Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

ĐẠO LÝ NHO GIA ĐỐI VỚI HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM


ĐẠO LÝ NHO GIA ĐỐI VỚI HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
 fad5db2b52c61de9fb98abf866551bf2.jpg
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO LÝ NHO GIA ĐỐI VỚI HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Hội thảo khoa học
Vũ Duy Mền [Toàn văn]
Cập nhật lúc 16h49, ngày 19/08/2007
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO LÝ NHO GIA ĐỐI VỚI HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
TS. Vũ Duy Mền
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO LÝ NHO GIA ĐỐI VỚI HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Cập nhật lúc 16h49, ngày 19/08/2007
image001777.jpg


Viện Sử học

Mỗi làng xã cổ truyền hầu như đều có bản hương ước- lệ làng thành văn. Đó là những quy ước về các mặt thuộc đời sống cộng đồng, do dân làng tự thỏa thuận đặt ra và cùng nhàu thi hành; nhằm đảm bảo quyền tự quản, tự trị của làng xã.
Hương ước thuộc loại hình văn hóa phi vật thể của làng xã. Do hương ước được viết bằng chữ Hán Nôm, nên chúng cũng là một bộ phận quan trọng của văn hóa Hán Nôm. Có người cho rằng văn hóa làng xã và văn hóa Hán Nôm là nội dung chủ yếu của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Vì thế càng không thể phủ nhận giá trị của hương ước trong hệ thống các giá trị chung của làng xã cổ truyền. Sự ra đời của hương ước gắn liền với sự hình thành và phát triển của mỗi làng xã.Hương ước còn là sản phẩm của văn hóa Nho giáo. Thực tế hương ước của nhiều làng xã đã chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của đạo lý Nho gia trên nhiều mặt khác nhau dưới đây:
1. Giáo lý kinh điển Nho gia trong hương ước
Những ai từng đọc sách Nho đều nhận ra rằng- một trong những tư tưởng hành xử chủ đạo của Nho gia là “tu, tề, trị, bình” (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Trong việc trị quốc không thể không đề cập đến làng xã.Vì quốc- nước là họp các làng mà thành.Làng có yên (trật tự) nước mới yên, để phát triển cường thịnh.Dân có giàu nước mới mạnh.Vì thế từ thuở xa xưa các hoàng đế Trung Hoa đã rất chú ý đến việc trị hương đảng (làng). Nhà nước quân chủ phổ biến đạo lý Nho gia về tam cương, ngũthường đến tận làng xã; hướng người dân theo giáo hóa phong kiến; đồng thời đặt ra luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt tính tự quản, tự trị quá mức của làng xã. Mặt khác dựa vào tư tưởng Nho gia và phong tục, tập quán ở làng một số Nho gia đã lập ra hương ước (bản quy ước của thôn- làng), nhằm phổ biến giáo hóa của triều đình làm giàu phong tục vừa khống chế làng xã theo quỹ đạo quân chủ.
Theo Từ Hải, dẫn Tống sử cho biết: “Lã Đại Phường truyện nói rằng- anh em Đại Trung, Đại Phường, Đại Lâm cùng ở với nhau và cùng mài rũa học vấn; cùng luận đạo khảo lễ: Quan, hôn, tang, tế- gốc đều ở cổ, trong đó có liên quan đến lễ nhạc. Từ đó đưa đến Lã Thị thích làm hương ước”.
Theo Lam Điền Lã thị hương ước in trong “Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư” của hai tác giả Hàn Quốc là Kim Nhân Kiệt và Hàn Tướng Quyền, sách do Bảo Cảnh văn hóa xã phát hành tháng 10 năm 1986 tại Seoul cho biết rõ thêm về tác giả và địa danh và nội dung của Lam Điền Lã thị hương ước:
Lam Điền (thuộc) huyện Tần, có tiếng (ở) phủ Kinh Triệu; trưởng họ Lã là Đại Trung, tự Tiến Bá; các em là Đại Phường, tự Vi Trong, Đại Ước tự là Hòa, Đại Lâm tự là Hưng cùng nhau lập hương ước. Trong đó (đức nghiệp tương khuyến)- đức nghiệp cùng khuyến khích nhau. (Quá thất tương quy)- điều lầm lỗi nên đưa vào khuôn phép. (Lễ tục tương giao)- lễ tục cùng nhau trao đổi. (Hoạn nạn tương tuất)- hoạn nạn nên thương yêu nhau.
Từ đó Lam Điền Lã thị hương ước trở thành bản hương ước mẫu- kinh điển được áp dụng ở nhiều thôn (làng) thời Bắc Tống ở Trung Quốc.
Sang thời Nam Tống, Chu Tử dựa vào Lam Điền Lã thị hương ước bổ sung hoàn chỉnh thêm thành bản- Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải tiếp tục phổ biến trong nước; sau lưu truyền sang Triều Tiên và Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu của học giả Trung Quốc(1) thì việc xướng suất hương ước là một hiện tượng văn hóa quan trọng ở Trung Quốc. Do ảnh hưởng của lý học Trình Chu, hương ước được bắt đầu từ anh em họ Lã đất Lam Điền vào thời Bắc Tống, Lã thị hương ước trở thành khuôn mẫu cho đời sau.
Giải Tấn là người sớm nhất ở thời Minh kiến nghị làm hương ước. Ông muốn tìm lễ giáo trị gia của cổ nhân, phép tắc làm hòa mục lân bang, như hương ước của họ Lã đất Lam Điền xưa, nay lấy quy phạm của gia đình họ Trịnh đất Nghĩa Môn bố cáo thiên hạ. Nhưng Minh Thái Tổ (1368-1398) chưa đồng ý thu nhận. Đến thời Minh Thành Tổ (1403-1424) lấy hương ước của họ Lã đất Lam Điền xếp vào loại tính lý thành thư, ban phát trong thiên hạ, khiến nó được truyền tụng ra. Song Thành Tổ chỉ coi trọng những điều quy định trong hương ước; mà ít hứng thú tính chất tự trị của dân chúng chứa đựng trong đó.Vì thế hương ước bấy giờ mới chỉ dừng lại ở trên giấy tờ hoặc truyền khẩu, chưa được thi hành.
Vương Nguyên là người đầu tiên thực thi hương ước ở thời Minh. Ông đỗ Tiến sĩ năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404); khi nhậm chức tại phủ Triều Châu đã sai khắc Lam Điền Lã thị hương ước (藍田呂氏鄉約), chọn dân làm Ước chính, Ước phó, Ước sĩ, giảng giải những điều trong đó. Năm Chính Thống thứ 3 (1442), Vương Nguyên đã thoái quan về ở nơi rừng núi, lại phổ biến hương ước ở trong thôn ấp.
Sau những năm thuộc niên hiệu Chính Đức(1506-1521) nền thống trị của triều Minh lâm vào khủng hoảng sâu sắc, toàn diện. Một số Nho sinh, quan lại đọc nhiều sách kinh điển tận lực với phương châm tu, tề, trị, bình, đã nô nức phổ biến hương ước trong thôn làng, nhiệm sở. Họ coi việc tiến hành hương ước làm kế sách hay và bức thiết để cứu nước yên dân. Trong thời gian này hương ước của họ Cừu ở Lộ Châu và hương ước Nam Cống của Vương Thủ Nhân có ảnh hưởng lớn nhất. Hương ước của họ Cừu có thể coi là đại diện cho loại hương ước do dân chúng tiến hành. Hương ước của họ Vương lại mở ra một thế cục toàn thịnh cho loại hương ước do quan phủ đốc thúc, thi hành vào trung hậu kỳ đời Minh.
Nam Cống hương ước (南貢鄉約) là một loại hương ước kiểu mới. Trong đó ông Dịch Thừa Vương Dương Minh (Vương Thủ Nhân) tham chước Lam Điền Lã thị hương ước kết hợp với quy ước của dân vùng Sơn Cốc Nam Cống. Sau tháng 10 năm Chính Đức thứ 13 (1518), ban hành tại Nam Cống. Họ Vương chỉ rõ: Cái thiện, cái ác của dân tục há chẳng phải do tích tụ thói quen mà thành ư? Từ nay trở đi phàm là những dân cùng làng đều phải nên có hiếu với cha mẹ, kính trọng bậc huynh trưởng, dạy dỗ con cháu, hòa thuận với xóm làng, tương trợ nhau những lúc tang ma, bệnh tật, thương xót nhau những khi hoạn nạn, khuyên nhủ nhau làm việc thiện, răn nhau tránh điều ác, đừng kiện tụng, thôi đánh nhau, giảng giải điều tín, tu sửa hòa mục cốt để dân chúng lương thiện, cùng xây dựng thành phong tục nhân hậu. Tổng cộng có 16 điều khoản, quy định những người làm việc của hương ước được cử ra do sự lựa chọn của các thành viên... Ước trưởng (Trưởng hương ước) cùng với các thành viên (dân chúng) được quyền hòa giải tranh chấp kiện tụng của dân. Ước trưởng trong cuộc họp trưng cầu ý kiến chung của dân chúng để biểu dương việc tốt, uốn nắn việc sai. Sau nhiều lần đôn đốc của Vương Thủ Nhân, phép hương ước này được mở rộng ở các địa phương như: Nam Cống, Long Nham, Phúc Kiến, Cát An, Giang Tây... Việc xướng suất và coi trọng hương ước của (Vương Thủ Nhân) đã có sức ảnh hưởng và sức kêu gọi quan trọng đối với các sĩ đại phu sau này.
Vào đời Gia Tĩnh (1522-1566) và Vạn Lịch (1573-1620) thi hành hương ước, dưới sự chỉ đạo tinh thần chung là khuyến thiện, trừng ác, mở rộng giáo hóa làm giàu phong tục.
Các địa phương trong toàn quốc bấy giờ còn sản sinh ra một số hương ước chuyên môn, được xây dựng nhằm mục đích cụ thể nào đó. Chẳng hạn như hương ước bảo vệ rừng, hương ước cấm giết trâu, hương ước chống trộm và hương ước chống giặc Nhật.
Phải khẳng định rằng: Những vấn đề mà hương ước đời Minh chủ trương như tu thân, tề gia, hòa mục láng giềng, cùng nhau gánh vác công ích, đoàn kết chống giặc bên ngoài xâm nhập, đều đáng ghi nhận.
Sang đời Thanh (1644-1911) hương ước vẫn được thịnh hành. Điều đó cho thấy rõ sức sống và ảnh hưởng của nó đối với đương thời. Phép làm hương ước còn được lưu truyền sang Triều Tiên.
Lam Điền Lã thị hương ướcvà Chu Tử Tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải được truyền sang Triều Tiên khá sớm. Dựa vào các bản hương ước kinh điển đó các sĩ đại phu ở Triều Tiên đã lập ra bản Quang Châu hương ước điều mục vào năm 1451(2) để thi hành. Các bản hương ước sau này ở Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng của Lam Điền Lã thị hương ước và bản hương ước đã được Chu Tử “ngạn giải” (giải thích rõ thêm). Họ đã sáng tạo đặt ra nhưng quy ước- hương ước nội dung vô cùng phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cộng đồng xã hội thuộc các đơn vị hành chính từ phủ, châu (huyện), quận, diện (tương đương với vài ba xã, bằng 1 tổng của Việt Nam), lý (làng xã), phường, động, ấp của Triều Tiên trước đây.
Hương ước cùng hỗ trợ cho luật pháp của Nhà nước, nhằm đảm bảo cuộc sống yên ổn của người dân thuộc địa hạt trong nước mà vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Lam Điền Lã thị hương ước cũng được lưu truyền sang ViệtNam.
Về quan, hôn, tang, tế (lễ trưởng thành, hôn lễ, tang lễ và tế lễ thần) của Lam Điền Lã thị hương ước được ghi trong lời mở đầu “Hương lệ xã Thượng Cát 1854(3) hoặc hương ước làng Phú Vân 1854 (Yên Thành- Nghệ An) “thôn làng đương nhiên phải có điều ước. Lam Điền Lã thị có 4 điều ước... (đã dẫn trên). Sau Chu Văn Công bổ sung thêm và truyền đến ngày nay; không nơi nào là không lấy đó làm nền tảng để xây nên lễ giáo của mình”(4).
Hương ước thôn Cẩm Trướng, xã Ngọc Cẩm, tổng Hải Quật, huyện Yên Định, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lập năm 1877 dẫn hương ước Lam Điền và giải nghĩa rõ thêm “(đức độ sự nghiệp là để khuyến khích nhau, lễ nghi tục lệ là để giao đãi nhau), cái nghĩa của việc uống rượu trong hương ẩm là để đem điều (nhường người tôn quý, kính trọng bạn bè) ra tiếp đãi nhau.. Lễ giáo trong nhà, nghi thức cư xử trong làng xóm cũng có tôn ty trật tự. Bậc tiền bối đặt ra các điều mục về khánh điếu cũng đều là sự thượng thăng khi cư xử với làng, những giao ước về phép tắc khi ăn ở trong xóm. Có người thích thể theo cái nghĩa đó, nhân theo tục lệ đó mà quảng bá ra, nên đã đem những điều đó khắc lên vàng đá, ghi vào sách vở để soi mãi về sau..”(5).
Hương ước xã Phù Lưu Thượng, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lập năm 1854; trong lời dẫn có ghi: “Người xưa dạy rằng- muốn hành đạo ở thiên hạ, ắt khởi đầu từ hương đảng, sách Lễ ký có các thiên hương sạ, hương ẩm tửu đều là dễ phân biệt trưởng ấu, định ra tôn ty rõ ràng, để phong tục nhân luân được đầy đặn vậy. Cho nên Phu Tử ta (Không Tử) quan sát hương đảng mà biết vương đạo để đổi thay, tin chắc có điều đó...” (6).
Điều 29 của Quỳnh Đôi hương lệ trong Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên đã dẫn sách Luận ngữ : Làng có phong tục nhân hậu là làng tốt, Làng ta từ khi có đến giờ phong tục theo nề nếp nhân hậu, con trai con gái chăm lo nghề nghiệp mình, nếu không chăm lo bổn phận và không theo phong tục làng thì cũng có ngày lụy đến thân..”(7).
Hoặc trong Điều lệ xã Nhân Canh, tổng Hà Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lập năm 1861, bổ sung năm 1869 (thời vua Tự Đức), được sao lại năm 1942; trong sổ hội Tư văn (hội của những người học Nho trong xã) ghi rõ “... kinh sách của thánh nhân (Khổng Tử) không ai không đọc, tùy theo mức độ nông sâu tường lược mà có thu hoạch là cao nhất, còn việc nổi rõ tiếng tăm vang lừng sự nghiệp chỉ là thứ yếu. Nhờ thế mà mọi người có được lòng hiếu thảo, đối với người trên thì kính yêu tôn trọng, đối với con trẻ thì trìu mến thân thương, đối với làng xóm thì thuận hòa thắm thiết không mất đi cái lẽ thường tình tự nhiên. Người dân có được những đức tính tốt đẹp ấy đều nhờ vào những điều dạy bảo của thánh nhân để lại cả”(8).
Khoán lệ thôn Trà Lôi, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, (tỉnh Hưng Yên) lập năm 1737 và khoán ước xã Quang Hiển, huyên Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lập năm 1877 đều dẫn những lời nói trong kinh truyện- những điều thánh hiền di huấn để làm mẫu mực cho hậu thế.
Đặc biệt trong bài ký khoán ước của hội Tư văn thôn Nhân Aí, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, (Hà Tây) soạn năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) cho biết: “Vào ngày 16 (ngày tốt), tháng Giêng đầu Xuân năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) toàn thể hội Văn trên dưới của thôn hội họp bàn nhau rằng: Tiên thánh đời xa, tiên triết là thầy, mà lẽ trời là ở lòng người cả, đều không thể để mai một được. Huống hồ bọn chúng ta là những người được bơi lội trong Hàn Mặc, và tắm gội trong nguồn đạo (Nho), nhà thì nhà họ Khổng, họ Mạnh mà họ Trình họ Chu, tất nhiên sẽ hấp thụ được một nền chân Nho, đạo đức, nhân nghĩa đều quy về nơi Thánh vực, mà lại không biết để tôn sùng thì lòng chúng ta làm sao mà yên được...”(9).
Ở lời bạt khi tái lập điều ước ở xã Hòa Tranh (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Tây) năm 1699 khẳng định rằng: “Các điều trên đây, toàn thể quan viên lão Trùm, Xã Thôn trưởng đều đã tham khảo cân nhắc kỹ lưỡng nhằm ban bố cho ai nấy trong hương thôn được biết để vươn tới điều thiện, tránh xa điều ác, cùng với các bậc hiền nhân quân tử quay về phong tục tốt đẹp của thi, thư, lễ nghĩa. Từ đó mà gợi mở đường khoa mục, tạo dựng nên sự nghiệp. Bậc vua sáng như Nghiêu, Thuấn đời thịnh trị như Đường, Ngu hẳn cũng nhờ đó mà có nơi gửi gắm vậy, vạn đời thực không suy chuyển...”(10).
Những điều trình bày trên cho thấy giáo lý kinh điển Nho gia bao gồm kinh sách của thánh nhân (Khổng Tử), Lễ ký, Chu lễ, Luận ngữ, Truyện, Lam Điền Lã thị hương ước, Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải đã trở thành nền tảng giáo lý để các nhà Nho Việt Nam xây dựng nên các bản hương ước thực thi ở các làng xã. Không những thế đạo lý Nho gia đã ảnh hưởng sâu sắc đến nội dung của hương ước làng xã Việt Nam.
2. Đạo lý Nho gia trong hương ước.
Trong một số bản hương ước có quy định về hiếu đễ, một phần quan trọng của đạo Tam cương (quan hệ vua- tôi, cha- con, vợ- chồng) là giường cột của đạo Nho.
Hiếu đễ ở làng xóm quy định trách nhiệm của người làm cha mẹ đối với gia đình; con cái đối với cha mẹ, ông bà; vợ chồng đối với nhau; anh em và làng xóm đối với nhau.Cốt sao trong các mối quan hệ đó vừa giữ được đúng lễ (trên dưới) vừa giữ được tình hòa thuận trong gia đình và hòa mục đối với hàng xóm láng giềng.“Hòa thả bình” (hòa thuận và bình an). Có lẽ đó là ước vọng chung của dân làng. Vì thế những điều quy ước về hiếu đễ rất được coi trọng trong hương ước. Hương ước xã Như Áng, tổng Tuần La, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa lập năm Minh Mạng thứ 5 (1824), quy định: “Bản xã lấy tục lệ tốt làm đầu, người nào bất hiếu (có cha mẹ bỏ bễ không cung kính phụng dưỡng và chửi bới cha mẹ), bất uyên (chỉ những người vợ có lỗi lăng nhục bất kính đối với cha mẹ chồng), bất mục (điều bất mục không hay ở cửu tộc), bất thuận (chỉ những người không thuận theo hàng xóm), hiện trạng đúng tình thực, bản xã định tội tùy theo mức độ nặng nhẹ, ghi vào trong khoán ước... để dạy cái tội không hiểu biết”(11).
Điều 4 trong Quỳnh Đôi hương lệ (Quỳnh Lưu, Nghệ An) quy định: “Người ta lấy luân lý làm trọng, nghĩa là làm cha tính nết hiền lành, làm con thờ cha mẹ cho có hiếu. Làm anh thì ở với em cho thuận hòa, làm em thì ở với anh cho cung kính.Chồng nói thì vợ nghe, làm người thì cư xử là thế. Nếu mà không được thế thì chẳng khác loài cầm thú...”
Hoặc điều 89 quy định: “Người trong lân lý (một làng) với nhau nên lấy sự hòa mục mà xử trí với nhau. Nếu người nào mà lấy sức mạnh mà lăng mạ người yếu, lấy thế giàu ức hiếp kẻ nghèo, người đê tiện lấn lướt người quý đến rồi chửi nhau đánh xé nhau làm hại mất thể thống phong hóa làng, phải trọng phạt”.
Điều 14 trong hương ước thôn Hữu Lễ, xã Mục Sơn, thuộc Thanh Hóa ghi rõ; “Người nào chồng vợ bất hòa, anh em bất hòa chửi rủa mày tao, phạt tiền 3 quan. Nếu là do người đàn bà gây ra, thêm: trói vào một đoạn gậy ngắn, đặt ở ngã ba đường một ngày để trừ bỏ thói ngang ngạnh”.
Điều 65 quy định: “Lấy vợ lấy chồng phải cho đoan chính, không được lấy nhau một cách cẩu thả, làm thói dâm phong, nếu có kẻ không ngăn được lòng dục vọng của mình mà thầm vụng với nhau đến nỗi chửa hoang thì làng bắt tội nặng. Còn như trai gái ve vãn nhau, tiếng xấu đồn khắp. Chỉ cần người phát giác là bắt phạt 1 con trâu đáng giá 10 quan, lại đem ra đập cho xấu, làm tờ trừng tội để về sau cho chừa. Còn như ông nào là khoa hoạn có tên trong sổ hội (tư Văn) thì gạch tên đi”.
Hương ước làng Thiện Kỵ, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An lập năm 1844, trong đó điều 7 quy định: “Phụ nữ hoang dâm bị phát giác: nếu là con gái chưa chồng thì phạt tiền 20 quan và cạo đầu, cha mẹ cũng bị phạt 3 quan. Sau khi đẻ con được 100 ngày người con gái hoang dâm đó còn bị phạt 30 roi. Người đàn ông thông dâm cũng bị phạt 3 quan tiền và 50 roi.Ngoài ra còn phải bảo dưỡng người con gái cho đến khi sinh con và phải nhận nuôi đứa con. Người con gái hoang thai trở về nhà cha mẹ đẻ. Phụ nữ hóa chồng phạm hoang dâm phạt 14 quan tiền.Tiền dâm hậu thú thì phải phạt 4 quan.Trai gái đều bị đánh 30 roi.Cha mẹ đôi bên đều bị phạt tiền 3 quan.Trường hợp loạn luân, hay tái phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn”(12).
Hương ước xã Mỹ Phong, huyện Nông Cống, Thanh Hóa lập năm Thành Thái thứ 13 (1901), trong đó quy định phạt rất nặng tội phụ nữ gian dâm: “Người phụ nữ phạm tội gian dâm bị phạt 12 quan tiền, trói giải đi bêu các ngõ, đánh 10 roi, không được cùng ngồi, cùng đi, cùng chuyện trò với người khác, phạt người nhà 3 quan tiền”..
Những điều dẫn trên trong một số hương ước nhằm giữ vững luân thường ở làng xã; thể hiện sự khắt khe của lệ làng. Sự nghiêm khắc của hương ước- lệ làng không kém mấy so với luật pháp quân chủ, nhằm ngăn chặn và răn đe những kẻ sống phá cách, coi thường chuẩn mực đạo đức quân chủ; phá vỡ hạnh phúc gia đình và các quan hệ ruột thịt trong gia đình và với hàng xóm láng giềng. Song chính những quy định về hiếu đễ trong hương ước đã tạo tiền đề pháp lý và đạo đức truyền thống cho việc hôn nhân và xây dựng gia đình hạt nhân khá bền vững ở làng xã xưa.Nhằm thực hiện tư tưởng Nho gia- tu, tề, trị, bình được nhập từ bên ngoài vào nước ta.
Tuy nhiên, mặt trái của những quy định về luân thường ghi trong hương ước nhằm đề cao chế độ phụ quyền- trọng nam khinh nữ. Người phụ nữ hầu như không được tham dự việc làng ở đình chungCông việc ở đó chủ yếu của đàn ông- nam giới. Nếu làng mở hội ở đình thì phụ nữ cũng được đến xem hội hoặc xem hát ở cửa đình, nếu người phụ nữ có chuyện trăng hoa dẫn đến hoang thai sẽ bị phạt nặng như đã nêu trên. Trong khi giới mày râu- chức sắc được quyền “năm thê bảy thiếp”; nếu có trêu ghẹo phái nữ, hoặc vượt rào chung chăn gối chăng may bị phát giác cũng chỉ bị phạt tiền mức thấp hơn so với phụ nữ. Đó chính là một bạc tục (tục xấu)- kết quả của sự ảnh hưởng đạo lý Nho gia trong hương ước xưa.
Ngoài việc đề cao đạo đức hiếu đễ, luân thường trong hương ước, đạo lý Nho gia còn ảnh hưởng đến nhiều mặt thuộc đời sống làng xã; thể hiện khá rõ nét tư tưởng dân chủ Nho gia trong hương ước.
3. Dân chủ Nho gia trong hương ước.
Trong các làng xã người Việt trước khi chịu ảnh hưởng của đạo lý Nho gia từng hiện hữu tập quán trọng xỉ- đề cao những người nhiều tuổi, thượng thọ- “kính lão đắc thọ”.Nhưng khi đạo lý Nho gia thâm nhập ngày càng sâu vào làng xã (từ thời Lê Thánh Tông- nửa sau thế kỷ XV) đã dần hình thành tục trọng tước- coi trọng những người có quan tước- chức tước.Từ thế kỷ XVII trở đi trong các làng xã tục trọng tước đã lấn át tục trọng xỉ.Mặc dù tục trọng xỉ, trọng lão vẫn được bảo lưu, nhưng phải nhường vị trí hàng đầu cho tục trọng tước.Điều đó phản ánh rất rõ trong hương ước của các làng xã. Tính chất dân chủ Nho gia được biểu hiện khá đầy đủ và tập trung trong việc quy định vị thứ đình chung khi làng vào đám lễ hội, hương ẩm, hay bàn việc làng hàng năm.
Vị thứ- chỗ ngồi của người tham dự việc làng ở đình chung đảm bảo trật tự quân chủ; vừa nhằm ưu tiên trọng tước vừa trọng xỉ. Rất nhiều bản hương ước, tiêu biểu như ở Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương), Kim Đôi (Quế Võ, Bắc Ninh), Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) quy định:
Gian giữa đình là chỗ ngồi của triều quan nhất- nhị phẩm hoặc Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ. Kế đến các cụ đại thọ- thượng thọ tuổi 100 hoặc 90- 80.
Gian bên tả đình là các vị quan văn hàm Chánh tam, từ phẩm trở xuống đến Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài, Giám sinh, Khóa sinh, các cụ lên lão 50- 60 tuổi trở lên, thứ đến chức dịch hàng xã- Cai tổng, Chánh tổng, Xã trưởng, Lý trưởng- Phó Lý trưởng; dân đinh (nam giới) theo thứ tự tuổi tác.
Gian bên hữu là chỗ ngồi của các võ quan hàm từ tam phẩm, tứ phẩm trở xuống đến các chức Cai hợp, Thủ hợp, Chánh phó đội suất, cựu binh, các vị được tặng hàm bát, cửu phẩm võ giai (hàng võ). Thứ đến các lão làng tuổi 50 đến 60 trở lên cùng ngồi.Nếu còn chỗ thì bố trí cho trai đinh ngồi theo thứ tự tuổi tác, ai nhiều tuổi ngồi trên, ít tuổi ngồi dưới.
Rất nhiều làng đình ba gian, năm gian vẫn chật hẹp, không có chỗ ngồi cho dân đinh, họ phải đứng ngoài đình để tham dự lễ hội. Thường tráng đinh phải phục dịch làng khi vào đám lễ hội.Họ phải tham gia vào việc chuẩn bị lễ hội- dọn cỏ, làm vệ sinh sân đình, lau chùi đồ thờ tự trong đình. Tham gia mua sắm (giáp đăng cai) lễ vật hương hoa, quả, lợn gà, rượu gạo..
Khi lễ hội diễn ra tráng đinh tham gia phụ tế (giúp các chức sắc và các cụ hành lễ). Khi tiến hành đám rước thần quanh làng hoặc từ đình đến miếu, đình đến bên sông và ngược lại, tráng đinh (18- 37 tuổi) đảm trách việc khiêng rước kiệu thánh (thần), hương án; mang vác cờ thần, tàn tán, lọng, các đồ bát bửu, mang chiêng, khiêng trống (các công việc nặng nhọc trong đám rước). Tráng đinh con đảm trách giữ gìn trịan trong những ngày diễn ra lễ hội ở làng. Họ phải thay nhau tuần phòng bảo vệ của cải và tính mạng của dân làng; kịp thời ngăn chặn những kẻ có hành vi côn đồ gây gổ đánh nhau, phá đám lễ hội… Các quan viên chức sắc cùng các bô lão trong đó giữ vai trò chủ tế điều khiển cuộc tế thần (thánh) và chỉ huy đám rước; còn lại đều mũ cao áo dài là lượt vào lễ, sau đó đi theo đám rước.
Thường sau phần lễ đến phần hội. Các quan viên chức sắc và các trưởng lão (lão thượng thọ) tham gia phần hội, cầm chịch cho các trò chơi dân gian mang tính thể thao, hay nghệ thuật. Họ chấm giải cho những cuộc đua thuyền trên sông, bắt vịt trên ao, đánh cờ người; hay chọi gà, kéo co, vật cầu. Hoặc cầm chầu (trống chầu) cho hát văn hay hát ca trù, ả đào ở sân đình trong những đêm hội làng tưng bừng vào mùa Xuân hay mùa Thu. Tráng đinh và đại đa số dân làng là những người tham gia chímh trong ngày hội, những cuộc thi thể thao, các trò vui dân gian. Trong những đêm hội có ca xướng cũng có thể là cây nhà lá vườn- đội chèo, đội tuồng của làng góp vui, cùng dự thi; nhưng có thể làng mời Giáo phường nơi khác đến biểu diễn, khiến đêm hội ca xướng ở làng quê tưng bừng, nhộn nhịp; muôn màu muôn vẻ.
Thường trong những ngày hội làng bao giờ cũng đi liền với cỗ bàn hương ẩm ở đìnhchung. Hương ước một số làng quy định: quan nhất phẩm hoặc Tiến sĩ một mình một cỗ (một mâm). Nếu không có vị nào quan tước cao thì ưu tiên cụ đại thọ- cao tuổi nhất trong làng một mình một cỗ. Thứ đến các quan tam tứ phẩm cứ hai người một cỗ; tứ lục phẩm 4 người một cỗ; thất bát cửu phẩm 6 người một cỗ..
Các cụ thọ 90 hoặc 80 cứ 2 người một cỗ; 60- 70 tuổi 4 cụ một cỗ; các cụ mới lên lão 50- 55 tuổi 6 cụ một cỗ.
Các tráng đinh theo thứ tự tuổi tác từ 50 trở xuống và theo vị thứ bàn nhất, nhị, tam, tứ… cứ 6 người một cỗ.
Ai không ngồi đúng vị thứ của mình khi hương ẩm, theo quy đinh coi như vi phạm lệ làng- hương ước, sẽ bị phạt tiền hay trầu rượu để tạ làng; hoặc bị hạ vị thứ mâm- bàn tuỳ theo mức độ vi phạm; có thể hạ từ bàn nhất xuống bàn nhị hoặc bàn tư. Mức độ nặng hơn kẻ vi phạm có thể bị truất quyền dự hương ẩm trong một năm hoặc vài năm.. Thậm chí họ bị cấm dự đình chung một thời gian theo quy định của hương ước.
Theo quy định trong hương ước đi liền với vị thứ hương ầm là quy định phần biếu.Người được ngồi mâm nhất thường được nhận phần biếu tuỳ theo lệ làng mỗi nơi; có thể là một thủ lợn hay thủ bò; hoặc thủ lợn kèm mâm xôi. Chiếc cổ lợn hay cổ bò có thể được chia làm 2 hoặc 4 phần để biếu các quan viên hoặc phụ lão, nếu có triều quan (người làm quan ở triều đình tham dự việc làng) thì biếu triều quan, nếu không có triều quan thì biếu Chánh tổng, hay Xã trưởng, Lý trưởng và các cụ thượng thọ.Cũng có nơi không biếu cổ lợn, cổ bò thì biếu các vị miếng thịt thăn; Xã khán (Khán thủ) được biếu thêm chiếc chân gà. Đại đa số các tráng đinh tham dự hương ẩm được biếu đĩa xôi hay phẩm oản, hoặc phong trầu hay hoa quả.
Phần biếu xét về giá trị kinh tế tuy chênh lệch không lớn lắm nhưng thể hiện sự kính trọng đối với những người có chức tước, đỗ đạt cao- danh giá nhất làng. Vì thế tục ngữ có câu: “một miếng giữ làng hơn một sàng xó bếp” nhằm đề cao, khích lệ trai tráng trong làng gắng công dùi mài đèn sách học Nho vươn lên chiếm bảng vàng bia đá làm quan cao chức trọng; “sống ở làng mà sang ở nước”; làm danh giá cho gia đình dòng họ, làng xóm và đất nước.
Tuy nhiên, vị thứ đình chung đã tiêm nhiễm vào đầu óc ngưòi ta gây ra không ít những trở ngại trong đời cộng đồng. Người ta tranh nhau ngôi thứ vừa làm mất tình thân hữu, tình xóm giềng; vừa mất sản nghiệp.Vì đoạt “được chỗ ngồi, trôi chỗ ở” khiến cuộc sống cá nhân gia đình, vợ con dở khóc dở cười sau lỹ tre xanh.Địa vị còn khiến người ta đố kỵ, hẹp hòi; ngăn trở nhau không tạo nên một hợp lực mạnh mẽ để xây dựng cuộc sống cộng đồng làng xã tốt đẹp hơn…Dù sao cũng là biểu hiện thái quá của tục xôi thịt một bạc tục xấu ở làng xã xưa còn ghi trong hương ước.
Với vị thứ đình chung thể hiện trong hương ước nêu trên cho thấy một hình ảnh khá rõ nét về dân chủ đẳng cấp quân chủ được thu nhỏ ở làng quê xưa. Vị thứ đình chunggần giống như một buổi thiết triều, chia ra hai bên tả văn, hữu võ theo thứ bậc cao thấp khác nhau. Điều đó cho thấy cho thấy thiết chế xã hội theo mô hình đạo lý Nho gia từ trên triều đình đến làng xã là một thể thống nhất, chính sự thống nhất mô hình này đã tạo ra một trật tự, nề nếp giữ được sự ổn định thể chế dân chủ ở làng xã thông qua hương ước. Sự ảnh hưởng của đạo lý Nho gia quá sâu sắc, tạo nên được mặt tích cực như đã thấy nhưng cũng chứa đựng trong đó cả bạc tục, tạo ra sự trì trệ, bảo thủ làm cản trở sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những điều trình bày trên đây trong khuôn khổ bản tham luận chưa nói được nhiều; nhưng có thể rút ra nhận xét sau đây.
Hương ước – bản lệ làng thành văn của các làng xã cổ truyền Việt Nam được các nhà Nho soạn thảo, dân làng thông qua, chính quyền phê duyệt và cùng nhau thi hành.Những tác giả của hương ước tuỳ theo điều kiện và khả năng đều học qua cửa Khổng sân Trình. Việc tiếp thu giáo lý và đạo lý Nho gia của mỗi người nông sâu, cao thấp khác nhau. Qua thực tế cho thấy tuỳ theo khả năng tiếp thu hay chuyên sâu kinh sách nào mà mỗi người vận dụng trong việc lập ra hương ước ở các làng xã. Các nhà Nho ở làng Quỳnh Đôi dựa vào Luận ngữ để lập ra hương ước. Muốn xây dựng một làng có phong tục nhân hậu, mà ở đó con trai, con gái đều phải chăm lo nghề nghiệp của mình, mọi người đều tuân theo phong tục tốt đẹp của làng. Đại đa số các nhà Nho ở các làng xã đều dựa vào sách kinh truyện của thánh hiền, gồm những lời di huấn mẫu mực cho hậu thế để lập ra hương ước. Trong đó khuyến cáo việc tang, tế, hương ẩm đều nên tiết kiệm, tránh sa phí; mọi người nên thương cảm và giúp đỡ người có tang; đề cao những người làm việc công đức đối với làng xóm (tục bầu hậu, trong hậu). Hoặc họ viện dẫn sách Lễ ký, Chu lễ để soạn ra hương ước trong đó muốn chỉnh đốn phong tục (ngay ngắn), muốn mọi người trong làng đều tuân theo lễ nghi Nho gia phân biệt trưởng ấu, trên dưới và tôn ty trật tự từ trong gia đình đến làng xóm; nhằm thực hiện tu, tề, trị, bình- mục đích cao cả của Nho gia trong xã hội quân chủ.
Một điều kiện đặc biệt khi nghiên cứu hương ước làng xã cổ truyền, với những ảnh hưởng của đạo lý Nho gia không thể không chú ý đến việc các nhà Nho Việt Nam đã tiếp thu Lam Điền Lã thị hương ước- bản hương ước mẫu kinh điển thời Bắc Tống (Trung Quốc) cả về tử tưởng lẫn nội dung. Việc tiếp thu Lam Điền Lã thị hương ước của các nhà Nho Việt Nam muộn hơn 2 thế kỷ so với các sĩ phu Triều Tiên. Song điều đó cho thấy ảnh hưởng của đạo lý Nho gia đối với châu, quận, diện, lý của Triều Tiên và đối với làng xã Việt Nam là hiển nhiên. Các nhà Nho Triều Tiên (gồm cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc) và các nhà Nho Việt Nam dựa vào đó đều có những sáng tạo riêng trong việc lập ra hương ước phù hợp với hoàn cảnh địa lý và điều kiện lịch sử mỗi địa phương, nhằm duy trì phong tục tập quán và những nét văn hoá đặc sắc riêng của mỗi dân tộc.
Như vậy, việc các làng xã cổ truyền chịu ảnh hưởng và tiếp thu những giáo lý kinh điển Nho gia đã tạo nền tảng để hình thành nên hương ước. Trong đó bao trùm lên cả tính mục đích và nội dung của hương ước (như đã trình bày). Thông qua hương ước nhằm xây dựng phong tục thuần hậu ở làng xã. Cũng qua đó để Nhà nước quân chủ phổ biến giáo lý phong kiến, làm giàu phong tục, khống chế các làng xã theo quỹ đạo quân chủ. Tuy vậy, đã có nơi có lúc “phép vua thua tục dân”.Hương ước là biểu tượng của làng xã cần được tiếp tục nghiên cứu.
Hà Nội mùa Hạ Bính Tuất (2007).
Chú thích
1 . Tào Quốc Khánh- Đặc điểm phổ biến của việc thi hành hương ước đời Minh.Tạp chí nghiên cứu văn hóa Trung Quốc.Số 1.1997.Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm dịch từ nguyên bản Trung văn.
2 Xem thêm- Phạm Thị Thuỳ Vinh. Quang Châu hương ước điều mục bản hương ước cổ nhất của Triều Tiên.TC Hán nôm.Số 3- 2005.
3 .Tục lệ cổ truyền làng Việt Nam. Đinh Khắc Thuân (chủ biên). Nxb KHXH. HN.2006. Tr 68- 71.
4 . Hương ước Nghệ An. Nxb Chính trị quốc gia.HN.1998. Tr 164.
5 . Hương ước Thanh Hoá. Nxb KHXH. HN 2000.Tr 128.
6 . Hương ước Hà Tĩnh. Sở VHTT.1996. Tr 39- 40.
7 . Hương ước nghệ An. Sđd. Tr 84.
8 . Hương ước Hà Tĩnh. Sđd. Tr 70.
9 . Tục lệ cổ truyền…Sđd. Tr 201.
10 . Tục lệ cổ truyền.. Sđd. Tr 288.
11 . Hương ước Thanh Hoá.. Sdd. Tr 41.
12 . Hương ước Nghệ An.. Sđd. Tr 132.
Tài liệu tham khảo
1, Hương ước cổ Hà Tây – Nguyễn Tá Nhí, Đặng Văn Tu giới thiệu. Bảo tàng tổng hợp.Sở VHTT Hà Tây 1993.
2, Hương ước Hà Tĩnh. Võ Quang Trọng, Phạm Quỳnh Phương (sưu tầm). Vũ Ngọc Khánh giới thiệu, Thái Kim Đỉnh hiệu đính.Sở VHTT Hà Tĩnh 1996.
3, Hương ước Nghệ An- Ninh Viết Giao (Chủ biên). Nxb Chính trị quốc gia.HN 1998.
4, Hương ước Thanh Hóa. Nxb KHXH. HN 2000.
5, Phan kế Bính. Việt Nam phong tục. Nxb TP Hồ Chí Minh 1990.
6, Tào Quốc Khánh. Đặc điểm phổ biến của việc thi hành hương ước đời Minh.Nghiên cứu văn hóa Trung Quốc.Số 1- 1997.Th S. Nguyễn Hữu Tâm dịch.
7, Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam. Đinh Khắc Thuân (Chủ biên). Nxb KHXH. HN 2006.
8, Vũ Duy Mền (chủ biên)- Hoàng Minh Lợi. Hương ước làng xã Bắc Bộ VN với luật làng KanTo Nhật Bản (thế kỷ XVII-XIX).Viện Sử học HN 2001.
9, Vũ Duy Mền. Tìm lại làng Việt xưa. Nxb Văn hóa thông tin.HN 2006.
Tài liệu chữ Hán Nôm:
10, Đại Phùng tổng khoán ước. Lưu ở Viện Hán Nôm- VHN.
11, Đông Lao thâu khoán (khoán đồng). Lưu ở làng Đông Lao, Hoài Đức, Hà Tây.
12, Đông Miếu thôn khoán. Lưu ở Viện Sử học.
13, Đông Ngạc xã các giáp lệ bạ. VHN.
14, Đông ngạc xã hương ước điều lệ. (VHN).
15, Đông Ngạc xã tục lệ. Lưu ở làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
16, Kim Nhân Kiệt. Hàn Tướng Quyền. Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thưBản cảnh văn hóa xã phát hành.Soeul. Hàn Quốc. 1986.
17, Kiều Trì tam phiên khoán. VHN.
18, Khoán ước làng Đại Mỗ (chữ Nôm). Lưu ở làng Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội.
19, Hoa Cầu xã hương lệ. VHN.
20, La Khê xã Tây thôn khoán ước. VHN.
21, La Khê xã Văn hội giáp khoán lệ. VHN.
22, Long Đằng phường lệ. VHN.
23, Mộ Trạch xã cựu khoán. Lưu ở làng Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương.
24, Ngọc Mạch thôn hương lệ. VHN.
25, Ngọc Than đồng ấp khoán. Lưu ở làng Ngọc Than, Ngọc Mỹ. Quốc Oai, Hà Tây.
26, Nhân Aí văn hội khoán. VHN.
27, Thịnh Liệt xã hương ước. VHN.
28, Thượng Cát xã hương lệ. VHN.
38, Thượng cố xã Tam Sơn đồng dân công ước chí. Lưu ở làng Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh.
39, Tuần lệ. Lưu ở xã Cộng hòa, Hoài Đức, Hà Tây.

[Tóm tắt]
Trong làng xã cổ truyền Việt Nam từng tồn tại phổ biến hương ước- lệ làng thành văn- sản phẩm văn hóa phi vật thể khá đặc sắc. Hương ước là kết quả của quá trình phát triển làng xã, vừa chịu sự tác động và tiếp thu Nho giáo. Bài viết phân tích sự “ ảnhhưởng của đạo lý Nho gia đối với hương ước làng xã cổ truyền Việt Nam ” trên một số mặt sau:
1. Giáo lý kinh điển Nho gia
Giáo lý Nho gia trong “Lam Điền Lã thi hương ước”- bản hương ước kinh điển (mẫu) thời Bắc Tống (Trung Quốc).
Hương ước làng xã Việt Nam tiếp thu “Lam Điền Lã thị hương ước”.
Một số sách kinh điển Nho gia ảnh hưởng trực tiếp đến hương ước làng xã Việt Nam:Chu lễ; Lễ ký; Kinh thi; Luận ngữ; Truyện..
2. Đạo lý Nho gia
Quy định về đạo hiếu đễ (quan hệ cha mẹ- con cái; chồng- vợ; anh- em).
Quy định về quan hệ láng giềng hòa thuận.
Quy định về trung tín..
3. Dân chủ Nho gia
Quy định về vị thứ (chỗ ngồi) đình chung khi làng hội hè, đình đám - lễ hội, hương ẩm, chia biếu phần- Trọng tước (quan tước) hơn trọng xỉ (tuổi).
Quy đinh lệ mừng- Đỗ đạt, thành quan, lên lão.
Trọng nam khinh nữ; phân biệt giầu nghèo, ngụ cư- chính cư (bạc tục- tục xấu).
Như vậy hương ước làng xã cổ truyền là sản phẩm văn hóa Việt; song sự ảnh hưởng, tiếp thu đạo lý Nho gia từ Trung Quốc là điều hiển nhiên. Hương ước Việt Nam đã tạo nên được bản sắc riêng. Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, đồng thời cũng là quá trình tiếp thu chọn lựa, sáng tạo không ngừng để phát triển và hội nhập vào thế giới văn minh./.
 2769432295873084116.jpg

***

THE IMPRINT OF CONFUCIANISM on VIETNAMESE ANCIENT VILLAGE REGULATION
Vu Duy Men, Ph.D.
In Vietnamese ancient villages, there was once popular Huong Uoc (known as written village regulations) which is a very typical intangible culture product. Huong Uoc was not only the result of village development process but also was under influence of Confucianism. This article aims to analyze “The imprint of Confucianism on Vietnamese ancient village regulations” in the following aspects:
1. Classical Confucian doctrine
Confucian doctrine in “Lam dien La thi Huong uoc” – a sample of classical Huong Uoc under China’s Age of Northern Song Dynasty.
Vietnamese Huong Uoc wasunder great impact of “Lam dien La thi Huong uoc”.
Some of classical Confucian books which had direct influence on Vietnamese Huong Uoc: Chu Le, Le Ky , Shih Ching (Book of poetry), Lung Fu (Analects), stories…
2. Confucianists’ morality
Conventions on filial duty (the relationship between parents and offspring, husband and wife, brothers)
Conventions on good neighborly relations.
Conventions on constancy…
3. Confucianists’ democracy
Convention on positions in the communal house when there was village festival, post-worship feast. Convention on gift (thinking highly of title and slighting ages).
Convention on celebration of passing examinations, becoming mandarin, reaching old age.
On the other hand, there were also bad conventions on men chauvinism, wealth and poverty discrimination, village original residents and strangers.
Huong Uoc is a Vietnamese cultural product. However, it is obvious that it has been influenced by Chinese Confucianism. No one can deny that Huong Uoc has its own character. It is the cultural exchange and customization as well as the process of selective acceptance and incessantly creativeness to develop and integrate into the civilized world.
2599702884916498921.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét