng tôi xin đi sâu vào tìm hiểu nghiên cứu thành phần các vị Tiên hiền, Tiên nho.
1. Các vị Tiên hiền, Tiên nho người Hán
Khi ghi chép về các Tiên hiền được tòng tự ở văn miếu, văn chỉ của Việt Nam, các tư liệu Hán Nôm hiện còn chủ yếu là ghi theo quy chế ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư nêu trên, rất ít tài liệu ghi được con số cụ thể, ghi được tên họ tước hiệu của các Tiên hiền, Tiên nho.
1.1. Văn tế Tiên thánh chỉ ghi con số chung chung
Hiện nay trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm vòn lưu giữ được hàng trăm bản văn tế Tiên thánh. Hầu hết các bản văn tế này đều ghi một con số chung chung là, Thất thập nhị hiền. Ví dụ:
Văn tế Khổng tử ở văn chỉ xã Lạt Sơn huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam (ký hiệu AF a10/8) ghi:
Cung duy:
Thánh sư
Kính dĩ:
Tứ phối
Thập triết
Cập:
Thất thập nhị hiền
Dữ:
Bản xã Tiên hiền Hậu hiền chư nho hữu danh ư giáo giả, tịnh đồng phụ thực.
Nghĩa là:
Cung thỉnh Thánh sư
Kính mời Tứ phối, Thập triết và Thất thập nhị hiền, cùng với các vị Tiên hiền, Hậu hiền, Chư nho có công hướng dẫn dạy bảo, đều đến phối hưởng.
Hoặc như văn tế ở xã Từ Hồ huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên (ký hiệu AF a3/25) ghi:
Cung duy:
Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Tiên Sư Khổng Tử
Tứ phối
Tả hữu thập triết

Kính kỵ

Lưỡng vu Thất thập nhị hiền liệt vị tòng tự

Phổ cập

Bản xã Tiên hiền, Tiên nho Tiên đại liệt vị phụ phối
Nghĩa là:
Cung thỉnh: Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Tiên Sư Khổng Tử, Tứ phối, Tả hữu thập triết.
Kính mời: Liệt vị Thất thập nhị hiền ở Đông Vu, Tây Vu được tòng tự.
Cùng với tất cả các vị Tiên hiền, Tiên nho, Tiên đạt của bản xã, về đây phối hưởng.
Đa số các bản văn tế đều thấy ghi rõ là Thất thập nhị hiền tòng tự, song cũng có một số bản văn tế chỉ ghi vắn tắt là chư vị Tiên hiền được phối thờ ở hai dãy Đông tự Tây tự, ví dụ:
Văn tế ở xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên (AFa3/25) ghi:
Cung duy:
Chí Thánh Tiên sư
Tứ phối

Kỵ

Tiên triết liệt vị
Đông tự Tây tự Tiên hiền liệt vị
Lịch đại Tiên hiền Tiên nho liệt vị
đồng hâm cách.
Nghĩa là:
Cung thỉnh: Chí Thánh Tiên sư, Tứ phối

Cùng với: Tiên triết liệt vị

Liệt vị Tiên hiền ở Đông tự, Tây tự
Liệt vị Tiên hiền Tiên nho các đời
đều về đây hâm hưởng.
Có khi còn ghi vắn tắt chư vị Tiên hiền Tiên nho một cách chung chung, mà không cần chỉ rõ là ở Đông vu Đông tự nữa, ví dụ:
Văn tế của xã Việt Yên huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định (AF a11/42) ghi:
Cung duy:
Chí Thánh
Tứ phối

Kỵ

Thập nhị triết, Tiên hiền Tiên nho
tịnh đồng thượng hưởng.
Nghĩa là:
Cung thỉnh: Chí Thánh, Tứ phối
cùng với Thập nhị triết, Tiên hiền Tiên nho
đều về hâm hưởng.
Lại có bản văn tế không ghi đủ con số 72 vị Tiên hiền, mà phân các vị đó theo năng lực sở trưởng khi theo học Khổng Phu Tử gồm các mặt đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học. Ví dụ:
Văn tế của xã Mai Trung huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương (AF a14/6) ghi:
Cung duy:
Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Khổng Tử
Kính dĩ:
Tứ phối
Đức hạnh chư đại hiền
Ngôn ngữ chư đại hiền
Chính sự chư đại hiền
Văn học chư đại hiền
Đồng phụ thực
Nghĩa là:
Cung thỉnh: Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Khổng Tử
Kính mời: Tứ phối
Chư đại hiền có đức hạnh
Chư đại hiền có tài ngôn ngữ
Chư đại hiền có tài chính sự
Chư đại hiền có tài văn học
Cùng về phối hưởng
2.2. Các sách có ghi họ tên các vị Tiên hiền Tiên nho
Danh tính của các vị Tiên hiền Tiên nho được tòng tự ở văn miếu văn chỉ rất nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ, thế nhưng các tư liệu Hán Nôm hiện còn thì ghi được rất ít. Hiện nay chúng tôi chỉ biết đến có ba bộ sách là Đại Nam thực lục, Tam giáo nhất nguyên, Tại gia tu trì Tam giáo nhất nguyên.
2.2.1.Đại Nam thực lục
Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bắt đầu từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), chép các sự kiện xảy ra ở triều Nguyễn. Về sự kiện xây văn miếu thờ Khổng Tử, sách ghi: Năm 1808 sau khi xây xong văn miếu ở kinh đô Huế, vua Gia Long ban chiếu chỉ cho đặt ở gian chính giữa văn miếu bài vị Chí Thánh Tiên Sư Khổng Phu Tử và Tứ phối Phục Thánh Nhan Tử, Thuật Thánh Tử Tư, Tông Thánh Tăng Tử, Á Thánh Mạnh Tử để thờ phụng. Cũng ở gian giữa dãy bên đông thờ 5 vị Tiên triết, dãy bên tây thờ 5 vị Tiên triết.
Ngoài ra còn các vị Tiên hiền Tiên nho cho tòng tự ở hai bên Đông vu và Tây vu.
Dãy bên Đông vu thờ 31 vị Tiên hiền và 17 vị Tiên nho.
Các vị Tiên hiền gồm: Đạm Đài Diệt Minh, Nguyên Hiến, Nam Cung Quát, Thương Cồ, Tất Điêu Khai, Tư Mã Canh, Hữu Nhược, Vu Mã Thị, Nhan Tân, Tào Tuất, Công Tôn Long, Tần Thương, Nhan Cao, Nhưỡng Tử Xích, Thạch Tác Thục, Công Hạ Thủ, Hậu Xử, Hề Dung Điểm, Nhan Tổ, Cú Tinh Cương, Tần Tổ, Huyện Thành, Công Tổ Cú Tư, Yến Cấp, Nhạc Khái, Địch Hắc, Khổng Trung, Công Tây Điểm, Nhan Chi Bộc, Thí Chi Thường, Tân Phi.
Các vị Tiên nho gồm: Tả Khâu Minh, Cốc Lương Xích, Cao Đường Sinh, Mao Trành, Đỗ Tử Xuân, Vương Thông, Âu Dương Tu, Chu Đôn Di, Trình Di, Trương Tải, Dương Trung Lập, Chu Hi, Lục Tử Uyên, Sái Thầm, Hứa Hành, Trần Hiến Chương, Vương Thủ Nhân.
Dãy bên Tây vu thờ 31 vị Tiên hiền và 16 vị Tiên nho.
Các vị Tiên hiền gồm: Bật Bất Tề, Công Dã Tràng, Công Tích Ai, Cao Sài, Phàn Tư, Công Tây Xích, Lương Chiên, Nhiễm Nhu, Bá Kiền, Nhiễm Lý, Tất Điêu Đồ Phụ, Tất Điêu Xá, Thương Trạch, Nhậm Bất Tề, Công Lương Nhu, Công Khiên Định, Khiêu Đan, Hãn Phụ Hắc, Vinh Cân, Tả Nhân Sính, Trịnh Quốc, Nguyên Cang, Liêm Khiết, Thúc Trong Hối, Công Tây Dư Nhu, Khuê Tốn, Trần Cang, Cầm Trương, Bộ Thúc Thừa, Thân Trành, Nhan Hối.
Các vị Tiên nho gồm: Phục Thắng, Khổng An Quốc, Đổng Trọng Thư, Hậu Thương, Hàn Dũ, Hồ Viện, Trình Hạo, Thiệu Ung, Tư Mã Quang, Hồ An Quốc, Lã Tổ Khiêm, Trương Thức, Chân Đức Tú, Tiết Tuyên, Hồ Cư Nhân.
Nhận xét:
- Tổng số các Tiên hiền ở Đông vu và Tây vu là 62 vị, chưa đủ con số Thất thập nhị hiền.
Các vị Tiên nho gồm 33 vị đều là người Hán, không có vị Tiên nho người Việt nào được tòng tự ở Văn miếu Huế.
2.2.2. Tam giáo nhất nguyên
Sách Tam giáo nhất nguyên có khi còn gọi là Tam giáo quản khuy, Tam giáo đồng nguyên, Tam giáo nguyên lưu do Hoà thượng Phúc Điền biên soạn, khắc in năm 1846. Sách Tại gia tu trì Tam giáo nguyên lưu cũng do Hoà thượng Phúc Điền biên soạn, khắc in năm 1852. Cả hai bộ sách này đều ghi chép số vị Tiên hiền Tiên nho giống nhau.
Tiên hiền có 71 vị:
         Đạm Đài Diệt Minh, Nguyên Hiếu, Nam Cung Quát, Thương Cồ, Tất Điêu Khai, Tư Mã Canh, Vu Mã Thị, Nhan Tân, Tào Tuất, Công Tôn Long, Tần Thương, Nhan Cao, Nhưỡng Tử Xích, Thạch Tác Thục, Công Hạ Thủ, Hậu Xứ, Hề Dung Điểm, Nhan Tổ, Cú Tinh Cương, Tần Tổ, Huyện Thành, Công Cú Tư, Yến Cấp, Nhạc Khái, Địch Hoắc, Công Tây Điểm, Nhan Chi Hộc, Thi Chi Thường, Tần Phi (cả 29 vị trên đều thấy có ở dãy Đông vu trong văn miếu Huế), Tử Miệt, Tả Khâu Minh, Nhạc Chính Khắc, Vạn Chương, Trình Hạo, Trương Tải, Bật Bất Tề, Công Dã Tràng, Công Tích Ai, Cao Sài, Phàn Tư, Công Tây Xích, Lương Chiên, Nhiễm Nhu, Bá Kiền, Nhiễm Lý, Tất Điêu Đồ Phụ, Tất Điêu Xá, Thương Trạch, Nhậm Bất Tề, Công Lương Nhu, Công Khiên Định, Khiêu Đan, Hãn Phụ Hắc, Vinh Cân, Tả Nhân Sính, Trịnh Quốc, Nguyên Cang, Liêm Khiết, Thúc Trong Hối, Công Tây Dư Nhu, Khuê Tốn, Trần Cang, Cầm Trương, Bộ Thúc Thừa, Thân Trành, Nhan Hối (cả 31 vị từ Bật Bất Tề trở xuống đều thấy có ở dãy Tây vu trong Văn miếu Huế).
         Tiên nho có 48 vị:
         Cốc Lương Xích, Phục Thắng, Đổng Trọng Thư, Hậu Thương, Đỗ Tử Xuân, Vương Thông, Hồ Viện, Phạm Trọng Yêm, Tư Mã Quang, Doãn Đôn, Hồ An Quốc, Lã Tổ Khiêm, Sái Cang Định, Sái Thầm, Trần An Khánh, Nguỵ Liễu Ông, Vương Bác, Hứa Khiêm, Trần Hạo, Triệu Phục, Chu An, Tiết Tuyên, Vương Thủ Nhân, Lục Lũng Kỳ, Trịnh Huyền, Phạm Ninh, Sĩ Nhiếp, Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Dương Thời, La Tông Ngạn, Lý Đồng, Trương Thức, Lục Tử Uyên, Hoàng Cán, Châu Đức Quý, Hà Cơ, Kim Lý Tường, Hứa Hành, Ngô Trừng, La Khâm Thuận, Trần Hiến Chương, Hồ Cư Nhân, Công Dương Cao, Cao Đường Sinh, Tử Quốc, Mao Trành, Sái Thanh.
Nhận xét:
         - Danh sách Tiên hiền vẫn chỉ là 71 vị, không đủ con số Thất thập nhị hiền.
         - Có một số vị không phải là học trò của Khổng Tử như Vạn Chương là môn đệ của Mạnh Tử, Trình Hạo, Trương Tải là các nhà nho đời Tống.
         - Tiên nho gồm 48 vị, trong đó có Chu An (xếp thứ 21) và Sĩ Nhiếp (xếp thứ 27). Cả hai vị Tiên nho này đều không được tòng tự trong các văn miếu của Trung Quốc. Chẳng hạn như sách Khúc Phụ huyện chí do Nhà xuất bản Thịnh Văn xuất bản xã xuất bản năm Dân Quốc tứ 26 (1966) ở Tế Nam ghi tên các vị Tiên hiền Tiên nho tòng tự ở Văn miếu Khúc Phụ gồm 175 vị, không thấy ghi tên Chu An và Sĩ Nhiếp.
         2. Các vị Tiên hiền Tiên nho người Việt
         Các vị Tiên hiền Tiên nho người Việt được tòng tự ở văn miếu, văn chỉ của Việt Nam chủ yếu là người của địa phương đó, như văn miếu ở tỉnh thờ các nhà nho ở tỉnh, văn chỉ ở xã thờ các nhà nho ở xã. Đa phần các văn tế chỉ ghi chung chung như:
Bản ấp Tiên nho liệt vị (xã Cự Sưu huyện Văn Lâm)
Bản ấp Tiên hiền, Hậu hiền chư nho hữu công danh giáo giả (xã Lạt Sơn huyện Kim Bảng)
Bản thôn Tiên hiền, Thứ hiền hữu công ư Tư đạo giả (xã Đình Loan huyện Văn Lâm).
         Có một số xã ghi rõ tên hiệu học vị của Tiên hiền người địa phương, như Văn tế ở xã Do Nhân huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc (AE, a7/8) ghi rõ:
Bản ấp chư tiên sinh:
Tiến sĩ Lê công tên tự là Phúc Kỷ
Hương cống Đoàn công tên tự là Phúc Khanh
Sinh đồ Đoàn công, tên tự là Phúc Hiến
         Ngoài các Tiên hiền Tiên nho người địa phương ra, các vị thần linh trông coi văn chỉ, hoặc Thổ địa thần kỳ, Đương cảnh thành hoàng cũng được mời về phối hưởng.
Ví dụ:
Bản xã Tiên hiền, văn chỉ Thổ thần đồng chiếu giám
(xã Trúc Động huyện Thạch Thất)
Thổ địa Thần kỳ đồng lai phối hưởng
(xã Do Nhân huyện Yên Lãng)
Đương cảnh Thành hoàng đại vương đồng tòng tự
(xã Trân Kỳ huyện Cẩm Giang).
         Đặc biệt có hai vị Tiên nho là Chu An và Sĩ Nhiếp có tên trong sách Tam giáo nguyên lưu được rất nhiều làng xã cho tòng tự ở văn chỉ của địa phương mình.
         Như trên đã giới thiệu, sách Đại Nam thực lục không thấy xếp hai vị Chu An và Sĩ Nhiếp vào hàng tòng tự ở văn miếu Huế, bởi lẽ triều đình nhà Nguyễn không chấp thuận ý kiến đề nghị của các quan ở Bắc Thành. Sách viết: “Các quan ở Bắc Thành tâu rằng, văn miếu ở thành từ triều Lê trở về trước cho Sĩ Vương và Chu An tòng tự. Xét, trongSử ký thì Sĩ Vương đem thi thư đến hoá tục nước ta, đem lễ nhạc đến cảm hoá lòng người, văn hiến của nước ta bắt đầu từ đấy. Chu An thì thanh bạch giữ tiết, lý học tinh thông, là vị đại nho ở đời, cho nên các đời đều nêu gương sáng mà đặt vào hàng tòng tự ở văn miếu. Nay xin tuỳ bệ hạ quyết định”.
         Nhà vua liền giao việc đó cho các quan bàn luận, mọi người đều cho rằng Sĩ Vương và Chu An chưa thể liệt vào hàng tòng tự được. Nhà vua nghe theo.
         Sách Tam giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền biên soạn sau khi có lệnh này, song trong sách vẫn ghi tên Sĩ Vương và Chu An vào hàng Tiên nho. Điều này có thể lý giải bởi hai nguyên nhân chính.
         Một là, Hoà thượng Phúc Điền là người xuất thân từ dòng dõi nhà nho. Ông vốn người họ Vũ sinh năm 1784 tại làng Trung Thịnh huyện Sơn Minh trấn Sơn NamThượng (nay thuộc xã Trường Thịnh huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Thuở nhỏ theo đạo nho, lớn lên mới xuất gia đầu Phật, do vậy ông đã tiếp thu tư tưởng Nho gia từ rất sớm, và việc xếp Sĩ Vương và Chu An vào hàng Tiên nho là theo quan điểm truyền thống, như ý kiến của các quan ở Bắc Thành tâu lên với triều đình nhà Nguyễn.
         Hai là, uy tín của hai vị Tiên nho Sĩ Nhiếp và Chu An là rất lớn đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của Hoà thượng Phúc Điền. Để làm rõ thêm điều này, chúng ta cần thiết tìm hiểu thêm thân thế sự nghiệp của hai vị đại nho này.
         Chu An tên tự là Linh Triệt, hiệu là Văn Trinh, người làng Quang Liệt huyện Thanh Đàm, nay thuộc xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội. Ông thi đỗ Thái học sinh đời Trần, làm quan đến Tư nghiệp quốc tử giám, sau ông cáo quan về mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung cũng ở huyện Thanh Đàm. Ông từng biên soạn bộ Tứ thư thuyết ước nhằm giúp cho việc dạy học và truyền bá đạo nho. Sau ông lại lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng làng Kiệt Đặc huyện Chí Linh. Năm 1370 ông mất, được triều đình ban tước Văn Trinh công, thuỵ là Khang Tiết, lại cho thờ tòng tự ở văn miếu Thăng Long. Người đời sau xem ông là nhà giáo mẫu mực cho muôn đời. Thời Nguyễn tuy không được tòng tự ở văn miếu, song ở các làng xã nhiều làng khi viết văn tế vẫn ghi tên ông. Đặc biệt có bốn làng làm đền thờ cúng ông, đó là làng Thanh Liệt, làng Hành Cung của huyện Thanh Trì, làng Đức Viên huyện Thọ Xương, nay thuộc phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội và làng Kiệt Đặc của huyện Chí Linh. Hiện nay Chu An đã được đúc tượng thờ ở khu Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
         Sĩ Nhiếp, theo các tư liệu lịch sử thờ tổ tiên ông là người phương Bắc, đã di cư sang ở Việt Nam, đến đời ông đã thuộc thế hệ thứ sáu. Ông là người có tài đức, được sử sách ca ngợi rất nhiều.
         Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lời nhận xét của Sử thần Ngô Sĩ Liên về Sĩ Vương có đoạn viết: "Nước ta chuộng thi thư biết lễ nhạc và trở thành một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương. Công đức ấy không chỉ đối với đương thời mà còn truyền mãi về sau, thế chẳng lớn sao!".
         Quả đúng như vậy. Sĩ Vương đã được nhiều thế hệ người dân đất Việt ghi nhận công đầu trong việc mở mang đạo học ở cõi trời Nam, nên đã tôn xưng là Nam Giao học tổ. Hơn thế nữa ông còn được nhân dân ở nhiều làng xã lập đền thờ phụng hương khói quanh năm. Theo số liệu khai báo năm 1938 về tập tục thờ cúng của các làng xã ở vùng Bắc Bộ và Trung Bộ, đã có 22 làng thờ phụng Sĩ Vương, phân bố trong 10 tỉnh thành, bao gồm:
         Tỉnh Bắc Ninh có 4 làng là Lũng Khê, Thanh Tương, Tam Á (huyện Thuận Thành) và Đại Trung (huyện Tiên Du).
         Tỉnh Hà Nam có 1 làng là Cát Tương (Bình Lục).
         Thành phố Hà Nội có 1 làng là Dục Tú (Đông Anh).
         Tỉnh Hà Tây có 4 làng là Hương Vĩnh (Phúc Thọ), Hoàng Hạ, Hà Vĩ, Hoàng Lưu (Phú Xuyên).
         Tỉnh Hải Dương có 6 làng là Bình Xá (Cẩm Giang), Nhân Lễ (Nam Sách), An Liệt, Thừa Liệt (Thanh Hà), Kiêm thôn, Mỹ Đức (Tứ Kỳ).
         Tỉnh Hưng Yên có 1 làng là Mễ Đậu (Văn Lâm).
         Tỉnh Nam Định có 1 làng là Dưỡng Mông (Ý Yên).
         Tỉnh Nghệ An có 1 làng là Hoàng Cầu (Hưng Nguyên).
         Tỉnh Phú Thọ có 2 làng là Sơn Bình (Lập Thạch) và An Bài (Yên Lãng).
         Trong các ngôi đền này đều có Sắc phong, Thần phả, Văn tế ghi chép sự tích của Sĩ Vương và các nghi thức thờ cúng của dân làng. Đặc biệt ở hai ngôi đền thời Sĩ Vương ở làng Lũng Khê (tên cũ là Lũng Chiền) và làng Tam Á cùng ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ được hàng chục tấm bia đá ghi chép quá trình xây dựng tu bổ đền và tục lệ cúng tế ở địa phương. Đây là những văn bản Hán Nôm có niên đại xác định chính xác, có thể cung cấp những tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Sĩ Vương và thành cổ Luy Lâu.
         Uy tín và đức độ của hai vị Tiên nho Sĩ Nhiếp và Chu An còn thể hiện qua việc ghi tên ông vào văn tế Tiên hiền của làng xã.
         Có văn tế chỉ ghi tên hiệu một mình Sĩ Vương, với các tôn hiệu cao quý, ví dụ:
Nam Giao Học tổ (xã Thục Cầu huyện Văn Lâm)
Giao Châu Đô hộ Sĩ Vương (xã Trân Kỳ huyện Cẩm Giàng)
Bản quốc Sĩ Vương Học tổ (xã Nguyên Khê huyện Đông Anh).
         Lại có loại văn tế chỉ ghi tên hiệu một mình Tiên nho Chu An, ví dụ như văn tế xã Bút Phong huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, văn tế xã Phong Cốc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định và văn tế ở xã Phú Cát huyện Mỹ Lương tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Quốc Oai, Hà Tây) đều thấy ghi là:
Đệ Sư hầu Chu Văn Trinh lão bất cử Chu An
Nghĩa là:
Đệ Sư hầu Chu An Văn Trinh ở ẩn suốt đời không về.
Lại có bản văn tế ghi tên cả hai vị tiên Nho Sĩ Nhiếp và Chu An, ví dụ:
Nam Giao học tổ Sĩ Vương tiên
Trần triều Chu Văn Trinh công.
(xã Cự Sưu huyện Văn Lâm)
Nam Giao học tổ Sĩ Vương tiên
Trần triều Thái học sinh Chu Văn An
(xã Đình Loạn huyện Văn Lâm)
Lời kết
1. Hai vị tiên Nho Sĩ Nhiếp và Chu An là những người có công đối với văn hóa Việt Nam, thật xứng đáng với lời bình phẩm của quan lại ở Bắc Thành: “Sĩ Vương đem thi thư đến hóa tục nước ta, đem lễ nhạc để cảm hóa lòng người, văn hiến của nước ta bắt đầu từ đấy. Chu An thì thanh bạch giữ tiết, lý học tinh thông, là vị đại nho ở đời, cho nên các đời đều nêu gương sáng mà đặt vào hàng tòng tự ở Văn miếu”.
2. Hiện nay ở một số tỉnh đã khôi phục xây dựng lại Văn miếu như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai; một số tỉnh đang có dự tính xây dựng Văn miếu mới như Vĩnh Phúc, Hà Tây. Ở một số làng xã cũng đã khôi phục xây dựng lại Văn chỉ, Văn từ. Do vậy cần thiết có những quy chế phù hợp để hướng dẫn việc thờ tự ở Văn miếu, Văn chỉ, đặc biệt là việc xem xét tuyển chọn các vị tiên hiền, tiên nho như Chu An, Sĩ Nhiếp vào tòng tự.
3. Cần tuyển chọn, biên dịch, giới thiệu các bản văn tế tiên hiền thời xưa để các nơi thờ tự tiên hiền ở địa phương hiểu được nghi thức tế tự thời xưa, đồng thời có thể soạn ra các bản văn tế mới phù hợp với truyền thống và hiện đại./.
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb KHXH, 1993
2. Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb KHXH, 1993
3. Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, 2004
4. Hương ước cổ Hà Tây, Sở Văn hóa thông tin Hà Tây, 1993
5. Yên Mĩ huyện Nhị Mễ xã tục lệ, AF.a3/25
6. Văn Lâm huyện Thục Cần xã tục lệ, AF.a3/67
7. Kim Bảng huyện Lạt Sơn xã tục lệ , AF.a10/8
8. Vụ Bản huyện Việt Yên xã tục lệ, AF.a11/42
9. Đông Anh huyện Nguyên Khê xã tục lệ, AF.a7/5.
DISCUSSION ON SETTING OF THE CULT OF TIÊN HIỀN AND TIÊN NHO AT THETEMPLE OF LITERATURE IN VIỆT NAM

Nguyễn Tá Nhí, PhD
The Institute of Han-Nôm Studies
Like other countries in the East Asian region where Confucianism is practiced, ViệtNam has established a Temple of Literature (Văn Miếu) to worship Confucius and Tiên hiền (brilliant Confucian sages). According to the book Đại Việt sử ký toàn thư (A Complete History of Đại Việt), there has been a temple in honor of Confucius was built in the imperial city of Thăng Long under the Lý Dynasty. More temples of this kind appeared later throughout the country, during the Trần, Lê, Mạc, and Nguyễn dynasties. Đại Nam thực lục records that the Nguyen Dynasty built a temple of literature in the city of Hue in 1807, to worship Confucius, along with sixty-two Tiên hiền and thirty-three Tiên nho (brilliant Confucian scholars). After that, the officers in Bắc Thành filed a report requesting that Sĩ Nhiếp and Chu Văn An (Rector of the National University in the 13thcentury) join in accordance with the Lê Dynasty’s regulations. The Imperial Court at Huedid not accept this proposal, but the regulations of the Lê regime were retained in some places around the country. The book Đạo giáo nguyên lưu by the Buddhist monk Phúc Điền indicates that Văn miếu venerated seventy-one Tiên hiền and forty-eight Tiên nho, including Sĩ Nhiếp and Chu Văn An. Especially in the springtime and wintertime ceremonies in honor of Confucius, the inclusion of Sĩ Nhiếp and Chu Văn An was emphasized.
Some localities in Việt Nam are carrying out the repair of the temples for Confucius. Therefore, appropriate attention needs to be paid to the cult of the Tiên hiền and Tiên nho.

Khổng Tử Đến Hỏi Lão Tử Về Lễ
Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đã chép rằng Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về Lễ
khong_tu_w23d.jpg
Ông tổ ba đời của Khổng Tử vốn gốc người nước Tống (Hà Nam), dời sang nước Lỗ (Sơn Đông). Thân phụ của Khổng Tử tên là Thúc Lương Ngột, làm quan võ, lấy bà vợ trước sinh được 9 người con gái. Bà vợ lẽ sinh được một người con trai có tật ở chân, đặt tên là Mạnh Bì. Khi đã về già, ông Thúc Lương Ngột mới lấy bà Nhan Thị và sinh ra Khổng Tử, vào mùa đông, tháng 10 năm Canh Tuất, năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Chu, tức năm 551 trước Tây Lịch. Chuyện kể rằng bà Nhan Thị có lên núi Ni Khâu để cầu tự, vì thế khi sinh ra, Khổng Tử được đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni (K’ung Chung-ni). Có sách lại chép rằng Khổng Tử có tên là Khâu vì trán cao và gồ lên như cái gò, vì khâu theo ý nghĩa chữ Trung Hoa là cái gò.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng trước khi Khổng Tử chào đời, bà Nhan Thị đã thấy một con kỳ lân nhả ra tờ ngọc thư trên đó có viết “Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương = con của Vua Thủy tinh, nối tiếp nhà Chu đã suy để làm Vua không ngai”. Bà Nhan Thị bèn lấy dây lụa, buộc sừng con kỳ lân. Vài ngày sau, con kỳ lân biến mất.
Khi Khổng Tử lên 3 tuổi, thân phụ mất. Sách Sử không nói rõ về tuổi trẻ của Khổng Tử mà chỉ ghi rằng phu tử hay cùng các bạn nhỏ tuổi bày đồ cúng tế, một điều tỏ rõ bản tính quý trọng các điều lễ nghĩa. Năm 19 tuổi, Khổng Tử lập gia đình và sau đó nhậm chức Ủy Lại với công việc là cai quản việc đong thóc ở kho, sau lại làm “Tu chức lại” coi việc nuôi bò, dê, để dùng vào việc cúng tế. Vào lúc này, Khổng Phu Tử đã nổi tiếng là một người tài giỏi vì vậy một vị quan nước Lỗ tên là Trọng Tôn Cồ đã cho hai người con theo học là Hà Kỵ và Nam Cung Quát.
Khổng Tử nghiên cứu về Nho Thuật nên rất chú ý đến các lễ nghi và phép tắc của các bậc đế vương đời trước và muốn tìm hiểu các bản văn, tài liệu, hình tượng liên hệ, thời đó đang được lưu trữ tại Lạc Dương (Loyang) là kinh đô của nhà Chu. Năm 28 hay 29 tuổi, Khổng Tử muốn đi Lạc Dương nhưng vì đường xa, lộ phí quá cao nên đã không thể đi được. Lúc bấy giờ người học trò cũ là Nam Cung Quát liền tâu với Lỗ Hầu và nhà vua đã cho Khổng Tử một cỗ xe hai con ngựa và vài người hầu hạ để ra đi.
Thời đó, người phụ trách tòa nhà lưu trữ các văn thư cổ ghi chép các biến cố từ thế kỷ thứ 23 trước Tây Lịch trở về sau là Lão Tử (Lao-tze). Các văn kiện của thời đại đó được khắc bằng chữ cổ lên trên ngói, tre hay mu rùa. Lão Tử đã giúp Khổng Tử xử dụng các văn khố, sao chép tài liệu để về sau này dùng làm căn bản cho việc san định sách. Khổng Tử cũng học về “Lễ" với Lão Tử và về “Nhạc" với Trành Hoằng.

Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đã chép rằng Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về Lễ:
Tương truyền, Khổng Tử qua Chu thăm Lão Tử. Lão Tử cưỡi trâu ra tận đầu làng đón Khổng Tử. Hai người đàm đạo với nhau trong ba ngày về Đạo. Đến khi chia tay, Lão Tử bảo với Khổng Tử rằng:
"Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng vàng bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, tạm coi mình là người nhân mà tiễn ông bằng lời này:
Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì. Người đức cao thì tướng mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi

Đức Khổng đáp: «Tôi xin kính cẩn phụng giáo.»
Khổng Tử về đến nhà suốt ba ngày không ra khỏi cửa, bảo với môn sinh rằng:
"Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt, bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?"

Khổng Tử sau khi về nước Lỗ, nghiên cứu về đạo tạng thiên thư. Đạo Thánh Hiền soạn chép lại sách xử dụng các văn khố, sao chép tài liệu để về sau này dùng làm căn bản cho nho giáo và mở trường dạy học, nội dung giáo dục gồm Lễ nghĩa, Thiên Địa, Tổ Tiên, Đạo làm người, Nhạc, Sử và Văn Thơ.
Năm Khổng Tử 51 tuổi, vua nước Lỗ mời ông làm quan Trung Đô Tể tức là vị quan quản trị kinh thành rồi thăng lên cấp Đại Tư Khấu tức là Bộ Trưởng Tư Pháp ngày nay. Trong 4 năm đảm nhiệm chức vụ này, Khổng Tử đã đặt ra các phép tắc, đề ra viêïc cứu giúp các người nghèo khó, quy định việc chôn cất người chết... Nhờ luật lệ phân minh, mọi người dân được dạy bảo các điều lễ nghĩa, trai gái theo lễ giáo, gọi là Nho Giáo từ bấy giờ.
Sau đó, vua nước Lỗ lại cất nhắc Khổng Tử lên chức Nhiếp Tướng Sự, được quyền bàn việc nước. Chuyện còn kể rằng khi cầm quyền, Khổng Tử đã giết kẻ gian thần là Nhiếp Chính Mão và giúp nước Lỗ trở thành một miền đất thanh bình, thịnh trị.
 couple_dragon.jpeg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét