Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Phùng Khắc Khoan Tiên Nhân (1528- 1613) và Đạo Giáo Dân Gian Việt Nam Phần Cuối - 馮克寬 道教神仙 2

2013-08-30_124546tit.jpg
Trạng Bùng (1528- 1613) và Đạo giáo dân gian Việt Nam trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI- XVII - Phần cuối
anh_trangbung_ag1.jpg
 anh_trangbung_ag5.jpg
Bài trước << >> Bài tiếp theo
(Đăng ngày 27/8/2013)
Xem lại phần 3

Trạng Bùng (1528- 1613) và Đạo giáo dân gian Việt Nam trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XVI- XVII- Phần cuối
 anh_trangbung_t7.jpg
Nhà Mạc có “tệ hại” như các sử gia chính thống xưa nay chép không?

Từ thập kỷ 60, cố họa sĩ Nguyễn Đồ Cung, Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam cùng tôi đã không nghĩ như vậy. Ông và các cộng sự đã phát hiện ra cả một nền mỹ thuật Mạc độc đáo, thể hiện ở đình, chùa, đền, miếu… Không có một ngôi chùa đền, danh lam nào ở miền Bắc mà không có bàn tay nhà Mạc, đời Mạc tu sửa. Mạc Ngọc Liễn tự coi là Đạo sĩ và cùng vợ sửa các đền chùa. Mộ vợ Mạc Đăng Doanh, con gái Trần Chân đã trở thành “Đất Thánh” (bia Bà) nổi tiếng ở Thanh Oai (Hà Tây nay). Gốm sứ Mạc có ghi niên hiệu, tên người thợ chuốt, tên người đặt làm, để cúng dâng cho chùa nào… “Công dân loại ba” của Quân chủ Nho giáo (CÔNG) mà sao được tôn trọng nhân cách như vậy? Sử quan Lê - Trịnh thi nhau chửi nhà Mạc là “ngụy triều” nhưng như Lê Quý Đôn cùng nhiều sử thần Lê - Trịnh cũng phải viết:

Năm 1532: “Mạc Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội.

Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”(34).

An ninh tốt, nông - công - thương nghiệp đều phát triển. Lại xây dựng Dương Kinh ở miền biển, ở cửa buôn bán với nước ngoài. Gốm sứ Mạc tìm thấy trên toàn Đông Nam Á (Xem Phụ lục). Quán hàng mọc lên suốt dọc đường thiên lý, tấp nập buôn bán với các cô hàng bán quán xinh đẹp, có tiền khiến nhiều nho sĩ ngẩn ngơ, chọc ghẹo. Thực tế này cũng được phản ánh vào truyện Mẫu Liễu Hạnh hay “hiện thân” làm cô hàng, bà hàng bán quán. Nhưng sử gia chính thống, kể cả 2 ông GS viết chuyên luận về Trạng Bùng đều chửi nhà Mạc hèn hạ đầu hàng, dâng đất cho nhà Minh (35).

Các ông quá tin vào sử sách chính thống của Lê - Trịnh là kẻ đối lập với Mạc.

Sao các ông không để ý là Lê Quý Đôn không nói một câu về việc Mạc cắt đất cho Minh?

Sao các ông không trích dẫn - như Lê Quý Đôn đã trích dẫn - bài Bố cáo của tướng Mạc Phạm Tử Nghi cho các trấn năm 1546:

“Nước ta từ vua Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) mở nền, thực trời cao sinh đức. Được danh, được vị và được lộc, lịch số nối truyền, thống nhất cả phong tục cõi bờ, xuân thu tổng quát. Kẻ nào không phục, liền đánh dẹp ngay…

Các châu Khâm – Liêm (biên giới Trung  - Việt) sợ hãi không dám liên can!(37). Phạm Tử Nghi đã mang quân sang đánh phá Khâm Liêm và sau khi chết, đã “hiển thánh” và được thờ cúng suốt miền ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng cho đến rất gần đây.

Sao các ông không giở xem Minh sử như GS Đào Duy Anh thầy tôi – và tôi đã giở để thấy chính sử nhà Minh không hề chép việc “dâng đất” năm 1528 như Toàn thư bịa tạc(38), còn việc “dâng đất” năm 1540 thì khi vua Minh sai quan “cát địa sứ” cầm “giấy dâng đất” của Mạc Đăng Dung xuống “thực địa” mới té ngửa người ra là một số chỉ có tên mà không có đất, còn một số khác là đất của Minh từ lâu rồi! Hóa ra Mạc Đăng Dung chỉ giả vờ thần phục theo chiến lược ngoại giao cổ truyền Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê: Thần phục giả vờ, Độc lập thực sự” (Vassalité fictive, Indépendence réelle).

Hoặc các ông không tin tôi và thầy tôi thì các ông phải tin Thần Siêu của thế kỷ XIX chứ! Trong Phương đình Dư địa chí, về tỉnh Quảng Yên, cụ Nguyễn Siêu đã bảo: “Đời sau lấy việc cắt đất bắt tội nhà Mạc”, “nay tôi xét các sách… (Tàu, Ta đủ cả), “cụ khảo chứng 3 trang đặc để xóa án việc nhà Mạc cắt đất: nào có cắt đất nào đâu, toàn là đất của Trung Hoa từ trước đó lâu rồi!(39).

Từ cụ “Thần Siêu” qua cụ Đào Duy Anh, cụ Nguyễn Đỗ Cung đến tôi chẳng ai là con cháu họ Macl cả mà bênh vực cho tiên tổ nhà mình. Chúng tôi khảo chứng là vì KHOA HỌC. Có thế thôi!

3) Nho giáo “Trọng nam khinh nữ”. Lê Thánh Tông là người đầu tiên bắt vợ để tang chồng 3 năm như để tang bố mẹ, theo kiểu cách Trung Hoa, từ năm đầu Hồng Đức (1470)(40). Lê Thánh Tông ban 24 huấn điều Nho giáo, bắt hàng tháng, đàn ông ra Đình nghe giảng (như sau này nghe giảng thập điều) của Minh Mạng. Ông này cũng độc tôn Nho trở lại ở cuối mùa!

Thì sự phản ứng của thế kỷ XVI là ngược lại: Tục thờ MẪU, thờ NỮ THẦN phát triển! Nữ giới Việt Nam, từ thế kỷ XVI đến nay, trên thực tế là người làm chủ các CHÙA, ĐỀN, từ đời Mạc Ngọc Liễn các bà phi – tần, vợ đại quan đua nhau đứng ra hội chủ hưng công tu tạo các chùa, đền. Bia chùa, đền, chuông chùa, đền Phổ, cột chùa, đền Việt ghi đầy tên các “tín vãi” ở chùa Keo, chùa Minh xứ nam, chùa Thày xứ Đoài… Chùa Hương với sự tích Bà chúa Ba với động Hương tích có tượng Phật bà Quan âm, với đền Cửa Võng thờ Mẫu thượng ngàn…là bắt đầu thế kỷ XVI (Thiền uyển tập anh ngữ lục chép Sự Phật đời Lý – Trần không hề viết một chữ nào về chùa Hương). GS Trần Lê Sáng trong sách về Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đã nói đến các “cuộc đời ngoại hạng” của các bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà mẹ Phùng Khắc Khoan… phóng khoáng, tự do, tự chủ “nguyên mẫu trần gian” của Mẫu.

Đỉnh cao nhất của việc thờ MẪU ở Đại Việt là sự xuất hiện bà mẫu cao nhất của các bà mẫu, “tối linh chi linh”(41) “thượng thượng thượng đẳng tối linh tôn thần”(42) là MẪU LIỄU HẠNH ở thế kỷ XVI mà giới khoa học Việt Nam vừa tiến hành cuộc Hội thảo bước đầu ở Hà Nội ngày 2 tháng 6 năm 1992. Người đầu tiên phát hiện đề cao bà Mẫu Liễu Hạnh không phải ai khác ngoài cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, khi cụ đã 70 tuổi ngoài, từ cuộc gặp gỡ giữa Phùng sứ và Mẫu Liễu Hạnh ở xứ Lạng năm 1597 – 1598 đến cuộc hội ngộ xướng họa thơ ca giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng, cử nhân Lý, tú tài Ngô ở Tây Hồ sau thời gian cụ Phùng đi sứ về (1598 - 1607). Và sau đó ghi lên giấy trắng mực đen chuyện Mẫu Liễu Hạnh và cụ Trạng Bùng là Hồng Hà nữ sử Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) với Vân Cát thần nữ truyện trong sách Truyền kỳ tân phả.

Việc phá đền sòng - Phố Cát của Mẫu Liễu Hạnh rồi lại phải xây lại Đền cho Mẫu ở thời Lê - Trịnh khoảng niên hiệu Dương Hòa (1635). Cảnh Trị (1663) là một thất bại đắng cay của nền Quân chủ Nho giáo trước tín ngưỡng dân tộc - dân gian về Mẫu Liễu Hạnh.

4) Cũng chỉ từ thế kỷ XVI, phản ứng với việc dìm dập họ Trần của nhà Lê ở thế kỷ XV (từ Lê Lợi giết Trần Cảo đến Lê Thánh Tông bắt đổi họ Trần thành Trình) mà nảy sinh ĐẠO NỘI hay Đạo giáo dân Việt Nam với ĐỨC THÀNH TRẦN (cùng việc thánh hóa cả Phạm Ngũ Lão cùng phu nhân công chúa con gái Trần Hưng Đạo). Thế là từ thế kỷ XVI trở đi hình thành thế đối ứng của Đạo giáo dân gian Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ với tục lệ:

“THÁNG TÁM GIỖ CHA (đức thánh Trần)
l
THÁNG BA GIỖ MẸ (đức Mẫu Liễu Hạnh)”.

Và cả “CHA” cả “MẸ” của DÂN GIAN đều họ Trần!

5) Giới Folklore học và khoa học về tôn giáo Việt Nam luôn luôn nói đến “TỨ BẤT TỬ” song chưa bao giờ họ nói đến xuất xứ của các vị này.
Tác phẩm mới nhất về Tứ bất tử của 2 GS Vũ Ngọc Khanh, Ngô Đức Thịnh cũng vậy(43).

Tín ngưỡng về Sơn Tinh – Thánh Tản đã xuất hiện trong Sử sách từ đời Lý(44), rồi đời Trần(45).

Tín ngưỡng về Thánh Gióng cũng vậy, được đề cao từ Lý Thái Tổ(46).

Vị trí bất tử thứ ba, vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung không hề có trong Việt điện u linh tập (1329) mà chỉ xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái đầu thế kỷ XVI. Đây là một thế kỷ của Dân chài và Thương nghiệp thuyền mảng, một thế kỷ “mở cửa” của Đại Việt buôn bán với nước ngoài, cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Tôi đã đi khảo sát các làng - buôn của Việt Nam dọc lưu vực sông Hồng và hơn nửa thập kỷ trước đây, tôi đã viết bài để nhận ra một sự thực: vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung được thờ như TỔ SƯ NGHỀ BUÔN VIỆT NAM không khác gì Đền thờ Yết Kiêu ở Gia Lộc xứ Hải Đông được coi là tổ đình của các vạn chài.

Còn vị tứ bất tử thứ 4 và cuối cùng của Việt Nam MẪU LIỄU HẠNH, thì chắc chắn là tác phẩm của thế kỷ XVI và gắn với Trạng Bùng đạo sĩ (chứ không phải tiến sĩ Nho Phùng Khắc Khoan) một cách gần như hữu cơ!

Theo tôi Mẫu Liễu Hạnh là sự “tổng dung” của mọi Mẫu, nữ thần Việt - Hoa - Chăm, Phật bà Quan Âm, - và cả - hình ảnh Đức Mẹ Maria!

VÀI LỜI TẠM KẾT
1. Về mặt chính trị, thế kỷ XVI - XVII là thế kỷ suy đồi của nền Quân chủ - Nho giáo. Từ đây cho đến đầu thế kỷ XIX nền thống nhất Đại Việt đã bị chia cắt bởi các thế lực địa phương, quân phiệt – quan liêu, khi 2, khi 3, khi 4… VÙNG – MIỀN là một thế lực địa lý – chính trị - văn hóa dân gian Việt Nam cổ truyền.

2. Về mặt quân sự, thế kỷ XVI là một thời kỳ nội chiến loạn lạc liên miên, kéo dài sang cả thế kỷ XVIII. Câu thơ Chinh phụ ngâm khúc thế kỷ XVIII:

Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây.

Có giá trị văn chương chứ không hề là “sự thực lịch sử”.

3. Về mặt văn hóa – xã hội, thế kỷ XVI – XVII… là những thế kỷ của nền văn hóa và tôn giáo dân gian, nổi dậy cưỡng chống lại văn hóa cung đình nho giáo.

4. Về tư tưởng hệ (Ideology), đây là thời khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho, được triều Lê lấy làm hệ tư tưởng chính thống.

Phật giáo, Đạo giáo dân gian trỗi dậy sau 100 năm triều Hậu Lê muốn độc tôn Nho giáo.

Đây cũng là thời kỳ mở đầu việc truyền bá Đạo Thiên chúa trên đất Việt, từ miệt biển lên dần mặt cao, ngược lưu vực các sông.

Thế kỷ đảo lộn xã hội, trớ trêu thay, hay là dùng quy luật thay, lại là thế kỷ nảy sinh nhiều bậc kỹ - nữ, nhân tài mà tôi gọi là những “cuộc đời ngoại hạng”. Trạng Bùng - Mẫu Liễu Hạnh… là những vì tinh tú trong “thế giới ngoại hạng” ấy!

(34) Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử, đã dẫn, trang 276.

Cũng xem Toàn thư, tập IV, đã dẫn, trang 126.

(35) Bùi Duy Tân - Ngọc Liễn - Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, Hà Sơn Bình, 1979 trang 39

Trần Lê Sáng - Sách đã dẫn, trang 23 viết rất nặng lời: “Nhưng Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã gây lên sự phẫn nộ lớn trong nhân dân khi vua này dẫn quần thần lên tận biên giới, cởi trần tự trói, quỳ trước mặt một viên quan nhà Minh, cắt đất dâng cho nhà Minh. Lịch sử không tha thứ cho việc làm nhục nhà này của nhà Mạc”. Ông còn viết: “Suốt 5 đời nhà Mạc ở Đông Đô, kéo dài từ năm 1527 đến năm 1592 đều luôn luôn tỏ ra thần phục nhà Minh”! Tôi sẽ có bài trả lời chi tiết về vấn đề này.

(37) Toàn thư – (bản dịch của Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính chú giải và khảo chứng). Tập IV. Đã dẫn, trang 122, chú giải số 132 của cụ Đào khảo Minh sử, quyển 321 và khảo chứng không tỉ mỉ.

(38) P. Huard và M. Durand – Connaissance du Vietnam – (tiếng Pháp: Nhận thức về Việt Nam) EFEO, Hà Nội, 1953

(39) Nguyễn Siêu -  Phương Đình Dư địa chí (bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh, Tự do, Sài Gòn, 1960, trang 237 – 238).

(40) Toàn thư, - tập IV, đã dẫn, trang 226.

(41) Câu đối ở phủ Tây Hồ - Hà Nội, một trung tâm thờ Mẫu nổi danh.

(42) Vân thương thánh mẫu tam vị đại tử tôn.

Vân Hương chánh nhất vị thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa, Sài Gòn, Huế, Giáp Thìn, 1964. Theo sách này Mẫu Liễu Hạnh “giáng trần” lần thứ nhất từ thế kỷ XV ở Quảng Nẹp (xã Trần Xá cũ, huyện Đại An (Vụ Bản), phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam).

(43) Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh – Tứ bất tử. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1990, 132 trang khổ 13 x 19.

(44) Xem Việt sử lược – quyển 2, 3 (Bản dịch của Trần Quốc Vượng) Nxb Sử học, Hà Nội, 1960. Tác phẩm này xuất hiện ở cuối thế kỷ XIV.

(45) Lý Tế Xuyên – Viện điện u linh tập. Sách đã dẫn. Truyện thánh Tản Viên.

(46) Xem Trần Quốc Vượng – The legend of ông Gióng, from the texts to the field (tiếng Anh): Huyền tích về ông Gióng, từ thư tịch đến điền dã, Cornell University, New York, 1991.

Giáo sư Trần Quốc Vượng

Bài viết được lấy từ cuốn sách  “Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại”
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)
anh_trangbung_t9.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét