Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

KHÍ CÔNG VIỆT VÕ ĐẠO 越南神仙



越南神仙

THẦN TIÊN VIỆT NAM
KHÍ CÔNG
VSCM Lê Sáng

 Sự sống bao gồm hoạt động và nghỉ ngơi. Các xúc động tâm lý, những căng thẳng thần kinh sẽ gây sự cản trở hoạt động và nghỉ ngơi. Không phát huy được khả năng, thiếu bền bỉ dẻo dai, không sáng suốt nhận định đều do những căng thẳng, những xúc động gây ra. Hoạt động như vậy khó đạt được hiệu quả. Thân xác không hoạt động, trong lòng lại đầy những tính toán lo âu, là nghỉ ngơi không trọn vẹn, sinh lực chẳng được phục hồi. Hoạt động nghỉ ngơi như vậy, cuộc sống của ta khó có an vui hạnh phúc. Qua thực nghiệm, người xưa đã tìm ra và khoa học ngày nay đã công nhận: với sự luyện tập khí công, nhịp tim sẽ được điều hòa để bộ máy tâm sinh lý được cân bằng ổn dịnh. Chỉ trong cân bằng ổn định, sự hoạt động nghỉ ngơi mới được trọn vẹn.
Khí công gồm hai phần: Tĩnh luyện và động luyện.
Khí Công Tĩnh Luyện có thể tập ở hai tư thế: Ngồi hoặc nằm.
Trong tư thế ngồi, ta xếp bằng hoặc cài chéo hai chân vào nhau, hai bàn tay úp xuống đùi, cánh tay ép vào lườn, xương sống thẳng để khí huyết dễ luân lưu, mắt nhắm chủ tâm vào tam tinh là vùng giữa hai chân mày, đối chiếu với não, đó là vùng suy nghĩ của não bộ. Chủ tâm vào vùng này khi luyện khí, lâu ngày ta sẽ làm chủ đươc tư tưởng của mình và có khả năng tập trung tư tưởng cao.
Trong tư thế nằm, ta nằm ngửa, hai tay để xuôi theo thân, bàn tay úp, mắt nhắm, chú tâm vào vùng rốn. Chú tâm vào vùng này khi nằm luyện khí, huyết sẽ dồn xuống bụng làm thần kinh bớt căng thẳng. Nhờ vậy ta dễ đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ êm sâu.
Tập khí ở hai tư thế này, mắt phải nhắm lại, môi khép kín, lưỡi co lên hàm trên để kích thích sự hoạt động của tuyến nước miếng là phương dược trong cơ thể con người giúp chận bớt các chứng sưng gan, tim lớn và ngăn   chận được các chứng loét bao tử, thực quản.
Khí Công Động Luyện: Nhu khí công quyền. Thí dụ: bài Nhu khí công quyền 1 với lối thở hai thì của Việt Võ Đạo.
Như tên gọi đây là bài tập kết hợp hơi thở với các động tác co duỗi của tay, di động của chân với sự làm mềm tối   đa các cơ bắp khi vận động. Nếu dày công tập luyện sẽ có khả năng làm chủ tâm ý, biết giảm bớt căng thẳng từ đó sẽ có sự sáng suốt, bền bỉ dẻo dai khi hoạt động, khi làm việc tay chân hoặc trí óc. Lúc luyện tập các bài nhu khí, phải chú tâm vào các động tác để cảm nhận được sự co duỗi của các cơ bắp, môi khép, lưỡi để tự nhiên, hít thở bằng mũi, hơi thở ăn nhịp với động tác, chú ý làm mềm các cơ vùng mặt và cơ bàn tay dể có; sự nhẹ nhàng thư thái trong tâm khí vận động.
Tập khí công là tập thở bằng bụng: Hít vào phình bụng lên, thở ra thóp bụng lại.
Hít thở bằng mũi. Hơi dài ngắn tùy sức, nhưng phải êm nhẹ, thời gian vào ra của hơi thở bằng nhau. Đây là phương pháp khí công tu dưỡng nên ngoài các cơ bắp giúp vùng bụng phình lên, hóp lại giúp tay chân chuyển động các cơ bắp khác, nhất là các cơ bắp vùng mặt và cơ bản tay phải làm mềm tối đa.
Để đáp ứng nhu cầu hoạt động nghỉ ngơi của con người, như đã trình bày, khí công gồm hai phần: động luyện và tĩnh luyện. Dù động hay tĩnh đều có thể cương hoặc nhu luyện. Khí công cương luyện là hít thở kết hợp sự căng cứng toàn bộ hay từng phần cơ bắp. Và sự tập trung cao độ của thần kinh vào vùng cơ bắp căng cứng. Đó là dùng lực để vận khí và phương pháp này tạo sức mạnh về thần chất cho người tập luyện. Khí công nhu luyện là hít thở đi đôi với sự làm mềm các cơ bắp, tạo êm dịu cho hệ thần kinh. Các cơ bắp khi ở trạng thái mềm tối đa, cơ thể con người được nghỉ ngơi trọn vẹn và sinh lực được mau chóng phục hồi. Khí công nhu luyện giúp người tập có một nhịp tim điều hòa, một hệ thần kinh ổn định, sự điềm tĩnh nhu hoà sẽ đến. Đó là sức mạnh tinh thần.
Khi luyện khí phải biết kết hợp cả động lẫn tĩnh, cả cương lẫn nhu. Tuy nhiên nếp sống ngày nay đã khiến mọi người đã quá hoạt động, gây ra quá nhiều sự căng thẳng về thần kinh nên cách tập thích hợp nhất cho mọi người là dù động hay tĩnh nên nhu luyện nhiều hơn để tái luyện cân bằng.
Có người nhờ luyện khí đã có những khả năng phi thường. Đó là trường hợp ít có. Những người này ngoài căn cốt đặc biệt còn phải trải qua một thời gian dài dồn toàn bộ tâm sức để luyện tập với các phương pháp vượt khỏi sức chịu đựng của mọi người. Cũng có những khả năng phi thường tự nhiên xuất hiện ở một số người. Khả năng siêu nhiên chính là tiềm năng của con người, có thể do tập luyện, cũng có thể do tự nhiên xuất hiện. Đây không phải là hiện tượng phổ biến.
Có nhiều lối luyện khí:
  • Hai thì: Nạp (hít vào), Xả (thở ra)
     
  • Ba thì: Nạp, Vận (nín thở lúc khí đầy phổi, đẩy khí đi toàn châu thân), Xả
     
  • Bốn thì: Nạp, Vận, Xả, Bề (ngưng thở lúc đã thở hết khí trời ra).
Các lối thở này, với sự điều chỉnh hơi thở ra vô, êm nhẹ, từ từ, dài lâu, giúp người tập có khả năng điều chỉnh được nhịp tim, chịu đựng được các tình trạng thiếu oxy hoặc tăng nồng độ carbonic trong máu, từ đó bắt buộc hệ thần kinh điều chỉnh cho thích nghi, tạo sức đề kháng để cơ thể có thể chống lại mọi thay đổi đột ngột của môi trường.
Khi tập thở, hơi thở ra vô dài ngắn, tùy theo sức chịu đựng của mỗi người. Kiên nhẫn tập luyện, hơi thở sẽ trở nên êm nhẹ, lâu dài, thong thả, nhịp thở ra vô sẽ đều nhau, nhịp tim được điều hòa, hoạt động của bộ máy tâm sinh lý sẽ cân bằng ổn định. Sự cân bằng này được biểu lộ qua tác phong điềm tĩnh nhu hòa, vô cầu.
Khi đã có sự cân bằng này rồi, nếu muốn, ta có thể luyện qua hơi thở ba thì, bốn thì.
Chỉ trong hoạt động, ta mới phải nín thở lấy sức, còn bình thường, lối thở hai thì là lối thở tự nhiên của mọi người. Ai cũng hít thở nhưng nếu không luyện khí, sự hít thở sẽ không hoàn chỉnh. Sự hít thở gọi là hoàn chỉnh khi cả lúc động cũng như cả lúc tĩnh hơi thở ra vô lúc nào cũng nhẹ êm, sâu dài, thong thả. Luyện khí ở tư thế nhu tĩnh, ta dễ chuyên chú vào khí để hoàn thiện, dễ làm chủ hơi thở của chính mình. Nhờ tập nhu khí ở tư thế tĩnh, ta sẽ dễ phát huy được công năng của các bào nhu khí, cương khí đối với bản thân khi luyện tập. Đó là sự kết hợp giữa động và tĩnh trong luyện khí. Nếu chuyên luyện nhu khí, sự trẻ trung tươi mát, sự bền bỉ dẻo dai, sự hồn nhiên vô tư, sự hiền hòa từ tốn, sự bao dung độ lượng sẽ đến với ta. Đây chính là cái đẹp bên ngoài của tinh thần Nhân Võ Đạo.
Vận động với nhịp độ nhanh, cường độ mạnh, cần tăng cường hô hấp nên đôi khi phải thở ra bằng miệng mới kịp. Tuy nhiên tốt nhất ta nên hít thở bằng mũi. Có những lý do sau đây:
- Mũi là bộ máy điều hòa không khí của cơ thể. Với những nếp gấp ở hốc mũi, không khí hít vào được tẩy bụi, hấp nóng, có khi lại được tiếp hơi ấm để đủ điều kiện cần thiết trước khi vào phổi. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, mũi do hô hấp nóng không khí hít vào, nhiệt độ bị giảm dần, sẽ bị lạnh. Điều này có thể gây sổ mũi hoặc sưng cuống phổi. Nếu thở ra bằng mũi hơi thở sẽ hoàn lại chất nhiệt cho mũi và như thế lại giúp nó làm tròn vai trò điều hoà không khí hít vào.
- Mũi có vai trò làm điều tiết lưu lượng không khí hít vào, thở ra và làm giảm tốc quá trình hô hấp. Hít vào bằng miệng, lẽ tất nhiên ta đưa nhanh chóng vào phổi một lượng lớn không khí và như thế dễ làm tổn thương nhiều phế nang tế nhị. Vả lại, nên hiểu rằng khi hít vào, phổi vừa hấp thụ không khí lẫn máu theo một tỷ lệ nhất định để giữ vững cân bằng cho môi trường bên trong. Thở bằng miệng thường làm thay đổi tỷ lệ đó và làm mất cân bằng cơ chế hô hấp vốn rất tinh tế. Thở bằng miệng chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp do cơ thể đòi hỏi.
- Những nếp gấp trong mũi được phủ dầy đầy dây thần kinh có mắc nối với nhiều cơ quan và các trọng tâm thần kinh. Gặp người bị ngất, cho họ ngửi amoniac hoặc giấm chua, họ có thể tỉnh ngay. Cơ thể con người cũng cần được kích thích bởi luồng không khí qua mũi.
Trong cơ thể con người, mạch là những ống dẫn huyết từ tim chạy ra khắp châu thân và ngược lại. Theo Đông y, ngoài mạch máu ra, còn có hệ thống kinh lạc. Kinh là những đường dây nối liền các huyệt trong châu thân theo một hàng dọc và lạc là những đường nối liền từ kinh nọ sang kinh kia, chạy theo hàng ngang. Có hai kinh chính là Nhâm Kinh và Đốc Kinh. Nhâm Kinh là đường kinh nối liền từ chỗ lõm ở môi dưới chạy thẳng xuống, qua lằn chỉ ở dịch hoàn đến hậu môn. Đốc kinh là đường kinh chạy từ đỉnh xương cùng lên đến đỉnh đầu trỏ ra trước mặt vượt qua rãnh dưới đầu mũi tới nuớu răng hàm trên. Khi luyện khí, hai môi nên khép lại cho Nhâm Kinh và Đốc Kinh được nối liền với nhau để khí dễ luân lưu. Ngoài ra, lưỡi co lên, chạm dốc giọng để kích thích sự hoạt động của các tuyến nước bọt. Theo y học thì nước miếng là phương thần dược trong cơ thể con người, có thể trị các chứng sưng gan: tim lớn, làm thần kinh mát dịu, nhất là những chứng lở loét bao tử thực quản. Chúng ta cũng thường thấy rằng một cái dàm hay xương cá chích vào chân răng, lưỡi miệng, chỉ trong hai, ba tiếng đồng hồ không nghe đau nhức nữa. Nếu da thịt bị như thế, ít nhất hai ba hôm mới hết, có khi lại lở thành mụn nữa.
Tập khí công là tập thở bằng bụng dưới hít vào, phình bụng, thở ra, hóp bụng, để kích thích vùng đan điền. Đông Y quan niệm đó là nơi tích tụ sinh lực của con người và khoa học ngày nay coi đó là vùng trọng tâm của thân thể. Khi kích thích đúng mức, sinh lực sẽ được phát huy. Nói cách khác, khi trọng tâm con người, do tập luyện trở về vị trí đan điền, tâm sinh lý được cân bằng. Trong trạng thái cân bằng, sinh lực sẽ được phát huy toàn vẹn. Nếu đã nắm vững hệ thống kinh mạch, ta có thể dùng tư tưởng để dẫn khí. Tuy nhiên, dùng ý dẫn khí sẽ sinh tâm lý nóng vội vì muốn mau chóng thành công, như vậy dễ đi đến tình trạng thái quá, dễ gây căng thẳng cho hệ thần kinh, hệ tim mạch bị loạn nhịp. Sinh lý bị xáo trộn do luyện khí, người xưa gọi là "tẩu hỏa nhập ma". Cách tập an toàn nhất cho tất cả mỗi người là tập với lòng thanh thản vô cầu, không dùng ý dẫn khí, chỉ thư giãn tối đa, tùy cơ thể tập; chú tâm vào từng vùng nào đó. Thí dụ: tập khí ở tư thế tĩnh tọa, chú tâm vào vùng giữa hai chân mày, ở tư thế nằm, chú tâm vào vùng rốn. Khi thở đúng mức, khai thông được hai kinh Nhâm, Đốc, luồng khí sẽ chu lưu khắp cơ thể theo hệ thống kinh lạc. Khi hít thở, dưỡng khí qua phế nang được máu hấp thụ, theo động mạch đi đến các cơ quan. Khi di chuyển theo đường kinh lạc là một thứ khí khác, người xưa gọi là: chân khí, tiên thiên khí, khí thái hư... Hấp thụ được luồng khí này, con người sẽ phát triển được các phẩm tính thanh cao, hướng thượng. Người tập có khả năng điều khí tốt khai thông được Nhâm Đốc Kinh, thì các bài nhu khí, cương khí sẽ giúp thúc đẩy, dẫn khí ra tứ chi. Khai thông kinh lạc là bước đầu của lĩnh vực khí công.
Tập khí công phải biết phối hợp giữa động với tĩnh, giữa cương với nhu, và đó là nguyên lý Cương Nhu Phối Triển của Vovinam-Việt Võ Đạo.


Khí Công Bài Một - Khái Lược về Khí Công
GS. Ngô Gia Hy - VS. Trần Huy Phong (1993)

 
Lời Giới Thiệu: Giáo sư Ngô Gia Hy là vị thầy trong ngành Y học Việt Nam. Hơn nữa thế kỷ qua, ngoài việc giảng dạy tại Đại Học Y Khoa, giáo sư còn nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm giá trị thuộc ngành Y, ngành Khoa Học Xã Hội và Khí Công Dưỡng Sinh Trị Liệu. Cho tới nay, giáo sư đã biên soạn 140 đề tài nghiên cứu khoa học, văn hóa và đỡ đầu cho hơn 90 luận án bác sĩ và luận án chuyên khoa. Trong thập niên gần đây, giáo sư Ngô Gia Hy đã dành nhiều thời giờ nghiên cứu, thực tập các trường phái Khí Công, dùng kiến thức khoa học lý giải và bổ sung các phương pháp luyện khí.
Bên cạnh giáo sư Ngô Gia Hy, võ sư Trần Huy Phong là một nhà giáo, một võ sư, môn đệ xuất sắc của Cố Võ Sư Nguyễn Lộc, người sáng lập Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo. Từ năm 1960, võ sư Trần Huy Phong đã trở thành một võ sư cao đẳng, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào Việt Võ Đạo tại Việt Nam và quốc tế. Võ sư Phong là chuyên gia khí công của Việt Võ Đạo. Ông quan niệm "Thuật và Khí phải song hành", nghĩa là cả hai đều quan trọng như nhau.
Giáo sư Ngô Gia Hy: Đã mấy chục năm qua, tôi và võ sư Trần Huy Phong từng có "duyên nợ" với nhau: đầu thập niên 70 chúng tôi cùng tham gia "Ủy Ban Vận Động Dựng Đền Quốc Tổ" và cùng chủ trương thành lập tại Saigon một Đại Học Tư Thục nhằm mục đích phục vụ cho lý tưởng giáo dục. Hiện nay tôi và võ sư Phong cùng với các giáo sư khác đứng ra thành lập Đại Học Tư Thục Hùng Vương tại Sài gòn.
Võ sư Phong là một võ sư cao cấp của Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo, là một bậc thầy về Khí Công của Môn Phái này. Tôi rất quan tâm và mến mộ các môn võ thuật, đặc biệt là môn Vovinam-Việt Võ Đạo, với võ sư Phong là một người có Tâm Chất thể hiện rõ nét Tinh Thần Võ Đạo Việt Nam. Nay tôi và võ sư Phong cùng biên soạn Tài Liệu Khí Công này nhằm giúp các bạn trẻ tham khảo và thực tập. Rất mong được sự góp ý của các độc giả xa gần.



Định Nghĩa
Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu trong khắp cơ thể theo các đường Kinh mạch vào Lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần, nhưng mắt ta không nhìn thấy được (không được lầm lẫn giữa Khí và Không Khí. Không khí là khí trời, là phương tiện để ta hô hấp trong lúc luyện Khí.)
Mỗi người sinh ra đều mang trong cơ thể một lượng khí nhất định, nhiều ít tuỳ theo từng người. Đó là Khí trời cho, tức Khí thụ hưởng từ cha mẹ, còn gọi là Tiên Thiên Khí hay Khí Bẩm Sinh. Ngoài Tiên Thiên Khí, hàng ngày con người còn tiếp thụ một lượng Khí từ bên ngoài vào cơ thể mình xuyên qua đồ ăn thức uống, không khí, ánh sáng, vũ trụ tuyến và môi trường sống nói chung. Loại khí này gọi là Hậu Thiên Khí (tức Khí Có Sau).
Khí Công: là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích luỹ và sử dụng hai loại khí nói trên. Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân Khí. Chân Khí thịnh thì người khỏe, khi suy thì người yếu, khi rối thì người bệnh, khi kiệt thì người chết.
Có thể nói, Khí Công là gốc của các phái võ Nội Gia, là căn cốt của mọi phương pháp dưỡng sinh Đông Á. Hình thành từ các Phép Đạo Dẫn của Đạo Gia, phối hợp với Môn Phái Thiền Tông Đạt Ma Sư Tổ, Khí Công triển khai qua dịch học đã trở nên rất phong phú và mỗi ngày một phát triển nhất là dựa vào Y học hiện đại. Lấy nguyên lý Quân Bình Âm Dương, Điều Hòa Ngũ Hành làm căn bản trong luyện khí. Khí Công làm gia tăng nội lực, một mục tiêu mà mọi Võ Gia đều mong muốn. Lại nữa, cũng trên căn bản này, các Võ Gia còn có thể tự trị bệnh và hơn thế, trị bệnh cho người khác, thể hiện Tinh Thần của Võ Đạo.
Phương pháp luyện tập Khí Công không khó, nhưng muốn luyện tập Khí Công thành tựu thì phải có quyết tâm cao và tốn nhiều công phu. Cũng ví như cách học làm thơ, cách chơi các nhạc cụ thì không khó nhưng muốn trở thành một thi sĩ, một nhạc sĩ có tài thì khó hơn. Chính vì vậy có người nói muốn luyện thành Khí Công thì phải có "cơ duyên". Nhưng điều chắc chắn là bất cứ ai nếu yêu thích Khí Công và kiên trì luyện tập theo đúng phương pháp thì cũng sẽ đạt được một kết quả nhất định, đủ để giúp cho thân thể kháng kiện, kịch phát năng lực bản thân, điều trị được nhiều loại bệnh tật của chính mình và của người khác như các loại bệnh về Tim mạch - Thần Kinh - Tê Thấp - Thận Suy - Các loại bệnh về hô hấp, tiêu hóa, các loại bệnh liên quan đến cột sống v.v... Tập Khí Công còn làm gia tăng tuổi thọ. Đối với các võ sinh luyện Khí Công còn tích lũy nội lực, tập trung tâm ý, ngõ hầu phát huy tối đa hiệu quả của đòn thế.
Kỷ Thuật Luyện Khí
Các phương pháp luyện khí thay đổi tùy theo các Trường Phái. Đại để có năm Trường Phái chính: Đạo Gia - Phật Gia - Y Gia - Võ Gia
1. Phương pháp của Đạo Gia chủ yếu tạo sự kháng kiện cả thể xác và tâm hồn. Phương pháp này dạy cách phát triển trau dồi Tâm Chất và sự sống. Nghĩa là nhấn mạnh cả về hai mặt: luyện tập và suy tưởng.
2. Phương pháp của Phật Gia đặt nặng về sự điều hòa phần Tâm, tức là gạt bỏ mọi tạp niệm để đầu óc trống rỗng, tiến đến giác ngộ.
3. Phương pháp của Khổng Gia lại nêu ra những "Nguyên Tắc Của Tâm Hồn!" Sự chân chính và sự rèn luyện các đức tính. Đưa người tập vào trạng thái nghỉ ngơi, an bình và yên tĩnh.
4. Phương pháp của Y Gia chủ trương dùng Khí Công để điều trị bệnh tật, bảo dưỡng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
5. Phương pháp của Võ Gia nhằm xây dựng sức mạnh cá nhân, biết chấn tĩnh tinh thần khi bị tấn công hoặc để công kích địch thủ. Mặc dầu phương pháp này cũng có chức năng bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ nhưng nó khác hẳn với các Trường Phái nói trên.
Tuy các phương pháp của các Trường Phái có sự khác biệt nhưng chúng vẫn không nằm ngoài ba nguyên tắc chính: Tĩnh Luyện, Động Luyện, và Tĩnh Động Luyện. Cả ba nguyên tắc này đều có 3 mặt: Luyện Tâm (tức Điều Tâm), Luyện Thở (tức Điều Tức) và Luyện Ngoại Hình (tức Điều Thân).

  • Luyện Tâm (Điều Tâm): Bắt buộc phải gạt bỏ mọi suy nghì, ưu tư và tình cảm để đầu óc trống rỗng hoặc phải tập trung ý niệm vào một điểm để đưa trí não vào một trạng thái đặc biệt. Cách luyện này gọi là Định Thần.
  • Luyện Thở (Điều Tức): Những bài tập thở gồm: Nạp Khí - Vận Khí - Xả Khí - Bế Khí, đều phải "nhẹ và sâu" (sẽ chỉ dẫn ở phần sau).
  • Luyện Ngoại Hình (Điều Thân): Gồm nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể qua nhiều tư thế, xuyên qua 6 cách: Đi - Đứng - Ngồi - Nằm - Quỳ - Thoa Bóp.
Bất kể luyện tập theo phương pháp nào, nếu tập bền bỉ và đúng phép thì chắc chắn sẽ đạt được một công phu đáng kể. Khí Công của Việt Võ Đạo tổng hợp các kinh nghiệm của nhiều Trường Phái khác nhau, chủ yếu để luyện Tâm + Thân theo nguyên lý "Cương Nhu Phối Triển." Cũng để tập trung sức mạnh của TÂM THÂN trong tự vệ chiến đấu, điều trị bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.
Phương pháp Khí Công trong võ thuật còn gọi là: Nội Công. Nội Công là phương pháp luyện tập những phần bên trong của cơ thể con người (không luyện cơ bắp như thể dục thể thao). Luyện bên trong tức là phương pháp luyện để:
  • Kinh mạch điều hòa (luyện Kinh Mạch).
  • Thần kinh vững mạnh (luyện Tâm).
  • Lục phủ ngũ tạng được kích phát và kháng kiện (luyện Phủ Tạng).
Muốn "luyện bên trong" chủ yếu là phải vận dụng hơi thở. Thở đúng phương pháp là cơ bản của việc luyện công. Thở tự nhiên hàng ngày là thở Vô Thức. Thở Nội Công là thở Có Ý Thức. Thở chủ động theo phương pháp đã được nghiên cứu công phu.
Cách Thở Nội Công:
A. Thở Bụng: là cách thở chủ yếu, trong Nội Công gọi là "Thở Thuận".

a. Trong khi luyện thở có thể Nằm - Ngồi - Đi - Đứng đều được cả, nhưng bao giờ cũng phải giữ cho xương sống thật thẳng.
  • Nằm: Trên một mặt bằng cứng (không nệm, không gối đầu) hai tay để úp xuôi theo thân mình.
  • Ngồi: Ngồi xếp bằng theo lối bán già hay kiết già tùy ý. Cũng có thể ngồi trên ghế, không dựa lưng, hai chân để xuôi xuống sàn một cách ngay ngắn, hai tay buông xuôi xuống hoặc để trên hai bắp vế. Giữ lưng thẳng góc với mặt ghế.
  • Đứng: Đứng thật thẳng như thế "Nghiêm" nhưng hai chân ngang rộng khoảng 25cm cho vững. Hai tay buông xuôi thoải mái, không co cứng cơ.
  • Đi: Hai chân di động nhưng giữ thân người thật thẳng.
Dù ở tư thế nào hai tay và hai vai đều buông lỏng thoải mái. Trước khi thở phải gạt bỏ tạp niệm. Tập trung ý vào   hơi thở.
Lưu ý: chữ Khí dùng ở đây chỉ là Khí Trời, tức Hơi Thở, không phải là Chân Khí như đã định nghĩa.
b. Thực Hành
  • Nạp Khí: Hít khí trời thẳng vào bụng dưới, tất nhiên bụng dưới sẽ căng lên.
  • Vận Khí: Nín thở, dồn hơi vào Đan Điền (cách vùng bụng dưới rốn khoảng 3-4cm) rồi dồn khí luân lưu theo Kinh Mạch.
  • Xả Khí: Thở ra hết, thót bụng lại, từ từ nhẹ nhàng cho hơi ra hết.
  • Bế Khí: Ngưng thở trong lúc bụng trống rỗng, nhíu cơ hậu môn lại và tưởng tượng khí của toàn cơ thể trở về Đan Điền.
Một vòng thở đủ bốn nhịp như thế gọi là Phép Thở 4 Thì.

Lưu ý:
1. Cả 4 thì đều phải: Êm, Nhẹ, Đều Đặn. Kết hợp co cơ và giãn cơ, nhưng giãn cơ là chính.
2. Tự điều hòa 4 nhịp sao cho vừa phải để cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
3. Nếu chỉ Nạp, Vận, và Xả mà không Bế Khí Í thì đó là phép thở 3 thì. Nếu chỉ Nạp và Xả không thôi thì đó là phép thở 2 thì. Các Đạo Gia thường áp dụng lối thở hai thì và lấy thư giãn là chủ yếu.
4. Những người bị bệnh do cao huyết áp, bệnh Tim mạch, bệnh Hen Suyễn chỉ nên thở 2 thì. Thở thật đều, nhẹ và êm.
B. Thở Ngực (Còn gọi là Thở Nghịch):
  • Lúc Nạp Khí, Ngực căng lên, Bụng thót lại.
  • Lúc Xả Khí, Ngực xẹp xuống, Bụng hơi phình ra.
Phép Thở Nghịch rất tốt cho Phế Nang Thượng, tạo sự cường tráng. Người mới tập thở mỗi ngày nên chia làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 5, 10 phút và thật đúng giờ, trong tư thế Đi - Đứng - Ngồi - Nằm đều được cả.
Khi đã thở quen, dần dần tăng thời gian tập lên. Những nhà Khí Công chuyên nghiệp họ thở hầu như suốt ngày, dĩ nhiên trừ lúc ăn no, làm việc nặng, ngủ nghỉ. Đây mới chỉ là những cách thở căn bản trong Khí Công. Thở đúng cách theo các tư thế khác nhau là chúng ta bắt đầu bước vào con đường luyện tập Khí Công hay Nội Công vậy.

Khí Công Bài Hai - Phương Pháp Luyện Khí
03-14-2002
-- VS Trần Huy Phong

 
Lời Tác GiảNăm 1993, tôi có viết một bài "Khái Lược Về Khí Công" cùng với giáo sư Ngô Gia Hy, đăng trong Đặc San Việt Võ Đạo nhân dịp kỷ niệm phái đoàn Pháp về thăm Việt Nam. Đặc san này đã có phổ biến khá rộng rãi. Trước khi vào bài hai "LUYỆN KHÍ", các bạn nên đọc lại bài "Khái Lược Về Khí Công" để có sự hiểu thấu đáo hơn.



Khí là nguồn năng lực sống của con người (vital energy). Có hai loại Khí: Khí Tiên Thiên do cha mẹ truyền thụ, Khí Hậu Thiên do ta tiếp thụ qua dinh dưỡng và môi trường sống. Khí luân lưu khắp cơ thể, qua các đường Kinh Mạch vào Lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần (các nhà khoa học đã dùng máy móc để thí nghiệm và xác minh điều đó), nhưng với mắt thường ta không nhìn thấy được. Không bao giờ được lầm lẫn Khí và Khí Trời (tức không khí), vì không khí (air) chỉ là một trong những phương tiện, dùng để hô hấp trong khi Luyện Khí. Võ lâm Trung Nguyên thường truyền tụng một câu nói rất nổi tiếng:
Lực bất đả quyền
Quyền bất đả công
Luyện vũ bất luyện công
Đáo lão nhất trường không
Có nghĩa là "người chỉ có sức khỏe không thôi thì không thể đánh người giỏi quyền pháp, và người có quyền pháp không thắng được người có Khí Công. Tập võ mà không luyện Khí Công thì khi về già sẽ không còn gì nữa".
Những Phương Pháp Thở Thông Thường
Để Chuẩn Bị Luyện Khí
Lưu ý: Thở đúng phương pháp là phần cơ bản của việc luyện Công. Thở hàng ngày là thở tự nhiên, thở vô thức. Thở Khí Công hay Nội Công là thở có ý thức, thở theo phương pháp. Các bài thở thông thường này, chưa cần thiết phải áp dụng những phương pháp Nhập Tĩnh, Thu Công.
Tư Thế: Trong khi luyện thở, có thể Nằm - Ngồi - Đứng đều được cả, nhưng bao giờ cũng phải cho đầu, cổ và xương sống thật thẳng thì Khí mới có thể lưu thông được.
1. Nằm: trên một mặt bằng và cứng (không nệm, không gối đầu), hai tay để úp, xuôi theo thân mình. Hai chân duỗi thẳng, gót chân chạm nhau, mũi bàn chân ngả ra hai bên. Tư thế nằm áp dụng cho những người sức khỏe quá yếu, hoặc những người thiếu máu, không thể ngồi lâu được.
2. Ngồi: ngồi xếp bằng theo lối bán già hay kiết già tùy ý, cũng có thể ngồi trên ghế, không dựa lưng, hai chân để xuôi xuống sàn một cách tự nhiên, ngay ngắn, hai tay buông xuôi xuống hoặc để trên hai bắp vế. Điều quan trọng là phải giữ cho đầu, cổ xương sống xuống đến hậu môn ở trên một đường thẳng. Ngồi là tư thế đúng nhất và tốt nhất cho việc Luyện KhíÍ.
3. Đứng: Hai chân đứng song song, dang rộng khoảng 25cm, cho vững, hai tay buông xuôi theo thân người, hai đầu gối hơi chùng xuống một chút, nặng ở hai gót chân, buông lỏng hai vai. Tư thế đứng dùng để tập luyện nhiều động tác quan trọng.
Dù ở tư thế nào, thân, vai, bụng đều buông lỏng, thoải mái. Trước khi thở phải gạt bỏ hết mọi ý nghĩ, tập trung tinh thần vào hơi thở. Trước khi Luyện Khí nên biết Thư Giãn. Không biết Thư Giãn thì kết quả Luyện Khí sẽ bị giới hạn rất nhiều:
a.  Thư giãn Cơ Bắp: buông lỏng tất cả dường gân, thớ thịt: từ đầu ngón tay cho tới tứ chi, vai, bụng và toàn thể thân người, coi như toàn thân mềm nhũn ra, không còn một trương lực nào cả.
b. Thư giãn Tâm Thần: để bộ não từ từ tan biến đi, không còn một ý thức nào nữa, không nghe, không thấy, không biết gì nữa, cứ để tâm chìm vào hư vô... Mới đầu khó thực hiện, nhưng sau sẽ quen dần.
Động tác Thư Giãn sẽ giúp ta thấy nhẹ nhàng, khoan thai, dễ chịu sau những giờ làm việc căng thẳng. Thư giãn thoải mái xong mới bắt đầu tập luyện.
I. Thở Bụng (còn gọi là thở Thuận):
1. Phương pháp thở bụng 2 thời liên tục: ngồi bán già hay kiết già, hay ngồi trên ghế hoặc đứng, hoặc nằm trên mặt phẳng và cứng, không gối đầu, mục đích giữ cho đầu, cổ, lưng thật thẳng, hai tay buông xuôi.
a. Nạp Khí: Từ từ hít hơi vào thẳng bụng dưới theo phương pháp: đều, nhẹ, êm, sâu (khi đầy, bụng hơi phình   ra).
b. Xả Khí: ngay khi đó, từ từ thở ra cũng đều- nhẹ - êm và thở ra hết.
Ghi chú quan trọng:
- Hít vào và thở ra đều bằng mũi.
- Công thức: mới tập theo công thức 3-3 (nghĩa là hít vào trong 3 giây và thở ra cũng đúng 3 giây, nghĩa là thở 10 vòng trong 1 phút. Cách đếm: ba trăm lẻ một, ba trăm lẻ hai, ba trăm lẻ ba... cứ đếm đều đặn là rất đúng, nếu cần lấy đồng hồ ra căn lại cách đếm cho chính xác hơn), dù ta có thể tập dài hơn cũng đừng cố, phải tập ít nhất trong 3 tuần lễ mới có thể tăng dần.
Về sau, khi đã tập luyện vững vàng rồi, ta có thể theo công thức: 5-5 (tức 5 vòng thở ra một phút) hoặc 6-6 (tức   6 vòng thở trong một phút). Một người bình thường, thở trung bình 15 vòng trong 1 phút, nếu nay ta thở chỉ còn 10 vòng/phút là đã khá tốt rồi.
So sánh với nhịp thở của một loài động vật: gà mái 30 nhịp/phút, chó 28 nhịp/phút, mèo 24 nhịp/phút, ngựa 16 nhịp/phút, rùa 2 nhịp/phút. Nếu nhiều công phu tập luyện, sau này ta có thể thở từ 2 nhịp hay 1 nhịp trong một phút thì tuổi thọ của ta có thể tăng lên như loài rùa. Mặt khác, khi thở chậm, nhịp tim cũng sẽ đập chậm lại và đều hơn. Giả thử nhịp tim đang từ 90 giảm xuống 60 lần/phút, tức là tiết giảm được 30 lần/phút. Nếu tính trong một năm thì sẽ tiết giảm được:
30 lần x 60 x 24 x 365 ngày = 15,768,000 lần. Tập đúng: thân thể tráng kiện, da mặt hồng hào, sáng láng, mắt sáng, tinh thần thoải mái dễ chịu.
Tập sai: Nồng độ CO2 trong máu quá cao, gây ra các triệu chứng dễ nhức đỉnh đầu và vùng gáy. Tim bị hồi hộp, ăn không tiêu... gặp trường hợp này, xả trong một tuần lễ sẽ khỏi (xem cách XẢ ở phần Thụ Công - đoạn chót bài 4).
2. Phương pháp thở bụng 3 thời: công thức 3-3-3 hoặc 4-4-4. Nghĩa là Nạp Khí trong 3 giây. Sau đó dồn khí xuống Đan Điền (tức huyệt Khí Hải - cách lỗ rốn khoảng từ 3 tới 4 cm), ngưng tụ khí tại đó trong 3 giây, làm cho đan điền căng lên, đồng thời ta nhíu hậu môn và đường tiểu tiện lại. Sau đó, buông lỏng tất cả và từ từ Xả Khí ra   trong 3 giây, cho không khí ra hết, xả xong lại tiếp tục Nạp Khí, thở cho vòng kế tiếp, liên tục không ngừng. Sự ngưng tụ khí tại Đan Điền này rất quan trọng sẽ giải thích sau.
3. Phương pháp thở bụng 4 thời: công thức 3-3-3-3 về sau khi thở đã quen có thể áp dụng công thức 4-4-4-4 hoặc cao hơn nữa (nhưng đừng cố quá sẽ có hại!). Nạp trong 3 giây, ngưng tụ tại Đan Điền trong 3 giây, nhíu hậu môn và đường tiểu tiện lại, như nói ở đoạn trên. Sau đó buông lỏng tất cả, Xả (tức thở ra nhẹ, đều, êm trong 3 giây cho hết không khí). Khi bụng đã xẹp hết hơi, ta Bế Khí, tức là ngưng thở hoàn toàn, để bụng trống rỗng trong 3 giây... rồi lại tiếp tục Nạp Khí cho vòng kế tiếp.
Ghi chú: Việc thở phải điều hòa, liên tục, nhịp nhàng và bao giờ cũng phải Êm - Nhẹ - Đều - Dài. Thở hấp tấp, vội vàng, cốt cho đủ số là hoàn toàn vô ích!
Nên khai thác triệt để hơi thở trong ngày: nếu ta chỉ tập thở trong những buổi chính thức theo đúng nghi thức, thì nhiều lắm, mỗi ngày, ta cũng chỉ tập được hai buổi (mỗi buổi khoảng nửa giờ mà thôi) và tất nhiên kết quả chỉ có giới hạn. Nhưng theo lối thở phổ thông trình bày ở trên, ta có thể thở bất cứ lúc nào, bất cứ tại đâu, tại văn phòng, trong xưởng, trong phòng khách, tại nơi đang làm việc v.v... Ta khai thác được rất nhiều dịp thở trong ngày mà những người xung quanh không hay biết, theo kiểu "tích tiểu thành đại", lâu dần thành thói quen. Càng thở nhiều càng thấy thoải mái dễ chịu không bị mệt mỏi, căng thẳng, chán nản, mất tinh thần... Tất nhiên không nên thở lúc ăn no, uống say hoặc lúc làm việc nặng.
II. Thở Ngực (còn gọi là thở nghịch):
Đây là phương pháp thở phổ thông trong các môn thể thao, điền kinh của Tây phương.
1. Phương Pháp:
Khi Nạp Khí, ta dồn không khí lên ngực trên, bụng sẽ thót lại. Lúc Xả Khí, ngực sẽ xẹp xuống, bụng hơi phình ra. Phép thở nghịch tốt cho Phế Nang Thượng, làm cho ngực nở nang, nhưng không hữu dụng cho phương pháp tập KHÍ CÔNG.
2. Lý giải theo Y-học Tây phương:
Khi ta tập các cơ bắp như tập tay, tập chân, tập cổ, tập ngực v.v... ta thường dùng các dụng cụ như tạ, dây kéo, para fix, parallel, hoặc hít đất, nhẩy xổm, bơi lội v.v... Nhưng nếu ta muốn tập các bộ phận bên trong như Tim, Gan, Tì, Phế, Thận (ngũ tạng) hoặc Dạ Dầy, Mật, Bàng Quan, Tam Tiêu, Ruột Non, Ruột Già (lục phủ)... nhất là các Kinh Mạch và Thần Kinh, thì chúng ta tập ra sao?
Người xưa dạy ta tập bằng cách Thở Khí Công: khi ta Nạp không khí vào phần Hạ Phế (phổi dưới) - nói là thở Bụng, nhưng thực tế, không bao giờ không khí có thể vào thẳng bụng được. Không khí vào phần Phổi dưới, nó sẽ nở ra, đẩy Cơ Hoành và Cơ Bụng xuống, làm cho Lục Phủ Ngũ Tạng bị ép nhẹ xuống. Khi ta Xả Khí, Cơ Hoành và Cơ Bụng lại nâng Lục Phủ Ngũ Tạng lên. Như vậy, toàn bộ các cơ quan trong người ta cứ liên tục bị nhồi lên, ép xuống một cách nhẹ nhàng, nhu nhuyễn, như vậy các bộ phận bên trong của ta đã được "thoa bóp bằng hơi một cách vô cùng êm ái". Nói cách khác, Lục Phủ Ngũ Tạng của ta đã được tập luyện bằng những đệm hơi rất vi tế. Một khi các bộ phận trong người đã được tập có phương pháp như thế thì tất nhiên chúng sẽ trở nên linh hoạt, không bị u trệ và hoạt động tốt hơn, do đó Kinh Mạch của ta sẽ vận hành đều hòa hơn. Mặt khác, vì phải tập trung tinh thần, không suy nghĩ vẩn vơ, điều này sẽ giúp cho Thần Kinh của chúng ta vững vàng, Tâm không bị giao động, âm dương được quân bình.
Tập như thế, tức là Tập Bên Trong - Công Phu Tập Luyện Bên Trong- Tức là Tập Nội Công vậy.
Ghi chú: Nếu chịu khó tập Thở Nội Công liên tục đều dặn, sau 3 tháng sẽ có kết quả cụ thể: người khỏe mạnh, năng động, vui tươi, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, giảm huyết áp (nếu có), ăn uống, tiêu hóa tốt, sinh lý mạnh và có thể chữa khỏi những chứng bệnh thông thường...

Khí Công Bài Ba - Luyện Khí
VS Trần Huy Phong

 
Lời mở đầu: Khí công có nhiều Nhà, nhiều Phái. Tại Trung Quốc hiện có tới 3000 trung tâm đang học tập và nghiên cứu Khí Công và ít nhất cũng có 18 Viện Đại Học đang dùng các phương pháp Khoa Học để nghiên cứu Khí Công. Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao Đại... đã dùng máy phát tia hồng ngoại đo được sự biến đổi nhiệt độ khi võ sư phát công. Các nhà bác học dùng máy quang phổ tử ngoại đo độ kiềm của DNA và RNA, khi có tác động của KHÍ CÔNG, đều thay đổi đến mức làm thay vật mẫu.
Trong công nghiệp cần áp xuất hàng trăm Atmosphere và ở nhiệt độ 300 độ C để hỗn hợp hydro với carbon, nhưng khi có tác động của Khí Công thì phản ứng có thể xảy ra ở điều kiện 01 Atmosphere và 13 độ C. Tại đại học Đài Bắc, Giáo sư Lý Tự Sầm, Chủ Nhiệm Khoa Học Điện Cơ đã dùng khoa học nghiên cứu được những thành tựu cụ thể về môn Khí Công như có khả năng chữa được một số bệnh cho người khác, ngay cả từ xa và ngược lại, võ sư cũng có thể dùng sát khí để giết hại đối thủ từ xa...



Khí Công của Vovinam-Việt Võ Đạo, tổng hợp kinh nghiệm của nhiều Trường Phái khác nhau, nhưng có những nét đặc thù riêng, mục đích để luyện Tâm + Thân theo nguyên lý Cương Nhu Phối Triển. Chủ yếu luyện Khí Công để Dưỡng sinh, bảo kiện, tăng cường thể lực để tự chữa một số bệnh cho chính bản thân và nếu khá hơn, có thể phát công để trị bệnh cho người khác. Đặc biệt là có khả năng tập trung sức mạnh của Tâm Thân, áp   dụng trong tự vệ và chiến đấu.
Tôi đã dự định viết một cuốn "Nội Công Nhập Môn Việt Võ Đạo" từ mấy năm trước, nhưng không may tôi bị lâm trọng bệnh, nên chưa thực hiện được. Do yêu cầu của một số môn sinh, đề nghị tôi viết tiếp một vài bài nữa sau bài "Khái Lược Về Khí Công" đăng trong tập san Việt Võ Đạo - Trở Về Nguồn xuất bản năm 1993. Mặc dù đang tiếp tục điều trị bệnh tại Pháp (đợt 3), tôi cũng cố gắng đáp ứng lời yêu cầu của các bạn.
1. Môi Trường Tập:
Môi trường tập rất quan trọng, để tránh những tác động của khung cảnh từ bên ngoài có thể tác động không tốt vào cơ thể.
Không gian: Yên tĩnh - Sạch sẽ - Thoáng mát (đừng để bị ngoại cảnh quấy rầy, nhất là những thứ ảnh hưởng tới Ngũ Quan và cần nơi an toàn...) Không nên ngồi tập chỗ có gió lùa. Khi trời giông bão, sấm sét, mưa to, điện trường xung quanh biến động quá nhanh. Nên ngồi tập trên một tấm chiếu hay một tấm mền mỏng.
Thời gian: Người xưa chia thời gian theo giờ sinh thái rất phức tạp, ngày nay ít ai theo được. Tốt nhất là nên tập vào lúc bình minh, hoặc vào những giờ rảnh rỗi, không bị công việc chi phối là được.
 
  • Không nên luyện công trong lúc ăn no, uống say, chỉ tập khi bụng đã nhẹ (sau bữa ăn khoảng 2 giờ).
  • Không tập khi đau yếu, hoặc khi làm việc quá mệt mỏi.
  • Không giao hợp trước và sau buổi tập.
  • Uống một ly nước đun sôi để nguội trước và sau buổi tập.
2. Chuẩn bị tư tưởng:
Trước khi tập thở Nội Công, điều quan trọng trước hết là phải chuẩn bị Ý Niệm và Tư Tưởng: hãy buông bỏ tất cả... không còn hình ảnh nào vương vấn trong tâm ta nữa, không lo lắng, ưu tư, yêu ghét gì nữa... cuộc đời dù có ghê gớm đến đâu, ta cũng nên "vứt bỏ ra ngoài trong chốt lát, để Tâm được thực sự an bình, thư thái (điều Tâm).
3. Tư thế mẫu:
Hướng ngồi nên theo hướng Nam Bắc (quay mặt về hướng Bắc cho hợp với Địa từ, nhưng cũng không cần quan trọng hóa). Ngồi kiết già hay bán già đều được cả, miễn sao thấy thoải mái. Áp dụng các nguyên tắc sau:
  • Lưng thẳng, cổ thẳng, đầu ngay ngắn, cằm hơi thu lại.
     
  • Bụng lỏng, hai vai và hai tay buông lỏng, toàn thân thư giãn (điều thân) cho hai mạch Nhâm Đốc và 12 kinh thông.
     
  • Miệng ngậm để giữ Khí, lưỡi cong đặt trên vòm ếch để thông giữa hai mạch Nhâm Đốc, nếu có nước miếng thì nuốt đi.
     
  • Hai lòng bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt ở vị trí bụng dưới. Con Trai tay trái chồng lên trên, con Gái tay phải chồng lên trên.
     
  • Mắt nhắm để định thần, tư tưởng tập trung dùng Ý dẫn Khí, vì vậy phải thuộc vị trí của các đại huyệt (coi bảng hướng dẫn).
     
  • Đầu tiên hơi thở phải tự nhiên, đều đặn (điều Tức).
     
  • Nhập Tĩnh: Tập trung tinh thần, ta nhẩm đọc bài Kệ, trong ý:
Lưng thẳng, vai mềm, bụng lỏng ra,
Gát phăng ý nghĩ khỏi đầu ta,
Điều hơi, vận khí theo phương pháp,
Óc cố, tâm yên, tiến rất xa.
(Óc cố có nghĩa là đầu óc chỉ tập trung cố định vào một điểm như hơi thở chẳng hạn).
Nếu Tâm vẫn chưa thực sự yên tĩnh, ta nhẩm đọc bài Kệ sau đây:
Chẳng mừng giận, cũng không yêu ghét,
Chẳng thương xót, cũng không lo buồn,
Đã không ham muốn, có chi sợ hãi,
Để lòng thanh thản, an nhiên tự tại.
4. Luyện Công:
Khi Tâm hồn đã thực sự đi vào yên tĩnh và thoải mái, ta bắt đầu luyện Công theo phương pháp 3 thời hoặc 4 thời, nhưng theo các nguyên tắc sau đây: 3-6-3.
  • Mượn hơi thở không khí bằng mũi, thở Nhẹ - Êm - Dài, nhưng thực tế dùng ý thở bằng toàn thân.
     
  • Tất nhiên vẫn thở như bài luyện thở Nội Công số 2, nhưng không quan tâm nhiều đến hơi thở (bằng khí trời) như trước mà thở gần như vô thức. Nhưng điểm chủ yếu là Thở Bằng Ý, thở bằng tất cả các huyệt đạo, bắt đầu thở từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu), thở bằng tất cả các huyệt cao trên đầu, thở bằng lỗ tai, thở bằng các huyệt Dũng Tuyền (giữa gan bàn chân), bằng các huyệt Lao Cung (giữa gan bàn tay), thở bằng tất cả những lỗ chân lông, dưới hạ bàn, từ hậu môn, bộ phận sinh dục, từ huyệt Hội Âm, Trường Cường và các huyệt đạo khác... ta hấp thụ được Địa Khí v.v.. nghĩa là toàn thân đều thở. Thở như thế, có nghĩa là toàn bộ cơ thể ta đã được hấp thụ được nhiều Tinh Khí của trời đất, của Vũ Trụ, của các tia alfa, các tia điện từ của trái đất và các hành tinh khác...
Ta dồn tất cả các khí "Âm Dương" của trời đất ấy, tích tụ vào Đan Điền, nén thành một trái cầu ngũ sắc, to như một quả cam. Ta vận hành cho trái cầu này quay tròn trong Đan Điền, theo chiều quay của kim đồng hồ và ngược lại. Trái cầu này sẽ phát ánh sáng, soi sáng Lục Phủ Ngũ Tạng của ta, rồi soi sáng khắp các Kinh Mạch và cơ thể ta, có thể đó chỉ là do ta tưởng tượng ra mà cũng có thể là thật. Ánh sáng đó mỗi lúc một sáng, soi toả khắp cơ quan trong người. Hiện tượng này có thể chỉ là ý niệm, nhưng cũng có thể là sự thật. Người Tây phương sẽ khó có thể cảm nhận được hiện tượng này.
Trái cầu ấy chính là Khí Hậu Thiên của Trời Đất, kết hợp với Khí Tiên Thiên vốn đã sẵn có trong cơ thể ta để tăng cường, phối hợp, làm thành Chân Khí, mà Chân Khí là cái gốc của sự sống, nó lưu hành, cung ứng cho các Kinh Mạch và Nội Tạng của ta. Trái cầu "Chân Khí" đó, sau khi cung ứng cho các nội tạng và Kinh Mạch, nó sẽ mờ dần và nhỏ dần, chỉ còn là một điểm sáng... Nhưng sau đó ta lại tiếp tục thở, tiếp tục Nạp... trái cầu lại càng lớn và sáng trở lại... và cứ thế tiếp tục mãi cho đến hết buổi tập. Trung bình, mỗi buổi tập ít nhất cũng phải kéo dài trong 30 phút, ta sẽ tiếp thụ được thêm Chân Khí.

Khí Công Bài Bốn - Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên
VS Trần Huy Phong

 
Ghi chú: Vòng Tiểu Chu Thiên (còn gọi là Vòng Nhâm Đốc Mạch) xưa kia được coi như một phương pháp Khí Công bí truyền vì Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên duy trì sự quân bình Âm Dương. Khí luôn vận hành theo vòng khép   kín, không bao giờ ngừng, tầm mức tác dụng rất cao vào toàn bộ Kinh Mạch và chức năng của Phủ Tạng.
Hướng đi của hai mạch Nhâm Đốc:
  • Mạch Nhâm thuộc Âm (thuộc phía trước thân ngực, bụng của ta).
  • Mạch Đốc thuộc Dương (thuộc phía sau lưng, chạy qua đỉnh đầu của ta).
Theo luật Âm giáng (đi xuống), Dương thăng (đi lên) thì:
  • Mạch Nhâm sẽ đi từ huyệt Thừa Tương (huyệt nằm ở giữa cằm, cách môi dưới độ 1cm), đi xuống theo đường giữa bụng, xuống đến huyệt Hội Âm (huyệt Hội Âm nằm ở chính giữa bộ phận sinh dục và hậu môn).
  • Mạch Đốc sẽ đi ngược lên, đi từ huyệt Trường Cường (huyệt này nằm ở điểm chót của đốt cột sống cuối cùng, ngay đầu hậu môn), chạy ngược lên, qua đỉnh đầu, xuống tới huyệt Ngân Giao (là huyệt nằm ở chính giữa vòm miệng, thường gọi là hàm ếch).
Vì vậy, trong tập luyện vòng Tiểu Chu Thiên, cũng như luyện các phương pháp Khí Công khác, lưỡi luôn phải uốn cong, đặt lên nóc hàm ếch, tại vùng huyệt Ngân Giao, nhằm khép kín vòng Âm Dương, để Khí không bị phân tán.
Nhập Tĩnh: Ngồi bán già hay kiết già, hoặc ngồi trên ghế, từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu) qua sống lưng, xuống huyệt Hội Âm đều nằm trên một trục thẳng.
I. Luyện Nhâm Mạch và Đốc Mạch riêng (áp dụng phương pháp thở hai thời)
1. Luyện Nhâm Mạch:
  • Thở vào: từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Thừa Tương xuống huyệt Hội Âm.
  • Thở ra:từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Hội Âm đi ngược lên huyệt Thừa Tương.
2. Luyện Mạch Đốc:
 
  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường, ngược lên theo cột sống, qua đỉnh đầu, tới huyệt Ngân Giao (vòm miệng)
     
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Nhân Trung (huyệt này nằm giữa vùng môi trên, ngay giữa sống mũi), lên đỉnh đầu, xuống gáy, chạy dọc theo cột sống, xuống huyệt Trường Cường.
II. Luyện vòng Nhâm Đốc chung: thông suốt hai mạch mà không cảm thấy vướng víu, do đó cần tập trung Ý để Khí có thể chạy dễ dàng.
a. Phương pháp thứ nhất: Luyện vòng Tiểu Chu Thiên theo hai hơi thở (mỗi hơi hai thời).
 
.. Hơi thở thứ nhất:
  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Thừa Tương, xuống tới huyệt Khí Hải, hay Đan Điền.
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Khí Hải xuống Hội Âm rồi theo Đốc Mạch lên huyệt Trường Cường, đồng thời co thắt hậu môn để đẩy Khí lên.
     
.. Hơi thở thứ hai:
  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường cho tới huyệt Đại Chùy (huyệt này nằm dưới các đốt xương cổ, nhưng ngay ở đốt xương sống đầu tiên, khi ta cúi đầu xuống, ở phần giáp xương cổ và lưng có một cục xương nhô cao, sát bên dưới đốt xương đó là huyệt Đại Chùy).
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Đại Chùy cho tới huyệt Nhân Trung.
b. Phương pháp thứ hai: Luyện nguyên vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở
  • Thở vào: tưởng tượng Khí nhập vào huyệt Thừa tương, dẫn xuống qua huyệt Khí Hải, tới Hội Âm (trong 5 giây)
  • Thở ra: Co thắt hậu môn, đẩy Khí từ huyệt Hội Âm, ngược theo cột sống, chạy lên đỉnh đầu (huyệt Bách Hội), rồi tới huyệt Nhân Trung (trong 5 giây).
Cứ thế tiếp tục không ngừng nghỉ cho đến hết buổi tập. Đến khi kết thúc buổi tập, lúc thở ra, ta sẽ dẫn Khí xuống thẳng Đan Điền.
c. Phương pháp thứ ba: Luyện hai vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở:
  • Thở vào: dẫn Khí đi từ huyệt Thừa Tương, chạy suốt hai mạch Nhâm Đốc đến huyệt Nhân Trung.
  • Thở ra: cũng dẫn Khí chạy suốt hai mạch Nhâm Đốc, nhưng ở vòng cuối, dẫn Khí chạy thẳng xuống Đan Điền.
d. Phương pháp thứ tư:Luyện nhiều vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở ba thời:
  • Tạm ngưng thở: dẫn Khí chạy lướt qua vòng Nhâm Đốc mạch.
  • Thở vào: tụ Khí đầy ở huyệt Thừa Tương.
  • Ngưng thở: Tập trung ý, dẫn Khí chạy theo đường Nhâm Đốc mạch từ 3 đến 4 lần nhanh. Ở vòng cuối cùng dẫn Khí xuống Đan Điền.
  • Thở ra: tưởng tượng Khí tỏa ra khắp vùng bụng dưới.
e. Phương pháp thứ năm:Vận Khí chạy ngược vòng Nhâm Đốc Mạch. Sau khi đã tập thành thục, ta có thể:
1. Vận Khí chạy ngược với đường đi tự nhiên trên vòng Nhâm Đốc:
  • Thở vào: Vận Khí từ huyệt Hội Âm ngược lên đường giữa bụng, lên huyệt Thừa Tương (luyện Nhâm Mạch).
  • Thở ra: vận Khí từ huyệt Thừa Tương, lên mặt, qua đỉnh đầu, chạy dọc xương sống xuống Hội Âm, về Đan Điền.
2. Vận Khí chạy ngược xuôi, qua lại, tới lui trên suốt vòng Nhâm Đốc:
Có khi, chỉ cần dùng lưỡi, để lên vòm miệng (hàm ếch), hơi thở tự nhiên bình thường, tự động vòng Nhâm Đốc vận hành chạy liên tục không ngừng nghỉ. Tất nhiên phải đạt tới giai đoạn nhuần nhuyền lắm thì mới có thành tựu như vậy được.
Ghi chú: những huyệt khó vượt qua trên mạch Đốc
  • Huyệt Trường Cường (nằm ở đốt xương cùng của cột sống), từ Hội Âm lên Trường Cường phải qua hậu môn, là một đường cong... vì thế, ta phải co thắt hậu môn để giúp đẩy Khí lên.

  • Huyệt Mệnh Môn (nằm trong khối thận, khoảng chính giữa trục Đan Điền và cột xương sống.) Khi dẫn Khí qua Mệnh Môn, ta chỉ cần tập trung Ý, cho chạy chậm lại một chút là có thể vượt qua dễ dàng.

  • Huyệt Não Hộ (nằm trên vùng gáy, dưới Bách Hội, ngang với huyệt Ấn Đường ở phía trước), vì Khí phải vượt qua đường hõm, vòng cung của gáy nên khó đi, nhưng nếu ta tập trung Ý, cho chạy chậm lại một chút thì Khí sẽ vượt qua dễ dàng.

  • Người mới tập vòng Tiểu Chu Thiên, lúc đầu chưa thấy cảm giác gì. Nhưng sau thời gian tập quen, ta        tập trung được Tâm Ý, dẫn Khí đi đúng hướng, không bị phân tán, lúc đó ta sẽ thấy một luồng chân Khí chạy thành vòng cung trên suốt vòng Nhâm Đốc.
Tầm quan trọng của vòng Nhâm Đốc: luyện vòng Nhâm Đốc là sự giao hòa giữa Tiên Thiên (mạch Đốc vốn là di sản của cha mẹ), và Hậu Thiên (mạch Nhâm được tiếp thụ từ đời sống bên ngoài).
Luyện Tiểu Chu Thiên làm thanh khiết và quân bình Âm Dương, tránh được sự rối loạn chức năng của Phủ Tạng. Luyện vòng Tiểu Chu Thiên là bước đầu tác động vào Tinh - Khí - Thần, tiến tới bài tập để "Tinh biến thành Khí, Khí biến thành Thần".

Khí Công Bài Năm - Luyện Tinh - Khí - Thần và Nội Lực
VS Trần Huy Phong

 
A. Tinh - Khí - Thần
Tinh, Khí, Thần là tam Bảo của con người, không có chúng thì chúng ta không thể tồn tại được. Tinh - Khí - Thần cũng đều có
Tiên ThiênHậu Thiên, do đó đều có thể luyện tập để trở nên tăng tiến, sung mãn.
Tinh Tiên Thiên: (còn gọi là Nguyên Khí) là tinh chất cốt lõi của con người, vốn là do Âm Dương của cha mẹ truyền lại, vì vậy, Tinh là nguồn mạch của sự sống, nó duy trì tính chất di truyền của gene DNA.
Tinh Hậu Thiên: (còn có tên gọi là Thiên Địa Khí và Thủy Cốc Khí) có chức năng duy trì và bù đắp cho sự tiêu hao của Tinh Tiên Thiên, do ta hấp thụ từ trời đất (tiết thực, dinh dưỡng, thu nạp trong những môi trường sống nói chung).
Phân biệt như vậy cho có nguồn gốc, thực ra Tinh Tiên Thiên hay Tinh Hậu Thiên cùng giao hòa làm một và ta gọi chung là Tinh Khí.
Sách Hoàng Đế Nội Kinh cho rằng Tinh tích tụ tại Thận, điều này cũng không sai vì Thận nên hiểu là cơ quan bao hàm cả cơ quan sinh dục, trong đó có tinh hoàn và buồng trứng. Hai Khí giao hòa với nhau, bổ túc cho nhau để tạo thành một dạng chung gọi là Chân Khí, hàng ngày luân lưu trong các kinh mạch và Lục Phủ Ngũ Tạng của ta.
Chân Khí lại chia thành:
 
  • Vinh Khí: luân lưu trong các Kinh Mạch và Tạng Phủ với chức năng điều hòa và tăng cường cho sức mạnh của Kinh Mạch và Nội Tạng. Vinh Khí mạnh hay yếu tùy thuộc rất nhiều và tiết thực, vì vậy chúng ta phải rất cẩn thận trong việc ăn uống.
     
  • Vệ Khí: không đi theo Kinh Mạch mà lại đi vào da thịt. Vệ Khí khuếch tán mạnh có thể đi vào vùng rỗn của khoang ngực, bụng. Tập thở bằng Cơ Hoành (ở bài 2) có thể làm cho Vệ Khí rất có lợi trong luyện tập võ thuật, nó giúp cho gân, xương, cơ bắp của ta trở nên vững chắc và bảo vệ thân thể ta chống chọi với những thay đổi của môi trường xung quanh (như trong thiết bố sam).
Thần là chủ đạo của não. Thần có liên quan mật thiết với Tâm, nên mới nói Tâm tàng Thần. Đan Điền của Thần đóng ở Ấn Đường và phía sau là Bách Hội (đỉnh đầu). Nói tóm lại, Tinh là gốc của sự sống, được nuôi dưỡng hàng ngày bởi Khí sinh sau và chịu ảnh hưởng của Chân Khí và Nguyên Khí. Mục tiêu tối hậu của Khí Công là luyện Tinh thành Khí - Luyện Khí thành Thần (trong dịp khác, tôi sẽ trình bày bài tập này).
Tinh - Khí - Thần xét cho cùng chỉ là một Tinh và Thần chỉ là hai dạng khác nhau của Khí. Tinh là trạng thái gốc, Thần là trạng thái thăng hoa của Khí. Ba trạng thái này có liên hệ mật thiết với nhau và có tác động qua lại rất hài hòa.
B. Nội Lực:
Nội lực là sức mạnh bên trong cơ thể con người, ai cũng có Nội Lực, chỉ nhiều ít khác nhau mà thôi. Nội lực cũng có hai dạng: bẩm sinh và tự tạo. Rất nhiều người, trời sinh ra đã có sẵn một nội lực phi thường và cũng không ít người, khi ra đời chỉ có một sức mạnh yếu kém, nhưng nhờ bền chí luyện tập đúng phương pháp, cũng trở nên những con người có sức mạnh siêu phàm.
Cái gốc của Nội Lực là Tinh - Khí - Thần, nên muốn luyện Nội Lực thì ta phải đi từng bước. Trước hết luyện Tinh - Khí - Thần, sau đó phải biết phương pháp luyện tập để thúc đẩy nội lực lên. Điều quan trọng là phải biết huy động và tập trung nội lực vào một mục tiêu để "phá vỡ" hay "bẻ gẫy" những chướng ngại cần thiết, nhất là trong võ thuật.
Nội lực thường tản mát trong khắp cơ thể ta, nhưng thường thường ta không biết sử dụng chúng vào những mục tiêu mong muốn. Có rất nhiều câu chuyện thực tế được kể lại như sau: có nhiều người khi gặp cơn nguy khốn, họ đã vượt thoát được sự hiểm nghèo như nhẩy qua một hố sâu rộng nhiều mét, vượt qua một bức tường 3 mét, phóng mình lên một cành cây cao khi gặp một con gấu đuổi tấn công, vác được những vật nặng hàng trăm ký khi nhà đang bị cháy, bị trượt chân trên một tòa nhà cao 33 tầng, phải túm lấy nhau, đu bám trên một bậc cửa sổ và đã được thoát chết v.v... nhưng sau đó họ sẽ không thể nào lập lại quá trình đó được nữa, vì nội lực của họ đã bị   phân tán mỏng, không có "yếu tố kích thích để tập trung vào một điểm hay một vùng" của cơ thể để có thể thực hiện được những mục tiêu mong muốn, tất nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tập trung được nội lực trong lúc hiểm nguy như thế, vì thường thường lúc đó họ "mất tinh thần, có khuynh hướng buông xuôi !"
Thường thường những nhà quán quân trong các môn điền kinh hoặc những võ sĩ chuyên nghiệp, do công phu tập luyện hàng ngày đã quá nhuần nhuyễn, nên họ có khả năng tập trung nội lực để phát huy hết khả năng vào đôi chân hay đôi tay... do đó, họ đạt được những thành tích cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm được những điều mà họ mong muốn, nhiều khi họ cũng bị "phân tâm, mất tự tin" khiến thành tích của họ bị sút giảm. Chỉ khi nào chúng ta tập được tới trình độ "tâm ý tương thông", tập trung được toàn bộ nội lực vào một điểm, đột khởi xuất chiêu thì lúc đó ta mới có thể cho rằng "mình đã tự làm chủ được nội lực của mình".
Muốn phát huy được nội lực cao độ để thực hiện những mục tiêu mong muốn, ta phải thực hiện được hai yếu tố sau đây:
  • Luyện nội lực thật sung mãn.
  • Tập trung cao độ nội lực vào một bộ phận của cơ thể để đạt mục đích.
1. Luyện Tinh - Khí - Thần để nâng cao nội lực.
Muốn luyện nội lực thì trước hết phải luyện Tinh - Khí - Thần, vì đó là cái "thế chân vạc" để nâng cao nội lực. Cũng phải theo đúng quy trình, ngồi bán già hay kiết già, "Khai Công Nhập Tĩnh", thư giãn, an thần, vứt bỏ mọi tạp niệm v.v...
a. Luyện Tinh:
  • Nạp Khí: thở vào từ tất cả các huyệt đạo, tập trung toàn bộ suống vùng bụng dưới (Quan Nguyên - Khí Hải), từ 5 đến 6 giây, tập trung cao độ ý niệm vào vùng này.
  • Vận Khí: ngưng thở để thu hút khí trời đất và vận hành để nén chúng thành một "Khối Tinh Chất", quán tưởng khối đó như một bông hoa sen lớn, thơm và tinh khiết, dùng cơ bụng dưới vận khí cho bông sen đó quay vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi sau đó quay ngược lại, thời gian trong vòng khoảng 20 giây.
  • Xả Khí: thở ra, buông lõng tất cả cơ bắp, thở ra từ từ, bông sen sẽ tan biến và loan tỏa ra khắp vùng Quan Nguyên, vùng bụng dưới, theo vòng đôi mạch chạy sang Mệnh Môn, xuống Trường Cường và chạy ngược lên vùng thận du (Bế Thận).
  • Bế Khí: sau đó Bế Khí trong 3 giây để Tinh tan biến vào Phủ Tạng, tích lũy và tàng trữ Tinh trong đó.
b. Luyện Khí: Luyện Khí ở đây cũng có những điểm như luyện Khí ở bài số ba, nhưng có điểm khác biệt là tụ Khí để tăng cường trực tiếp cho Nội Lực.
  • Nạp Khí: qua tất cả các huyệt đạo nạp khí vào trung tâm Đan Điền (Khí Hải) trong vòng 5 giây.
  • Vận Khí: cắn chặt hai hàm răng, hai nắm tay nắm xiết chặt đến cao độ, cơ bụng dưới căng ra như có một khối đá nặng hàng trăm ký đang đè xuống... Tất cả tư tưởng và ý niệm đặt hết vào bụng dưới, không một chút gì có thể làm ta phân tâm trong lúc này... thời gian kéo dài trong 20 giây hoặc hơn (có thể làm cho ta toát mồ hôi).
  • Xả Khí: buông lỏng cơ bắp thở ra từ từ, để Khí lan tỏa ra khắp vùng bụng dưới.
  • Thư Giãn hoàn toàn: tất cả Tâm Thần như chết đi, tất cả mọi cơ bắp như tan rã ra, mềm nhũn ra, dùng hai tay thoa nhẹ vào khắp vùng bụng dưới - thời gian khoảng 10 giây, sau đó lại tiếp tục nạp Khí để làm chu kỳ tiếp theo. Trung bình Nam làm 7 vòng, Nữ làm 9 vòng. Vì tập theo chu kỳ này rất tổn hao sức, nên nếu muốn tập nhiều thì phải chia ra làm nhiều buổi trong ngày mà tập.
Chỉ cần tập đều trong 3 tháng, các bạn có thể hít một luồng khí vào bụng dưới, trương cơ bụng lên và cho những môn sinh khoẻ mạnh tha hồ đấm cực mạnh vào bụng mà chẳng sao cả.
c. Luyện Thần:
  • Nạp Khí: Khi đã "Óc cố - Tâm an" xong, từ huyệt Bách Hội, Nhân Trung, Phong Phủ, Não Hộ, Thái Dương, nói chung là tất cả các huyệt đạo trên đầu... ta quán tưởng, nạp Khí từ khắp không gian thu vào Bách Hội, kết lại ở đó thành một vòng hào quang - thời gian 10 giây.
  • Vận Khí: tập trung tư tưởng, ý niệm cao độ vào Bách Hội, vận hành cho vòng "hào quang" đó xoay nhiều vòng theo chiều kim đồng hồ và sau đó quay ngược lại - thời gian 10 giây.
  • Xả Khí: sau đó, dẫn một nửa Khí chạy theo Nhâm Mạch xuống Hội Âm, từ từ buông lỏng, thư giãn và để cho Khí tự bung ra lan tỏa từ Bách Hội ra khắp không gian, phần kia, lan xuống hạ bàn và đi vào lòng đất - thời gian 10 giây.
  • Bế Khí: sau đó bế Khí (ngưng thở) trong 5 giây và để cho Bách Hội và tất cả các huyệt đạo trên đầu như chìm đắm đi, quên hết mọi thứ... và ngay sau đó lại tiếp tục Chu Kỳ kế tiếp. Trung bình mỗi buổi tập khoảng 24 chu kỳ.
d. Luyện Nội Lực: Luyện Tinh - Khí -Thần chính là những phương pháp luyện Nội Lực cơ bản, vì chính chúng là những chất liệu để gia tăng nội lực. Nhưng sau đây có ba phương pháp mà nếu tập luyện đúng cách thì Nội Lực sẽ gia tăng nhanh chóng: Đó là tập luyện 3 vòng xoay trên cơ thể.
  • Vòng xoay thứ nhất là Xoay Cổ.
  • Vòng xoay thứ hai là Xoay Hai Vai.
  • Vòng xoay thứ ba là Xoay Vòng Cột Sống Vùng Thắt Lưng.
Phương pháp
Đứng trung bình tấn, tập trung hết Tâm Ý vào nơi tập luyện. Nạp Khí đầy bụng dưới - nín thở (Bế Khí).
1. Quay cổ: cắn chặt hai hàm răng, vận tối đa gân, xương cơ Cổ lên một trương lực thật cao. Từ từ quay cổ sát theo thân người (đầu lúc nào cũng sát xuống xương vai- lưng - ngực), quay nhanh dần, nhanh dần, sau đó quay ngược lại... quay cho đến khi nào hơi thể hết, cần phải thở ra thì ngưng. Thở sâu 3 hơi, để lấy sức và tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình nam 7, nữ 9.
2. Quay vai: cắn chặt hai hàm răng, nắm chặt hai tay, vận hết xương, gân ở hai vai và hai tay... quay vòng tay theo hai vai từ phía sau ra phía trước, mỗi lúc một nhanh dần, sau đó quay ngược lại, cũng nhanh dần. Khi hơi thở đã hết thì ngưng lại. Tạm ngưng, thở sâu ba hơi để lấy lại sức và tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình Nam 7, Nữ 9.
3. Xoay Cột Sống (đây là vòng xoay quan trọng nhất và cũng khó nhất): cắn chặt hai hàm răng, căng cứng phần bụng dưới, hai tay nắm thật chặt, dang rộng ra hai bên, cúi gục người xuống, xoay quanh vòng bụng, quanh thắt lưng, từ phải sang trái, thân người phải bẻ gập sang các phía, lúc ngửa thì lưng song song với mặt đất. Lúc nghiêng thì sườn phải gập hẳn sang một bên, quay nhanh dần, nhanh dần, sau đó quay ngược lại, cũng nhanh dần. Khi hơi thở đã hết thì ngưng lại. Tạm ngưng, thở sâu ba hơi để lấy lại sức, tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình: Nam 7, Nữ 9.
Đây là ba vòng quay quan trọng, trong lúc quay phải vận hết Khí lực trong người, tập trung Tâm Ý cao độ, nên việc luyện tập khá vất vả, nhưng nhờ đó mà Nội Lực sẽ được phát triển sung mãn, nhanh chóng.
Những bài tập Khí Công còn nhiều. Ngoài Động Công còn có Tĩnh Công. Trong chương trình đã được phổ biến (giới hạn) còn có bài Khí Công Quyền, thuộc loại "động công", vừa ứng dụng để luyện Khí, vừa ứng dụng trong kỹ thuật chiến đấu. Một chương trình khác là "Nhị Thập Bát Tú," bao gồm 28 tư thế Động Công, luyện tập để dưỡng sinh và tự chữa bệnh cho mình và cho người khác.
Lưu ý: người ta nói "Tập Khí Công rất dễ, ai cũng có thể tập được, chỉ không có duyên với nó mà thôi, nhưng muốn giỏi về Khí Công thì lại rất khó," theo tôi phần đông không chịu tập đều đặn, hoặc Tâm - Ý bị phân tán vì công việc (cứ lo ra vớ vẩn), không thể tập trung được, hoặc đời sống hàng ngày buông thả quá, nào hút thuốc, chơi khuya, ăn uống tự do quá độ v.v... Tuy nhiên nếu không thể nào theo đúng đươp pháp độ, thì cứ chịu khó tập thở đúng (theo bài 2) thì cùng giúp cho các bạn được rất nhiều trong khoa dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe, đó là cũng là một trong những mục tiêu của Môn phái ta.

THU CÔNG

Sau khi đã Nhập Tĩnh để tập luyện, sau giai đoạn kết thúc buổi tập, ta phải Thu Công để trở lại trạng thái bình thường. Trước khi Thu Công, phải có ý niệm chuẩn bị Thu Công.
  • Bước đầu tiên là Xả: phải buông lỏng các khớp toàn thân nhão hết ra, rời rạc ra, mắt mở nhìn ra xa. Từ từ hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, nhưng chậm hơn, trung bình khoảng 20 lần, nhằm thải bớt khí CO2 tích tụ trong máu.
  • Bước hai: dùng song chưởng đẩy nhè nhẹ ra như đẩy một cái hộp (thở ra), xong lại co vào cũng nhè nhẹ như thế (trong 20 lần).
  • Bước ba: thoa hai bàn tay vào nhau cho thật nóng, rồi ấp vào hai mắt, tìm cảm giác có ánh sáng từ lòng bàn tay truyền vào mắt để tăng thị lực. Rồi dùng hai bàn tay vuốt mặt nhiều lần, rồi vuốt ngược lên đỉnh đầu cho đến khi thấy thoải mái.
  • Bước bốn: duỗi hai chân ra, dùng hai tay thoa bóp và vuốt mắt trên, rồi mắt dưới, rồi tay này vuốt tay kia, theo chiều trong rồi chiều ngoài.
  • Bước năm: dùng lưỡi xoay vòng trong vòng miệng nhiều lần, có nước bọt thì nuốt đi.
  • Bước sáu: hít hơi đầy bụng, xong từ từ cúi gập mình xuống (hai chân duỗi thẳng) thở ra chậm, lúc nâng người lên thì hít hơi vào (làm khoảng từ 5-7 lần). Chấm dứt Thu Công.

Nhu Khí Trong Đời Sống
VS. Nguyễn Đình Nam

 
Sinh Hoạt Văn Hóa Và Sinh Hoạt Vật Chất
Sinh hoạt văn hóa và sinh hoạt vật chất cấu thành sinh hoạt xã hội. Là sản phẩm của con người, tất nhiên có ảnh   hưởng đến con người. Thông thường mọi người cho rằng sinh hoạt văn hóa -vật chất được nâng cao, con người sẽ lành mạnh, đời sống sẽ tốt đẹp. Thực tế giữa các quốc gia văn minh, tiên tiến với những nước nghèo nàn lạc hậu, đời sống đều diễn ra trong căng thẳng lo âu như nhau. Bần cùng tuy sinh đạo tặc, nhưng phú gia tri thức vẫn đầy những tham vọng riêng tư, mưu mô hiểm độc. Đành rằng, sống đầy đủ tiện nghi, được ăn no mặc đẹp, tri thức con người có điều kiện thuận tiện để được nâng cao; nhưng không thiếu những nhân tài kiệt xuất, các bậc hiền minh cả Đông lẫn Tây đều đã trải qua nhiều tháng năm nghèo nàn cơ cực.
Quá chú trọng đến văn hóa - vật chất để rồi dồn mọi nỗ lực hỉ nhằm đạt đến những bằng cấp thật cao, kiếm thật nhiều tiền hầu thỏa mãn tham vọng ích kỷ cá nhân, thế là ta tự đóng khung, tự cô lập. Càng sống cô lập, đóng khung trong cái Ta, thì càng có va chạm trong quan hệ Ta - Người.
Do chuyển động nên sinh hoạt văn hóa - vật chất có biến động. Càng tự đóng khung để quá lệ thuộc vào nó, con người càng hoảng loạn lo âu khi có biến động. Sự quá lo âu khi thị trường xáo trộn, tâm lý đua đòi theo tiện nghi vật chất; sự quá sùng thượng vào các ngôi sao nghệ thuật, thần tượng bóng đá; cay cú hơn thua trong tranh giải thể thao; quá căng thẳng trong thi cử, khó chịu bực mình khi không vừa ý v.v... đều là những hiện tượng vong thân của một tâm thức mất thăng bằng. Sự mất thăng bằng nội tâm sẽ làm xáo trộn cuộc sống của chính ta. Cũng chính thái độ quá quý trọng, quá đề cao văn hóa - vật chất trong sinh hoạt xã hội là nguyên nhân góp phần tạo ra tệ nạn, bất công. Đấy là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn nạn trên thế giới.

Giá Trị Của Văn Hóa - Vật Chất
Do con người sử dụng trong sinh hoạt xã hội, giá trị của văn hóa - vật chất được xác định. Và chỉ được coi là có giá trị khi nó tạo được ảnh hưởng tốt đẹp cho con người. Con người có làm chủ được mình thì văn hóa - vật chất mới mang lại an lành cho cuộc sống.
Ngoài việc lo thoả mãn nhu cầu văn hóa - vật chất, con người còn phải tạo cho mình tính tự chủ cao, để không bị   tha hóa, vong thân bởi chính sản phẩm của mình; từ đó văn hóa - vật chất được sử dụng đúng vị trí của nó: phương tiện thể hiện tình người.
Mọi vị trí trong sinh hoạt xã hội đều có quan hệ mật thiết với nhau. Người sửa xe không làm công việc của một bác sĩ và ngược lại. Cả hai đều cần cho xã hội và cần lẫn nhau. Chỉ một kiến trúc sư, một kỹ sư không hoàn thành nổi một công trình. Mọi công việc nếu làm với tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng nơi đúng chỗ, đúng khả năng đều có giá trị.
Có công việc phức tạp, có công việc giản đơn, có công việc thuộc trí óc, có việc làm tay chân, nhưng đều hỗ trợ cho nhau, đều cần thiết để hình thành khung cảnh sống. Nếu thiếu cái nhìn trên phạm vi tổng thể, để cho rằng công việc này, vị trí này có giá trị hơn công việc kia, vị trí nọ, cùng với cái nhìn tự tôn tự ti sẽ tạo nên sự phân hóa. Từ đó, con người sẽ sống, hành xử theo những tham vọng mù quáng. Sự quá cách biệt, phân chia bao giờ cũng gây xáo trộn trong sinh hoạt xã hội. Tất nhiên mọi vị trí đều có sự khác biệt với giá trị và tầm quan trọng riêng. Có người tốt kẻ xấu, có người tinh tế kẻ thô vụng và nên có cái nhìn bình đẳng để tránh quá khích trong quan hệ đối xử.

Cách Mạng Tâm Thân
Cảnh sống giàu sang, địa vị cao trọng chưa hẳn đã tạo an vui cho con người nếu nội tâm luôn căng thẳng lo âu vì sự thành bại của công việc vì phải mưu tính thủ đoạn để đối phó lẫn nhau, vì không hóa giải nổi những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ đối xử. Cảnh nghèo khó lại càng bi thảm hơn: vừa khổ vì thiếu, vì tự ti lại vừa căng thẳng   bấn loại vì lo âu. Do thiếu khả năng thư giãn thần kinh, điều hòa nhịp tim nên kẻ nghèo người giàu, người học cao hiểu rộng, kẻ kém trí thức, ai cũng căng thẳng lo âu. Từ đó, con người đã gây thêm xáo trộn phức tạp cho sinh   hoạt xã hội vốn đã thường biến động.
Thực tế cho thấy rằng dùng võ thuật để đưa người vào Đạo là việc khó thực hiện nếu không có phương pháp thích hợp. Võ và Đạo ngược nhau ở tính chất: Võ dẫu cương hay nhu vẫn ở phạm vi đối đãi với mục đích hơn thắng, chế phục người. Đạo dù động hay tĩnh luôn thuộc phạm trù bao trùm mọi khuynh hướng đối đãi, mâu thuẫn. Tính Đạo được thể hiện ở một nội tâm vượt thoát, biểu lộ trong nhu hòa từ tốn ở người đã thắng phục được cái cảm xúc của chính mình. Võ càng luyện, khí lực càng mạnh khiến con người khó tự làm chủ trước những xung khắc mâu thuẫn trong quan hệ Ta - Người. Đạo càng sâu, sự tự chủ, tự chế càng cao, tạo được hòa khí: Ta - Người là một. Để từ Võ có thể bước vào Đạo, song song với sự tăng trưởng khí lực, ta phải dày công rèn luyện khả năng tự kiềm chế, hóa giải sự sung mãn của khí lực. Dùng nhu hóa giải sự căng thẳng của thần kinh; xả, nạp khí nhẹ nhàng đúng nhịp sẽ điều hòa được nhịp tim. Từ đó mới hóa giải được những cảm xúc thất tình. Hành động theo cảm xúc bao giờ cũng quá khích và làm mọi việc trở nên phức tạp. Hóa giải cảm xúc là tạo cho ta tính tự chủ. Với sự tự chủ, mọi việc trở nên rõ ràng, đơn giản. Nhờ đó ta sẽ sáng suốt hơn để xét mình, nhìn người; ta sẽ có cái nhìn bình đẳng về mọi giá trị trong sinh hoạt xã hội để chọn hướng đi, định vị thế cho phù hợp khả năng, biết sống an vui, hiến ích.

Nhu Khí Trong Đời Sống
Tiếp nhân đối cảnh, nếu nẩy sinh cảm xúc, cảm xúc này sẽ ăn sâu vào nội tâm tạo hồi tưởng, để đưa đến ước mơ vọng tưởng. Thấy người đẹp, cảnh đẹp, có cảm xúc, nhớ lại, ao ước được gặp lại, làm quen. Cảm xúc khi hồi tưởng, ước mơ càng mạnh, não loạn càng nhiều, nhất là khi không được như ý. Khi được như ý lại chóng chán, đôi khi sinh ra thất vọng vì trong cảm xúc con người dễ tô hồng và cũng dễ bôi đen. Tâm khi không bị cảm xúc làm chao động nữa mới có thể nhập Đạo tính, mới thấy được chân tướng của mọi sự vật. Do vậy, Đạo không thể tìm cầu bên ngoài. Học hiểu qua sách vở, qua các bậc Đạo sư không giúp ta thâm nhập Đạo thể nếu sóng lòng chưa thắng. Khi lắng được sóng lòng, Đạo tâm tự hiển bày: ăn cơm, mặc áo, quét nhà, luyện võ, mọi hành xử ở đời đều mang tính Đạo.
Muốn thâm nhập Đạo phải dày công, phải kiên nhẫn, phải có những bước khởi đầu. Sau những giờ lo toan cho trách nhiệm gia đình xã hội, ngoài giờ tập võ luyện thân, nên dành một khoảng thời gian nhất định nào đó với phương pháp nhu khí công để lắng sóng lòng, để loại bỏ tạp niệm cho tâm được trong sáng hầu tìm về cội rễ tâm linh. Ngoài ra, trong quan hệ đối xử nên tập cái nhìn bình đẳng trước mọi mâu thuẫn tốt xấu, Ta - Người đều có thể ung dung tự tại, nhu hòa từ tốn với ngoại cảnh, với tha nhân.

Sức Khỏe - Đời Sống - Võ Thuật
VS. Nguyễn Tiến Hóa

 
Người viết bài này, nếu không nhờ có công và khí thì giờ này đã đang là người điên trong các bệnh viện, hay là kẻ mất trí ngoài xã hội... Một người đàn ông duy nhất sống sót trong chuyến tàu 75 người vượt biển vào cuối năm 1981.
Từ ngàn xưa, khi mà xã hội loài người chưa có một nền văn minh khoa học như hiện nay. Đời sống xã hội thường   ngày, không có luật pháp che chở, nên yếu tố Khỏe, Có Kỹ Thuật, Gan Dạ là ba điểm ăn trùm thiên hạ. Và ba yếu tố đó được bao gồm trong võ thuật. Vậy võ thuật là gì? Võ thuật là kỹ thuật tấn công, tránh né có tính toán trước, hay theo phản xạ tự nhiên do sự tập luyện lâu ngày mà có. Võ thuật gồm có đấm đá, quăng quật, chém xỉa... côn, kiếm, đao, quyền v.v...
Cái thuở xa xưa, lúc đó xã hội loài người còn sống theo định luật: "Mạnh được yếu thua" thì sức khỏe và có võ thuật là những yếu tố để tranh quyền, đoạt vị. Người nghèo tập luyện võ thuật để được khỏe, và có khả năng tự vệ khi bị ức hiếp. Người giàu tập luyện võ thuật để bảo vệ của cải, và dùng võ thuật lấn đất, lấn quyền hầu được giàu hơn... Vì thế không ai bảo ai, không có chính quyền nào cổ võ, không có phim ảnh, sách báo quảng cáo rầm rộ, hay khuyên dạy người ta tập võ; nhưng võ thuật là nhu cầu bức thiết trong đời sống nên người ta đã tự động luyện tập võ thuật như một khí giới cho sự sống còn. Thế nên, võ thuật trong thời điểm này đã được tập luyện, có thể nói hầu như tuyệt đỉnh... Đọc qua lịch sử từ Âu sang Á, ta thấy các đế quốc ngày xưa đã dùng võ thuật và chiến thuật để thôn tính các quốc gia khác, thâu gồm thành quốc gia của mình, và đã gọi cái việc đi chiếm đoạt thiên hạ bằng một danh từ mỹ miều, tốt đẹp là đi mở mang bờ cõi...
Võ thuật tự nó không xấu, không tốt. Tốt xấu là do cách con người xử dụng nó. Tập luyện võ thuật, để có một sức khỏe dẻo dai, có một thân hình cân đối để đẩy lui những bệnh tật thông thường. Tập võ để có một kỹ thuật tấn công hay tự vệ khi cần thiết. Tập võ để bênh vực kẻ cô độc, yếu thế. Tập võ để có khả năng hành hiệp giang hồ, cứu khốn phò nguy. Tập võ để tạo cho mình một kỷ cương trong đời sống, trui rèn nhân cách, làm ngọn đuốc cho những người chung quanh cùng soi chung. Như thế, ta đã đưa võ thuật lên vị thế võ đạo. Võ Đạo là một phần trong văn hóa dân tộc; mà văn hóa dân tộc thì cần thiết cho cuộc sống như khí trời, như dưỡng chất: cơm ăn, nước uống. Vậy Võ Đạo cũng là một trong những triết lý giáo dục Nhân Bản hiện nay.
Ngày nay, nền văn minh khoa học đã đưa con người từ chỗ nhìn xa nhất là một cây số thành một vạn cây số. Khoa học đã chế biến được những võ khí có thể giết cả chục ngàn người trong giây phút. Vì thế, người ta đã nghĩ rằng: võ thuật không còn cần thiết cho đời sống như những thế kỷ trước nữa. Ngày nay, một người yếu đuối nhất cũng có thể hạ một tên khổng lồ bằng cây 38 ly... và gia dĩ còn có một vài võ sư chưa tập luyện tới cao độ đã vội cho rằng: võ thuật ngày nay chỉ còn là công cụ cho các tay tư bản dùng vào thương mại...!!!
Trở lại với lý luận ở trên, ta thấy võ thuật tự nó không xấu, tốt. Và võ thuật không phải chỉ đơn thuần là những kỷ thuật tấn công uy hiếp người khác, hay tự vệ mà thôi. Võ thuật đã được triết lý hóa thành võ đạo như những ngành học thuật khác; nó trở thành một thứ nghệ thuật như: trà đạo, kiếm đạo, tửu đạo, hoa đạo v.v... mà võ đạo   là một trong các nét văn hóa của dân tộc. Vậy thì dù trong bất cứ không gian, thời gian nào cũng đều cần cho đời sống con người.
Có người cho rằng: võ thuật chẳng có liên quan gì tới sức khỏe. Muốn có sức khỏe chỉ cần đi tập thể dục, đâu cần phải tập võ thuật!?... Kể ra thì cũng đúng thôi... Nhưng họ có biết đâu rằng: khi tập võ thuật, thì cũng là tập thể dục. Người tập thể dục dù có sức khỏe thật, song ngày nay cho dù có các loại vũ khí, nhưng mấy người được mang vũ khí? Thế thì những lúc bất bình giữa đường họ lấy gì chống đỡ? Ta chưa nói đến cái xã hội văn minh hiện nay, con người sống quay cuồng trong vật chất, trong ích kỷ bon chen. Mặc dù có luật pháp che chở; nhưng những kẻ cuồng tín, những kẻ đang say với men thuốc phiện, họ còn biết sợ luật pháp không? Và khi bị các phần tử này tấn công, ta sẽ kêu cứu với ai? Ta có bao giờ tự hỏi: xứ Mỹ này có một hệ thống luật pháp quy mô là thế. Vậy mà nhà nào cũng phải thủ một vài cây súng trong nhà? Vì họ đã nghĩ: "đền được mạ thì má đã xưng". Và tốt hơn là: "Tiên thủ vi cường". Và một điều khác, ta cứ bỏ qua chuyện bị tấn công bất thình lình, mà ta chỉ biết một điều: người tập võ, khi bất ngờ té nhào, họ đã tự nhào lộn trong phản ứng tự nhiên, còn người tập thể dục không thể có được phản ứng này và sẽ bị gẫy tay, gẫy chân, gẫy cổ. Thế thì việc nào tốt hơn? Võ thuật hay thể dục...?
Vậy thì võ thuật trong thời đại này vẫn còn thiết thực và hữu dụng. Hơn nữa, người tập võ thuật có căn cơ, tập võ thuật đến cao độ thì không phải chỉ biết đánh côn, đánh quyền, múa kiếm. Mà phải biết luyện công, luyện khí. Chính việc luyện công, luyện khí sẽ đẩy lui được các bệnh hiểm nghèo như: ung thư, đau tim, phổi... Người luyện công, luyện khí thường ngày thì các bệnh cao máu, cholesterol, tiểu đường không thể phát tác được... Ngoài ra, việc luyện công, luyện khí, còn giúp con người thoát ra được những ám muội thường tình: Hỷ, Nộ, Ái, Ố v.v... (Như trường hợp người viết bài này, nếu không nhờ có công và khí thì giờ này đã đang là người điên trong các bệnh viện, hay là kẻ mất trí ngoài xã hội... Một người đàn ông duy nhất sống sót trong chuyến tàu 75 người vượt biển vào cuối năm 1981).
Để kết thúc phần lập luận nêu trên. Ta hãy quay ngược dòng thời gian trở về thời Đức Đạt Ma Sư Tổ, tổ sư của môn phái Thiếu Lâm. Đức Đạt Ma Sư Tổ, nguyên là một Đại Đức Phật Giáo người Ân Độ. Ngài vân du qua Trung Hoa cốt để thuyết giảng Phật Pháp. Ngài đã chọn ngọn Thiếu Thất trong dãy núi Thiếu Lâm để tu trì và thâu nhận đệ tử, truyền dạy đạo pháp. Vì ngôi chùa nằm sâu trong rừng núi, các đệ tử của Ngài trong lúc nhập định thì hay bị sơn lam chướng khí làm cho bị bệnh tật thường xuyên. Và thời đó không có thuốc thang như ngày nay. Ngài bèn bắt các đệ tử ngoài việc học Phật pháp, còn tập các môn Công, Khí, các đệ tử của Ngài không còn bệnh tật như xưa, và việc học Phật pháp còn tăng tiến hơn trước rất nhiều.
Một điều khác nữa xảy ra: Vào cái thời xa xưa, việc di chuyển chỉ trông vào đôi chân và nhanh hơn là cưỡi ngựa... Rồi còn phải băng rừng lội suối v.v... Và việc đi thuyết giảng Đạo pháp rất là gay go... Trên đường đi thuyết giảng còn bị cảnh cướp cạn, cảnh tham ô quan lại hống hách hoành hành. Ngoài những điều do nhân sự tạo nên, dọc đường còn có các loài dã thú tấn công các nhà sư để ăn thịt. Để cho việc giảng dạy có kết quả tốt, đức Đạt Ma Sư Tổ còn nghiên cứu và truyền dạy cho các đệ tử của Ngài các kỹ thuật tấn công hay tránh né tài tình: Đó là võ thuật Thiếu Lâm... Dùng võ thuật để bảo vệ và hoằng dương Đạo pháp.
Như thế, Sức Khỏe - Đời Sống - Võ Thuật xem ra như không có liên quan với nhau. Nhưng thực tế lại rất cần thiết và bổ túc cho nhau. Dù vào thời đại xa xưa, hay ngay trong cuộc sống hiện tại.

Luyện Khí Công Phòng Bệnh - Chữa Bệnh - Giữ Sức Khỏe
Huy Vũ

 
Khí công là một phương pháp hô hấp dưỡng khí, khơi thông kinh mạch, điều chỉnh khí huyết trong cơ thể con người để âm dương cân bằng, Tinh-Khí-Thần hợp nhất, phủ tạng điều hòa, nhờ đó dẫn đến tác dụng phòng chữa bệnh, tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Khí công tuy có nhiều phương pháp nhưng cũng không khác biệt lớn, mỗi phương pháp đều có cái hay riêng. Khí   công là phương pháp luyện tập đã có từ xưa, nhưng rất cần thiết cho đời sống hiện đại.
Tập khí công cần thư giãn mọi cơ bắp, não nhập định, điều hòa hô hấp để khơi thông kinh lạc, Tinh-Khí-Thần hợp nhất, nhờ đó năng lượng hoạt động của Tâm-Trí-Thể được thanh lọc, nâng cao.
Người xưa nhận thức đơn giản, coi "Khí" là hiện tượng tự nhiên: Con người nhờ khí mà sống. "Khí tụ thì hình thành, khí tán thì hình mất. Khí trong cơ thể có hình thái biểu hiện phong phú và đa dạng.
1. Khí cơ bản là "Nguyên khí", còn gọi là "Chân khí", tức "Khí Chân Nguyên", trong đó gồm khí trời đất và khí bẩm sinh từ cha mẹ.
2. Tiếp đến là "Khí Thủy Cốc", còn gọi là "Địa khí" (bởi ngũ cốc mọc lên từ đất), là loại khí được chuyển hóa từ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
3. Sau hết là "Không khí", do phổi hô hấp.
Ba loại "Khí" này cấu tạo nên một loại vật chất tinh vi, có sức hoạt động rất mạnh, chúng lưu thông khắp mọi ngõ ngách trong cơ thể. Vật chất tinh vi, đó là một trong những chất cơ bản để duy trì sự sống của con người. Nó được thể hiện bằng các hoạt động sinh lý trong những tổ chức khác nhau như phủ, tạng, Kinh, Lạc... Có bốn hình thức hoạt động Thăng - Giáng - Xuất - Nhập, và có những tên gọi khác nhau. ví dụ: Khí của phủ, tạng gồm có Tâm khí, Vị khí, Thận khí... Ngoài ra, còn có khí của kinh, lạc như Vinh (Dinh) khí, Vệ khí...
Khí của khí công là tín hiệu của sinh mạng vận chuyển theo hệ thống kinh lạc. Việc rèn luyện khí mà khí công nói tới là sự điều hòa Tâm, Ý để nguyên khí nơi con người được phát huy trọn vẹn. Loại nguyên khí hoặc chân khí đó có khả năng kháng bệnh tật trong cơ thể, và là năng lực giúp con người thích ứng với môi trường bên ngoài.
Công phu luyện khí được dùng để chỉ thời gian luyện công, chất lượng luyện công, đồng thời còn có thể dùng để chỉ phương pháp, trình độ, bản lãnh luyện công.
Người khởi luyện khí công phải:
1. Tuần tự nhi tiến, không hấp tấp, nôn nóng mới mong đạt được kết quả chắc chắn vững vàng.
2. Phải thật kiên trì, nhẫn nại, không đứng núi này trông núi nọ, đang tập phương pháp này chưa thuần đã chuyển sang tập lối khác.
3. Giữ tâm thân bình thản, an định, ngưng mọi tạp niệm. Khi khởi luyện, nét mặt hồn nhiên tươi tắn, nhưng lát sau tự nhiên đi vào im lặng (bởi người luyện công phải giữ cơ thể luôn ở trong một cái "khung" chính xác, đầu thẳng với cột xương sống). Tới khi có "Khí cảm" tự khắc sẽ "đứng trong sự an tĩnh", thậm chí còn có cảm giác "phiêu diêu sảng khoái", quên cản hiện tại.
4. Trong khi tập, có nước bọt ứa ra miệng, không được nhổ, phải nuốt vào bụng, vì đó là Tân dịch do lưỡi chạm vào hàm trên gây nên. Người luyện khí công thường để "lưỡi dính hàm trên" là vị trí của huyệt "Thiên trì". Khi lưỡi đặt vào huyệt đó, trong miệng sẽ tiết ra Tân dịch (nước bọt). Tân dịch đó là dịch tiêu hóa, không những giúp cho việc tiêu hóa tốt, mà còn nuôi dưỡng khí huyết khi nuốt nước bọt xuống dưới Đan điền. Bởi vậy, khi luyện khí công chớ bao giờ nhỏ nước bọt đi, phải nuốt vào cho cổ họng khỏi bị khô. Nhổ nước bọt nhiều sẽ tổn khí.
Cần lưu ý: Dưới lưỡi có 4 khiếu: 4 khiếu Thông Tâm khí và 2 khiếu Thông Thận khí, gọi là "Thiệt Tuyền". Còn các chất khác bài tiết ra khỏi cơ thể như mồ hôi, nước tiểu đều có mùi hôi và mặn, duy có nước bọt là hơi ngòn ngọt, nuốt vào bụng sẽ có tác dụng "trợ tỳ, khai vị". Điều   đó chứng tỏ Tân dịch là rất quý.
Khí công còn có một phương pháp tự điều hòa thân tâm, được nhận thức và sáng tạo qua đời sống. Trong thực tiễn, khí công phấn đấu chống lại già yếu và bệnh tật, Khí công có những chức năng sau:
A. Kiện toàn thân tâm
  • Đầu óc được thư giãn, tỉnh táo, tư duy mẫn tiệp.
  • Thúc đẩy sự tuần hoàn máu, nâng cao chức năng của tim.
  • Điều tiết tâm lý, khiến tinh thần luôn luôn phấn chấn, đầy sức sống.
  • Nâng cao ba năng lực: năng lực thích ứng, năng lực phục hồi, và năng lực miễn dịch.
B. Giải trí
Nhờ có khí công, con người sau những lúc làm việc bận rộn có thể nghỉ ngơi một cách tích cực, thỏa mãn cuộc sống tinh thần, tu dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng những phẩm chất cao thượng, làm trong sạch tình cảm để được sống vô tư, hồn hậu. Như thế, không những phục hồi được nguyên khí mà còn là một loại hưởng thụ tinh thần cao cấp, loại hưởng thụ mà người bình thường không thể có được.
Vui trong niềm vui đó ta dễ thỏa mãn với mọi người, dễ giao lưu chan hòa tình cảm, khiến con người sống cởi mở, gắn bó với quần thể, tâm trí sáng suốt, tâm hồn khoáng đạt, luôn vui tươi, dũng cảm tiến lên phía trước với một cảm giác cực kỳ tốt đẹp. Trạng thái tâm lý đó có thể sinh lòng tự tin và tự hào, xác lập chính khí, trừ bỏ tà khí và có thể giải tỏa được những căng thẳng thần kinh, mệt mỏi của trí óc, rối loạn tinh thần do làm việc quá tải và các quan hệ xã hội phức tạp gây nên. Đến với khí công, người già được bảo dưỡng, sức khỏe tăng tiến, được sống vui, hưởng trọn một tuổi trời và vẫn phát huy được năng lực của mình để phục vụ xã hội.
C. Tình cảm xã hội
Khí công có liên quan trực tiếp đến sự ổn định tâm lý xã hội của con người. Cái gọi là "sự cân bằng tâm lý xã hội của con người". Ví dụ: Ai cũng ham sống, nhưng cũng có người vì quá đau khổ mà muốn quyên sinh. Mọi người đều có tình yêu đối với tổ quốc, nhưng trong hoàn cảnh hỗn loạn, chết chóc khiến người chán nản, tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm. Có người tuyệt vọng vì bệnh chữa chạy khắp nơi không có kết quả. Có người vi nguyên nhân này nọ sinh ra mất chỗ dựa về tinh thần... Khí công có thể xua tan những đám mây u tối đó trong tâm hồn họ, khiến họ phấn chấn trở lại. Khí công trở thành ngọn đuốc, giơ cao, hiệu triệu mọi người chiến đấu với già, yếu, bệnh.
Tình cảm ý chí của con người biểu hiện qua thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ không chỉ là sự phản ánh chủ quan của con người với những kích thích của ngoại cảnh, mà còn là những yếu tố quyết định sự sinh tử, tồn vong của con người. Các chuyên gia y học cho rằng: khi nẩy sinh bất cứ một biến đổi nào về tình cảm thì "bộ tư lệnh tối cao" của cơ thể con người là đại não đều cơ động "điều binh khiển tướng", tiếp đó dẫn đến một loại những biến đổi phức tạp về nhịp tim, nhiệt độ... Cho dù trên gương mặt chỉ "hơi gợn sóng", nhưng thế giới nội tâm đã như "bão táp". Ngay khi chỉ cần nhăn mặt, cau có thì bên trong cơ thể đã có những tổn thương nghiêm trọng. Bởi bất cứ một việc gì gây ra sự phản ứng đều gây tổn thất chứ không phải là tăng cường cho hệ thống miễn dịch.
Khi vui thì khí hòa hoãn, nhưng quá vui cũng có thể đưa đến cái chết đột ngột. Có thể nói "tình cảm là chiếc gậy chỉ huy cuộc sống". Điều khiển được sự phiền nhiều của thất tình là điều hết sức quan trọng đối với những người luyện khí công. Sách thuốc có viết:
  • Giận quá tổn thương Can
  • Vui quá tổn thương Tâm
  • Lo lắng quá tổn thương Tỳ Vị
  • Buồn bã quá tổn thương Phế
  • Kinh sợ quá tổn thương Thận
Thất tình thái quá sẽ tổn thương Thân và Tâm, phát sinh bệnh tật. Cách đề phòng là tăng cường sự tu dưỡng tư tưởng, loại bỏ những suy tư tạp niệm, "vô ngã", không chỉ biết có mình, không quá ư thiết tha, mong mỏi một cái gì ngoài tầm tay mình, cứ sống theo quy luật tự nhiên, vui với những gì đang có quanh mình thì tâm hồn sẽ thanh thản, ung dung, tự tại. Tóm lại, bách bệnh đều do khí sinh ra. Bằng việc điều lý khí công một cách thích đáng sẽ chữa trị được mọi bệnh tật và thân, tâm sẽ luôn mạnh khỏe, thư thái.
Về mặt sinh hoạt, người luyện khí công phải biết cách sắp xếp cho tốt. Ăn uống phải điều độ, không ăn quá no, cũng không để quá đói mới ăn, thức ăn đừng để quá nguội lạnh, ăn ít những vị cay, nồng, đắng hay quá mặn. Ngủ nghỉ và làm việc có giờ giấc, không nghiện rượu, thuốc lá, mọi sinh hoạt đều chừng mực, tiết độ.
Thường ngày phải có ý thức sửa đổi, chỉnh đốn tư thế đứng, ngồi, nằm, và dáng đi cho chững chạc. Phải đứng như cây tùng, ngồi như chuông đồng, nằm như cái cung, đi như gió lướt.

Ý và Khí
Trong thân người, ý và khí vô hình, vô sắc, mắt không thể thấy được. Cần biết: khí chiếm một địa vị cực kỳ quan trọng, khí vận hành khắp cơ thể, có công dụng vừa thúc đẩy huyết vừa dưỡng huyết. Khí do chân hỏa ở mệnh môn chưng cất tinh dinh rồi nuôi lớn lên mà thành. Sự hình thành đó gọi là "Thủy hỏa ký tế". Khí được nuôi   dưỡng và rèn luyện mà phát huy tiềm lực, gọi là "Nội đan", mà chỗ cất giữ là "Đan điền". Khí có giá trị cao hơn huyết. Khí huyết thường đi chung, nhưng khí là chủ, huyết là phụ, khí là vệ, huyết là doanh. Sự sống của con người hoàn toàn do doanh vệ, nếu có daonh, không vệ ắt không vận hóa được. Nói cách khác, vệ là trọng, doanh là khinh. Huyết thiếu còn có thể tạm sống được, chứ khí không đủ thì nguy cho tính mạng. Cho nên, việc dưỡng khí là rất trọng yếu.
Cần hiểu rõ: Tâm chỉ là chủ của Ý, Ý là dụng của Tâm, Tâm động thì Ý khởi, Ý sinh thì Khí tùy (theo). Nói cách   khác Tâm - Ý - Khí có mối quan hệ gắn bó tương liên tuần hoàn. Tâm loạn thì Ý tán, Ý tán thì Khí phù. Ngược lại, Khí trầm thì Ý tụ, Ý tụ thì Tâm định. Cho nên ba thứ đó vận dụng hỗ tương không thể tách rời.
Có hai cách xoay chuyển nội khí trong cơ thể con người. Ý đến nơi nào thì Khí theo đến đó, bất luận chỗ nào cũng có thể vận hành tới được. Các động tác khai hợp, hô hấp, tiến lui trong Nhu khí công nhằm mục đích luyện tập vận khí ra toàn thân, khiến có thể từ chỗ thể giác, cảm giác, xúc giác mà tiến đến chỗ mẫn tiệp linh lợi như thần. Trong thân người có ba trạng thái khí:
1. Khí ngốc trệ (ngưng đọng)
2. Khí phù táo hay bạo khí do cơn giận phát ra, có thể làm chân bị phù, trọng tâm không vững nên vô lực.
3. Khí thanh bình tụ ở đan điền; hễ khí bình ắt hòa, hòa ắt đạt, đạt ắt thông hành không trở ngại. Cho nên, phải luyện tập để cơ khí thanh bình và tiêu trừ khí trệ, bạo.

Kình và Lực
Lúc chưa thực tập đối kháng trong giao đấu, ta chưa phân biệt rõ ràng Kình và Lực. Lực xuất từ xương bị giữ lại ở lưng và vai, nên không phát ra hết được. Kình xuất từ gân đi tới tay chân để phát ra. Lực hữu hình, còn Kình vô hình. Lực vuông mà Kình tròn. Lực trệ rít mà Kình thông suốt. Lực tán ra, Kình tụ lại. Lực trôi nổi, Kình trầm lắng. Lực cùn nhưng Kình bén.
Khi phát Kình tấn công, cần chú ý ba điểm:
1. Cơ thế, tức ta thuận thế, còn địch nghịch thế. Trọng tâm của địch thiên về một bên, thân địch không linh hoạt, khí của địch thượng thăng không trầm xuống được.
2. Địch đang ở phương hướng nghịch thế, ta nhằm vào đó mà phát Kình.
3. Phải đúng thời điểm, tức là nhằm vào lúc mà kình của địch vừa dứt, chưa kịp sinh kình mới hoặc địch lui về sau. Ta phải phát kình địch đúng lúc, không sớm không trễ, vì sớm ắt kình của địch chưa dứt có thể kháng cự lại, trễ ắt địch phát giác mà biến chế được. Ba điểm này không thể thiếu một, ngoài ra còn phải chú ý đến cự ly giữa ta và địch: quá xa kình không tới, quá gần ắt kình bị trở ngại. Kình lực và nội khí như ngày và đêm, ngày đến thì đêm lui.
Có hai cách vận dụng nội khí phát kình:
1. Từ phía trước ra phía sau. Khí trầm ở Đan điền, từ đó bức xuất mà quá ra tứ chi. Ngày hiện thì đêm ẩn.
2. Từ phía sau đi ra phía trước. Khí thấm vào sống lưng và tay, từ đó xuất ra mà quán vào tứ chi.
Xuất kình như ném một đồ vật, muốn ném là ném. Nhất thiết không ngập ngừng hay do dự, nếu có chút chi phân vân thì không sao phát được. Phải phát kình như phónt mũi tên, vút buông dây, không còn chi trong tay cả. Cho nên khi phát kình đánh địch cần phải liễm khí, ngưng thần, mắt nhìn thẳng đối phương, nhất thiết không nhìn xuống, dù trường hợp muốn đề phòng địch tấn công hạ thể, vì nhìn xuống là kình đi xuống.

Kinh Lạc
Trong cơ thể con người có 12 đường lộ tuyến và đó là những đường liên hệ ngũ tạng, lục phủ, thân mình, tứ chi   của con người, đó là đường khí vận hành, và cũng là đường sinh lý cảm ứng trong cơ thể con người gọi chung là 12 kinh.
Thập nhị kinh lạc, tức là 12 kinh, thêm vào mạch Nhâm và mạch Đốc. Hai kinh Nhâm và Đốc ấy, một đường đi phía sau lưng ngay chính giữa cơ thể, còn một đường thì đi ngay chính giữa phía trước.
Kinh lạc có liên quan mật thiết với phủ tạng "Máu sinh khí, khí điều hành máu". Do đó, thông qua sự ban, ấn, chỉ đúng quy luật sẽ làm cho phụ tạng đầy đủ khí huyết, làm cho các cơ quan bị nhiễm bệnh có thể lui bệnh và hồi phục, âm dương cân bằng. Với tứ chi, kinh lạc như cái ổ khóa, ngón tay và ngón chân như cái chìa. Cho nên mối tương quan giữa chúng như khóa với chìa vậy. Tay chân có thể điều khiển nội khí thăng giáng, xuất nhập, đạo dẫn thoải mái để chữa bệnh và nâng thể lực. Ngoài ra, người luyện khí thành công có thể tích lũy nội kình, nâng cao công lực "phát phóng ngoại khí" chữa bệnh. Khí vận dụng "nội khí phóng ngoại" để hướng dẫn chữa bệnh cho người khác.
Mối quan hệ giữa các ngón tay với kinh lạc:
  • Ngón cái là điểm Kết của Thủ Thái âm Phế kinh.
  • Ngón trỏ là điểm Khởi của Thủ Dương minh Đại trường kinh.
  • Ngón giữa là điểm Kết của Thủ quyết Âm Tâm bào kinh.
  • Ngón áp út là điểm Khởi của Thủ thiếu Dương Tam tiêu kinh.
  • Ngón út là điểm Kết của Thủ thiếu Âm Tâm kinh và là điểm khởi của Thủ thái dương Tiểu trường kinh.
Cơ thể con người tuy chia thành các phủ, tạng, cửu khiếu, tứ chi... song chúng lại là từng bộ phận của một chỉnh thể, đồng thời một bộ phận lại là một chỉnh thể nhỏ. Tai không chỉ là cơ quan thính giác đơn lẻ mà còn liên quan mật thiết với các phủ, tạng, kinh lạc. Khí huyết của 12 kinh mạch, 365 lạc thăng lên mặt rồi đi tới các thông khiếu, dương khí của chúng lên đến mặt tạo nên chức năng Nhìn, biệt khí của chúng tích lại ở tai tạo nên chức năng Nghe. Thận đi vào tai, phế khí hư thì thiếu khí... sẽ làm tai điếc. Đó là mối quan hệ giữa tai với kinh lạc và phủ tạng.
Về kinh lạc, thì không thể mổ tử thi con người mà tìm thấy. Nó không trùng với thần kinh hay huyết quản để có   thể giải phẫu mà thấy được, nhưng nó tồn tại, đó là một điều không thể nghi ngờ. Một người bị bệnh bao tử, châm huyệt Túc Tam Lý nằm phía dưới đầu gối, bên ngoài ống quyển thì người bệnh sẽ lành, nhưng nếu xét theo giải phẫu học thì không tìm thấy một sự liên hệ nào bằng đường thần kinh hay huyết quản giữa huyệt Túc tam lý với Bao tử. Một bệnh nhân khó thở, nếu châm cứu ở xương quay nằm phía ngoài bàn tay thì thấy dễ thở ngay, xét phương diện giải phẫu thì ở đầu xương quay có nhánh của thần kinh quay, nhưng dây thần kinh ấy không có quan hệ gì đến phổi và khí quản cả.
Kinh lạc là những bí mật trong thân thể con người, các bậc Đông y xưa, trải qua một thời gian dài trị liệu mới tìm ra được. Mặc dù ngày nay khoa giải phẫu chưa tìm được thực chất của kinh lạc, nhưng trên lộ tuyến của những kinh lạc ấy lại phát hiện những cảm ứng có liên thuộc quan hệ với các quan trong nội tạng. Thế nên trên phương diện y học, kích thích những chỗ trên lộ tuyến ấy là trị lành được những bệnh trong nội tạng.

Nhu Khí Công Quyền Việt Võ Đạo
Huy Vũ

 
Nền tảng khí công của Vovinam là Nhu Khí Công Quyền. Bởi quyền tượng hình, hình gợi ý, ý dẫn khí. Khi đi quyền cần phải biết tụ khí và vận khí ở các bộ phận cần thiết trong cơ thể mới mang lại kết quả mong muốn, nếu không chỉ là múa cái hình bề ngoài mà thôi.
Phổ thông việc hướng dẫn đi Nhu Khí Công Quyền phân ra hai phần: bên trong là hô hấp (thở ra, hít vào), bên ngoài là quyền thức. Khi đi quyền, xuất thủ thì hô (thở ra), thu tay thì hấp (hít vào); thăng thì hấp, giáng thì hô; khai thì hấp, hợp thì hô; đồng bộ chuyển thân và lúc đi những thức quá độ thì hít thở ngắn chứ không hô hấp dài; giữa hô và hấp còn hàm cái lượng hơi đình chỉ hơi thở (tức ngưng thở). Khi đẩy, ấn tay ra thì hô, lúc thu tay vào thì hấp.
Tập Nhu Khí Công Quyền, gân cốt phải mềm mại, các khớp phải linh hoạt chuyển động tay chân, di thân chuyển   hướng như nước chảy không thôi, bản lề không mọt. Công pháp này nhằm rèn luyện các khớp xương trong toàn thân hoạt động, làm cho các cơ quan nội tạng cũng hoạt động theo, từng bước nâng cao tính hưng phấn của hệ thần kinh, tạo tính linh hoạt, nhịp nhàng của các khớp xương cốt và dây chằng. Đi Nhu Khí Công Quyền, tiết tấu trầm nhẹ, mạch lạc, tư thế phóng khoáng, thi triển khoảng khoát, đường bệ. Khi luyện động tác nhịp nhàng, phối hợp với hơi thở một cách khoan thai, không cứng nhắc, không uể oải mà phải linh hoạt tự nhiên với hai mắt nhìn thẳng long lanh có thần, khắp châu thân tràn trề sức sống.
Tà khí nhập vào tim phổi thường lưu giữ ở hai nách. Tà khí nhập gan tích tụ ở mạng sườn. Do đó, khi tập cần vươn tay, mở nách, chuyển động khu trừ tà khí ở Tim, Phổi, Gan làm tăng thêm lượng chứa hơi trong phổi, tăng sức dẻo dai cơ ngực, cơ đầu cổ và cơ bụng rèn luyện các khớp ở vai, khuỷu tay, sườn, đồng thời bổ tâm ích tỳ vị, khiến huyết lưu thông tốt, thúc đẩy sự bài tiết và hấp thụ tốt, tránh bệnh tật, hỗ trở và trị liệu chứng viêm phế quản, mãn tính...
Y học Đông Phương nhận định: Thận là cái gốc của hậu thiên, lưng là cái nơi chứa quả thận. Cho nên, bất cứ loại   quyền thuật hay thể thao nào, cho chí lao động sản xuất, nếu lưng yếu làm việc sẽ yếu kém. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình hình thể chất của mình mà "Tập tùy sức, vừa phải, tuần tự, tiệm tiếm để giữ sức không bị tổn hại". Sự sống tồn tại nhờ ở vận động, ít hoạt động sẽ giảm bớt quá trình sống. Người khỏe mạnh nhờ thường xuyên vận động, luyện tập; người yếu, mắc bệnh mãn tính càng cần thiết hoạt động, luyện tập hơn. Vấn đề là nên hoạt động, luyện tập như thế nào? Phải dựa vào tình hình cụ thể của bản thân từng người mà lựa chọn phương pháp khí công thích hợp, luyện tập đúng mức, vừa sức sẽ có hiệu quả tốt, tăng cường sức khỏe. Khi người yếu mắc bệnh mãn tính mà quá chú trọng nghỉ ngơi, không dám rèn luyện khí công sẽ khiến tinh thần ủy mị, thiếu lòng tin về khả năng chiến thắng bệnh tật, bị suy sụp tức khắc.
Rèn luyện khí công có tác dụng tốt để chữa trị về nhiều mặt trong cơ thể đặc biệt là đối với hệ thần kinh trung ương. Thần kinh trung ương là bộ tư lệnh của toàn thân, các tế bào thần kinh trung ương có quan hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng và cơ bắp trong toàn thân. Chữa trị bằng khí công, người bệnh cần làm những hoạt động thích hợp để khiến cho cơ bắp co giãn và thả lỏng, sẽ điều hòa các quá trình hưng phấn và ức chế để điều tiết sự hoạt động của các cơ quan nội tạng toàn thân để có khả năng đề kháng, tiêu trừ bệnh tật.
1. Xây dựng lòng tự tin và tư tưởng lạc quan yêu đời.
2. Kiên trì và thường nhật luyện tập một cách có hệt thống (không tập bữa đực bữa cái).
3. Tuần tự và tiệm tiến theo đà thuyên giảm của bệnh tật. Khi bệnh đã lui cần nâng cao lượng hoạt động và luyện tập để tăng cường sức khỏe.
4. Rèn luyện toàn diện. Mọi cơ bắp, gân cốt đều được vận động, cả trong và ngoài cơ thể cho khí huyết lưu thông, mới đẩy lui được bệt tật.
Đốt sống cổ, sống lưng là những bộ phận sung yếu trong cơ thể, thường xuyên luyện tập động tác xoay lưng, cơ thể khai thông các mạch Đốc, Nhâm, Đới làm linh hoạt cột sống, tăng cường thăng bằng.
Động tác dang rộng cánh tay, mở rộng lồng ngực có thể làm cho cơ tay chân thả lỏng, huyết áp hạ thấp; hít hơi thật sâu rồi thở ra thật hết, nhờ đó tăng lượng hơi ở phổi, tăng cường cơ ngực, cơ bả vai, cơ hai đầu cánh tay dưới, cánh tay trên và cơ bụng. Đồng thời còn giảm bớt mỡ dưới da... Eo lưng là chỗ ở của thận. Thận làm chủ lưng, đùi. Tập uốn và xoay eo lưng làm cho eo và đùi vững chắc, khiến gan, thận khỏe mạnh. Động công tiến hành rèn luyện trên cơ sở tĩnh công, chú trọng lấy thế chuyển khí, nhờ đó đạt được "Khí huyết cùng luyện, kình khí cùng luyện, nội ngoại cùng luyện", khiến khí lực tăng gấp đôi, thúc đẩy khí huyết toàn thân điều hòa, kinh lạc thơi thông, chủ yếu luyện tích lũy và giải phóng năng lượng, tăng cường công năng "ngoại khí nội thu, nội khí phóng ngoại" của đôi tay thao tác, đôi chân di động.
"Nội kình" trong khí công là năng lượng hoạt động trong cơ thể, là cơ sở vật chất của hoạt động sinh mạng, là tiềm lực ẩn náu trong cơ thể con người. Trong quá trình luyện   công nhất thiết phải có sự huấn luyện đặc biệt và có tính mấu chốt, đó là sự rèn luyện ban động và án động của 10 ngón tay và 10 ngón chân. Chính chúng là nơi khởi đầu và là chỗ kết thúc của 12 kinh trong cơ thể, sự ban động (các hoạt động của các ngón tay như nắm, gẩy... là ban động) và án động (các ngón chân bấm, ấn... là án động) không những có thể tích lũy và điều tiết giải phóng nội kình mà còn là phương pháp hỗ trợ, khiến việc luyện công đạt được kết quả gấp đôi trong cùng một thời gian.
Ban chỉ pháp kiên trì luyện tập sẽ có cảm giác có một dòng hơi ấm từ Mạch Đốc ở sau lưng vận chuyển lên rồi từ Mạch Nhâm vận chuyển xuống ở phía trước, chu chuyển tuần hoàn làm cho Mạch Nhâm, Mạch Đốc lưu thông. Mạch Nhâm là biển của Âm Mạch. Mạch Đốc là nơi tụ hội chung của Dương Mạch. Một khi khơi thông hai mạch đó thì Bát Mạch Kinh Kỳ trong cơ thể đều thông; qua đó cho thấy sự quan trọng của hai mạch Nhâm, Đốc.
Sự ban động ngón tay và án động ngón chân nhịp nhàng cùng lúc sẽ thúc đẩy sự vận chuyển khí trong các kinh lạc có liên quan, cho nên ban, án, ngón tay, ngón chân đúng quy luật thì sẽ có thể điều chỉnh trực tiếp về lưu lượng và vận tốc, nhờ đó thúc đẩy được sự vận hành của khí huyết, khơi thông kinh lạc, kích phát và tích trữ nội kình (tiềm năng trong cơ thể). Dẫn đến tác dụng tăng nhanh tiến trình luyện công đạt hiệu quả gấp đôi.
Tĩnh công định tâm để tụ khí. Động công để tán phóng khí. Động tĩnh phối hợp, trong Động có Tĩnh, trong Tĩnh có Động. Tĩnh là cơ sở, Động là thể dụng. Vận khí bằng đi quyền, tay chân ban, án lúc thăng lúc trầm! Dẫn lực bằng hơi, thu phóng tự nhiên. Hữu hình vô ảnh, theo khí sinh lực.Vận dụng phát huy thông suốt kinh lạc. Khí thông bì phu, xuyên thông cốt tủy, xương khớp chơn tru, gân xương cứng khỏe. Ngón tay co bóp, ngón chân bấm ấn, khí thông toàn kinh, lục phủ ngũ tạng. Âm dương cân   bằng, thuận nhĩ thính vượng, phù chính trừ tà, đẩy lùi bách bệnh.
Nhu Khí Công Quyền phối hợp giữa Động công và Tĩnh công, hỗ trợ lẫn nhau, nên không thủ ý, lấy chuyển động trong thư giãn để dẫn khí khiến người tập cảm thấy sảng khoái, khoáng hoạt, đi hoài không mệt mỏi.
Chú trọng về Động công, nhưng khi đi xong những bài Nhu Khí Công Quyền. Vovinam vẫn cho môn sinh tĩnh tọa để tập Tĩnh công. Tĩnh tọa theo cách ngồi "kiết già" hay "bán già" hay ngồi thông thường đều được, nhưng phải ngồi ngay ngắn vững vàng (chính thân đoan tọa), đỉnh đầu như treo lên (hư linh đỉnh kình), vai trầm ngực ngậm, toàn thân buông lỏng, đầu lưỡi chạm nhẹ vào giữa vòm miệng trên, môi răng ngậm nhẹ, mắt lim dim hơi khép. Lưng tay trái đặt vào lòng bàn tay phải, để sát bụng dưới buông lỏng trên hai đùi, bụng rốn buông nhẹ xuống.
Giềng mối của Tĩnh công là "Tam điểm nhất tuyến" tức là: Điều Thân - Điều Tức - Điều Tâm. Tâm Bình, Khí Hòa, Chí Chính, Thể Trực, Tâm phải thanh tịnh, không vọng tưởng lan man, cũng không để tinh thần căng thẳng. Và phải:
1. Tập trong khung cảnh vắng lặng yên tĩnh, có cảm giác ở huyệt Ấn Đường.
2. Các khớp xương toàn thân buông lỏng, mềm mại, nhẹ nhàng, tránh cứng đơ, căng thẳng.
3. Tránh tập lúc quá đói hoặc quá no; nên tập vào giờ Mão (5-6 giờ sáng) và giờ Dậu (gà lên chuồng 5-6 giờ chiều). Nếu nửa đêm không ngủ được, có thể tập vào giờ Tý (12 giờ đêm).
Quan trọng nhất là tâm tư phải thật vắng lặng, không ta không người. Nhất thiết mọi tư lự không chạy ra ngoai (thu thị phản thính - thu cái nhìn nghe ngược lại)
1. Tai không nghe để Tinh quay về Thận.
2. Mắt không nhìn để Hồn quay về Can.
3. Miệng không nói để Thần quay về Tâm.
4. Mũi không ngửi để Phách quay về Phế.
5. Ý không nghĩ để Ý quay về Tỳ.
Tinh-Hồn-Thần-Phách-Ý có chỗ quy về Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận thì là "Phục Kỳ Mện" ắt thiện Tâm nhiên hậu hiện ra.
Tập khí công đạt mức, thành tựu sẽ khơi thông được ba huyệt "Tam Quan", tức các huyệt Vĩ Lư, Hiệp Tích, và Ngọc Chẩm.
Cần Lưu Ý: Nước bọt có rất nhiều tác dụng. Ở trong miệng, trước hết, nước bọt bôi trơn lưỡi và miệng nên tiếng nói phát âm dễ dàng. Nếu miệng lưỡi khô, nói sẽ hụt hơi. Trong nước bọt có chất kháng sinh có thể diệt được vi trùng và làm trung hòa vi khuẩn hình thành ở men răng sau khi ăn. Ngay sau khi thức ăn vào miệng, nước bọt đã bắt đầu tác động đến quá trình dễ tiêu hóa cho bao tử, làm tốt việc phục hồi men răng và giữ vệ sinh cho răng miệng. Do đó, khi tập Tĩnh công cần phải chạm đầu lưỡi vào giữa miệng trên để nước bọt ứa ra giữ hơi cho bền.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét